Nữ quân nhân Biên phòng được người dân biên giới tin yêu

Bám địa bàn, lời nói đi đôi với việc làm, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tam Hợp, BĐBP Nghệ An luôn được nhân dân tin yêu. Trên cơ sở đó, chị đã phát huy tốt vai trò trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh cùng giáo viên và học trò tại điểm trường vùng biên xã Tam Hợp. Ảnh: Huy Thiên

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh cùng giáo viên và học trò tại điểm trường vùng biên xã Tam Hợp. Ảnh: Huy Thiên

Sát cánh cùng đồng đội bám địa bàn

Những ngày giữa tháng 6/2024, khi chúng tôi đến đơn vị, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh đang cùng đồng đội xuống địa bàn thực hiện nhiệm vụ. Qua trao đổi với Ban chỉ huy đơn vị, được biết, Đồn Biên phòng Tam Hợp được giao quản lý đoạn biên giới dài, địa bàn rộng, dân cư đông đúc, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mông sinh sống. Nhìn chung, cuộc sống của người dân trên khu vực biên giới xã Tam Hợp, huyện Tương Dương do đơn vị phụ trách vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật còn tiềm ẩn diễn ra phức tạp. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị Biên phòng thường xuyên tổ chức tuần tra biên giới, bám nắm các bản làng, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Quá trình công tác của những người lính mang quân hàm xanh gặp phải không ít trở ngại vì đường giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế. Dù mới lên nhận công tác ở Đồn Biên phòng Tam Hợp chưa được bao lâu, nhưng Trung tá Thanh luôn sát cánh cùng đồng đội đến hầu hết các bản làng biên giới.

Điều dễ nhận thấy, trong những chuyến xuống địa bàn, Trung tá Thanh luôn gần gũi với cuộc sống bà con, nói để nhân dân hiểu về những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và địa phương. Người ta nói rằng, chị không ngại xắn tay cuốc cỏ, đào đất cùng bà con, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Trung tá Thanh còn tham mưu cho đơn vị, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua con giống tặng các gia đình khó khăn. Đặc biệt, với thiên chức của người phụ nữ, chị có nhiều hoạt động chăm sóc cho trẻ em khỏi bị thiệt thòi. Trong câu chuyện về vai trò của BĐBP ở vùng đất biên giới, ông Vừ Tổng Lông, người uy tín bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp cho biết: “Cán bộ Thanh mới về địa bàn chưa được bao lâu, nhưng rất sát sao, gần gũi với cuộc sống nhân dân. Chị ấy không ngại khó, ngại khổ để giúp đỡ mọi người nên được bà con trong các thôn bản quý mến, tin tưởng”.

Trong câu chuyện, Trung tá Thanh chia sẻ rằng, thời gian đầu mới lên đơn vị, cá nhân chị cũng gặp những trở ngại nhất định. Bởi chỉ có mình là nữ, trong khi đó, từ đồn Biên phòng đến một số bản rất xa, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhưng là nữ quân nhân, chị có một số thuận lợi, phát huy được sở trường, khả năng riêng biệt trong việc tuyên truyền. Khi đến nhà bà con, chỉ cần ngồi quanh bếp lửa thì bao nhiêu chuyện cũng được chị em phụ nữ trong bản kể hết cho nghe. Nhận thức như thế, bằng tinh thần trách nhiệm, chị đã sát cánh cùng đồng đội bám địa bàn, bám dân thực hiện nhiệm vụ được giao. “Thực tế cho thấy điều kiện kinh tế, cuộc sống của người dân trên khu vực biên giới vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhận thức chưa đồng đều. Quá trình tiếp cận bà con để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật gặp nhiều trở ngại. Để nhân dân tin, thực hiện theo những điều hay, lẽ phải thì cần phải có thời gian dài” - Trung tá Thanh khẳng định.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh trong buổi trao tặng giống dê sinh sản cho nhân dân xã Tam Hợp. Ảnh: Huy Thiên

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh trong buổi trao tặng giống dê sinh sản cho nhân dân xã Tam Hợp. Ảnh: Huy Thiên

Được nhân dân tin yêu

Trước khi chuyển đến công tác tại Đồn Biên phòng Tam Hợp, Trung tá Thanh đã có nhiều năm liền công tác tại Đồn Biên phòng Môn Sơn, phụ trách địa bàn có đông dân cư là tộc người Đan Lai và đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Quá trình thực hiện nhiệm vụ tại xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Trung tá Thanh gần như nhớ hết từng ngôi nhà của những hộ gia đình “đặc biệt” trong xã. Nắm được những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, rồi từ đó, tham mưu cho đơn vị, chính quyền địa phương hỗ trợ sinh kế để người dân có cơ hội vươn lên. Còn chị cũng báo cáo Ban chỉ huy đơn vị để được trực tiếp phụ trách, giúp đỡ 5 gia đình trên địa bàn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Trên cơ sở tình hình địa phương, Trung tá Thanh đã tham mưu thành lập 3 câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới” tại các bản Bắc Sơn, Nam Sơn và làng Yên, thu hút trên 100 hội viên tham gia. Tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ, chị em đã được chị Thanh cùng đồng đội tuyên truyền để hiểu thêm rất nhiều kiến thức về pháp luật, nhất là những quy định về bảo vệ biên giới quốc gia, quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh biên giới, phòng, chống mua bán người; các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, phụ nữ nói riêng trên mọi lĩnh vực. Tham gia câu lạc bộ, các hội viên cũng chia sẻ những kinh nghiệm về giữ hòa thuận, hạnh phúc trong gia đình, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh.

Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh còn được mọi người biết đến là “người mẹ hiền” của những học trò thuộc tộc người Đan Lai rời bản làng ra trung tâm xã Môn Sơn để học chữ. Bởi cả thời gian dài, chị đã ở lại khu ký túc xá của trường để chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho những cô, cậu học trò đặc biệt. Cùng thời gian, sự ân cần, chu đáo của chị đã từng bước giúp các em tộc người Đan Lai xóa bỏ được tư tưởng bỏ học giữa chừng, để rèn luyện tốt hơn. Những việc làm, hành động thiết thực của chị đã làm cho người dân ở xã biên giới Môn Sơn rất cảm kích. Khi được hỏi, bà Quang Thị Vân, bản Nam Sơn, xã Môn Sơn chia sẻ: “Dù đã đến công tác ở đơn vị khác, chị Thanh vẫn thường xuyên liên lạc, thăm hỏi người dân. Chị Thanh luôn động viên mọi người thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng chung sức bảo vệ biên giới, đảm bảo bình yên địa bàn. Đối với người dân trong xã, “o Thanh” là một người phụ nữ rất bản lĩnh, hết mực vì mọi người xung quanh”.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nu-quan-nhan-bien-phong-duoc-nguoi-dan-bien-gioi-tin-yeu-post478198.html