Nữ phi hành gia gốc Phi đầu tiên của Mỹ

Ngày 12/9/1992, tàu con thoi Endeavour của NASA được phóng lên không gian trong một nhiệm vụ kéo dài 8 ngày trên quỹ đạo.

Mae Jemison trên tàu con thoi Endeavour.

Mae Jemison trên tàu con thoi Endeavour.

Trong chuyến bay này, tàu mang theo Mae Jemison, người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên vào vũ trụ.

Ước mơ cháy bỏng

Vào tháng 1/1987 tại Los Angeles (California, Mỹ), Mae Jemison, 30 tuổi, về đến căn hộ của mình sau giờ làm việc và nhìn thấy trong hộp thư trước cửa có một phong bì từ NASA, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia. Đây là bức thư mà từ lâu cô mong đợi.

Hai thập niên trước, khi còn là cô bé 9 tuổi, Mae đã xem tập đầu tiên của Star Trek, phim khoa học viễn tưởng về du hành vũ trụ, trên truyền hình và ôm ấp ý tưởng trở thành một phi hành gia.

Mae hoàn thành chương trình trung học sớm ở tuổi 16 rồi theo học tại Đại học Stanford, chuyên ngành kỹ thuật hóa học. Sau khi tốt nghiệp, cô tiếp tục học trường Y ở New York và có thời gian thực tập tại Thái Lan, Cuba, Campuchia và Đông Phi. Sau một thời gian làm việc tại Đoàn Hòa bình và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Mae nhận một công việc ở Los Angeles.

Chỉ khi đó, cô mới quyết định nộp đơn xin tham gia chương trình phi hành gia của NASA, dù biết rằng mọi chuyện sẽ rất khó khăn. Một rào cản lớn đối với cô là NASA chưa bao giờ tuyển dụng một phụ nữ da đen làm phi hành gia trước đây.

Giờ đây, Mae run rẩy mở lá thư từ NASA, đọc nhanh và hét lên vui sướng. Cô đã lọt vào danh sách rút gọn 100 người trong số hai nghìn ứng viên và được mời đến Houston cho vòng tuyển chọn tiếp theo.

Vài tuần sau, Mae đi đến Trung tâm vũ trụ Johnson ở Texas để kiểm tra sức khỏe và test tâm lý. Sau khi mọi quy trình tuyển chọn hoàn tất, Mae nhận được cuộc gọi mà cô đã mơ ước từ khi còn là một cô bé. Cô là một trong hai người phụ nữ trong số 15 phi hành gia mới nhất của NASA và là người da đen duy nhất.

Trong hai năm tiếp theo, Mae hoàn thành khóa đào tạo cơ bản mà mọi phi hành gia đều phải trải qua. Sau đó, cô trở thành chuyên gia về phần mềm máy tính sử dụng trên tàu con thoi, làm việc tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida.

Phải đến tháng 9/1989, Mae mới nhận được tin tức mà cô mong đợi. Cô được chọn làm chuyên gia khoa học trên tàu con thoi Endeavour.

Từ không gian đến… Hollywood

 Nữ phi hành gia Mae Jemison.

Nữ phi hành gia Mae Jemison.

Ngày 12/9/1992, ba năm sau khi được chọn làm phi hành gia thực tập, Mae trên buồng lái của tàu con thoi Endeavour nhìn xuống Trái đất. Đó là quang cảnh mà chỉ có 200 phi hành gia và nhà du hành vũ trụ từng chứng kiến trước đó - và không ai trong số những người này là phụ nữ da đen.

Nhưng Mae không có nhiều thời gian để đắm mình vào quang cảnh tuyệt vời này. Lịch trình của các phi hành gia trong không gian được kiểm soát chặt chẽ, Mae phải bắt tay vào các nhiệm vụ được giao.

Tại Spacelab - một phòng thí nghiệm trên quỹ đạo, được phóng vào không gian bên trong khoang chứa hàng của tàu con thoi, Mae giám sát các thí nghiệm, điều chỉnh cài đặt thiết bị. Cô cũng thử nghiệm để xem liệu có thể truyền dịch tĩnh mạch trong điều kiện không trọng lực hay không.

Cô thực hiện các phép đo để giúp các nhà khoa học trên Trái đất hiểu được tác động của việc ở trong không gian đối với các tế bào xương. Ngoài ra, cô cũng nghiên cứu việc du hành vũ trụ tác động thế nào đối với chu kỳ sinh sản của động vật lưỡng cư, bằng cách thụ tinh nhân tạo trứng của bốn con ếch.

Sau ba năm đào tạo chuyên môn, Mae thực hiện những thí nghiệm này một cách thành thạo nhưng vẫn cảm thấy gánh nặng kỳ vọng đè lên vai mình. Nhiệm vụ tàu con thoi này có một số thành tựu tiên phong. Nó mang theo cặp vợ chồng đầu tiên cùng nhau lên vũ trụ và phi hành gia người Nhật đầu tiên trong nhiệm vụ của NASA.

Nhưng Mae hiểu rõ tầm quan trọng về “lần đầu tiên” của mình hơn bất kỳ ai. Cô tin rằng, rất nhiều phụ nữ da đen có thể làm công việc này tốt như cô nhưng không dám nộp đơn vì chương trình phi hành gia có vẻ quá “trắng” và quá nam tính.

Do đó, Mae hy vọng sẽ trở thành hình mẫu cho những người phụ nữ da đen khác. Để nhấn mạnh nguồn gốc của mình, cô đã mang theo hai vật kỷ niệm đặc biệt - một bức tượng nhỏ từ Tây Phi và một bức ảnh của Bessie Coleman, người phụ nữ Mỹ da đen đầu tiên có bằng phi công.

Endeavour trở về Trái đất vào ngày 20/9/1992. Khi hạ cánh, Mae ghi lại bảy ngày, 22 giờ, 30 phút và 23 giây trong không gian, quay quanh Trái đất 127 lần.

Mặc dù, Mae Jemison không bao giờ được lên không gian lần nào nữa cô lại được đến với một con tàu vũ trụ khác, chỉ có điều lần này, cô thực hiện một nhiệm vụ ở nơi mà chưa một phi hành gia nào từng đến: Hollywood.

Ngay khi trở về Trái đất, Mae nhận được lời mời mà cô đã chấp nhận không chút do dự: Xuất hiện với tư cách là diễn viên quần chúng trong chương trình truyền hình Star Trek: The Next Generation. Đây là lần đầu tiên một phi hành gia trong đời thực trở thành diễn viên khách mời trên tàu vũ trụ

Enterprise trong phim. Lúc đầu, Mae hơi hồi hộp khi gặp những diễn viên nổi tiếng như Patrick Stewart và LeVar Burton. Nhưng bộ phận tuyển diễn viên của chương trình rất nhiệt tình với Mae, họ đã đặt hàng trăm câu hỏi cho cô về việc thực sự bay vào không gian như thế nào. Rất may, Mae đã có thời gian để trả lời tất cả vì cô chỉ phải học thoại cho một cảnh quay.

Sự xuất hiện của Mae trong Star Trek: The Next Generation đã hoàn thành một vòng tròn bắt đầu khi cô mới chín tuổi. Mae đã vượt qua mọi khó khăn và ghi tên mình vào các vì sao khi cô trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên bay vào quỹ đạo.

Theo Historydaily

Lê Du

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nu-phi-hanh-gia-goc-phi-dau-tien-cua-my-post704204.html