Nữ sinh Đại học Huế: 'Khi người trẻ viết tiếp tình yêu Tổ quốc'
Tạ Thị Thanh Thủy sinh năm 2003 quê ở Thái Bình. Hiện cô là sinh viên Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế. Là một người yêu văn hóa lịch sử nước nhà Thanh Thủy thường kết nối với những người có cùng đam mê. Họ là những người trẻ viết tiếp câu chuyện tình yêu với Tổ quốc theo nhiều cách khác nhau.
Thanh Thủy từng là Thủ khoa đầu vào Trường Cao đẳng Truyền hình; Đạt học bổng 3 kỳ liên tiếp và trong Top 5 MC xuất sắc của Trường. Hiện nay, cô là sinh viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.

Tạ Thị Thanh Thủy là sinh viên Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.

Cô từng thuộc Top 5 MC xuất sắc của trường Cao đẳng Truyền hình.
Có thể nói sự gắn kết tình yêu với Tổ quốc của Thanh Thủy chính là từ văn hóa, lịch sử nước nhà. Ngoài thông tin trong sách vở, tài liệu, các chương trình truyền hình, Thủy còn đi tới nhiều địa danh lịch sử, di tích văn hóa, bảo tàng để được tận mắt chứng kiến, lắng nghe và trải nghiệm, từ đó tình yêu đất nước được vun đắp nhiều hơn. Cô chủ động kết nối với nhiều bạn trẻ cùng đam mê qua các diễn đàn, mạng xã hội, cùng nhau trao đổi góc nhìn cá nhân, chia sẻ kiến thức và cảm nhận. “Từ đó, mình không chỉ học thêm nhiều điều mới mà còn thấy được rằng, các bạn trẻ ngày nay vẫn rất quan tâm và yêu quý lịch sử dân tộc.” – Thủy cho biết.

Thanh Thủy ngồi bên phải.
Hiện nay, Thanh Thủy đang tham gia thực hiện những nội dung qua video, hình ảnh, bài viết với công việc là một “người kể chuyện” trên Xin chào Việt Nam để lan tỏa những góc nhìn mới lạ hơn về lịch sử, văn hóa, con người Việt. Từ đó các bạn trẻ kết nối với mong muốn giới thiệu những nét đặc sắc về lịch sử - văn hóa địa phương hoặc trao đổi thêm về những góc nhìn khác.

Thanh Thủy - “người kể chuyện” trên Xin chào Việt Nam
Tháng 4 vừa qua, nhân dân Việt Nam được sống trong không khí hân hoan chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Vì vậy, tình yêu Tổ quốc được đẩy lên cao trào mạnh mẽ nhờ các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó cách thể hiện tình yêu nước của người trẻ cũng được nhìn nhận rõ qua các nội dung sáng tạo.
Tuy nhiên cũng không ít ý kiến cho rằng đó chỉ là tình cảm nhất thời trong dịp lễ, là cảm xúc phong trào. Thanh Thủy nhận định: "Có thể đó là sự bộc lộ theo phong trào, nhưng điều đó không hề tiêu cực. Vì ít nhất, các bạn đang góp phần lan tỏa những hình ảnh đẹp về đất nước, về lòng tự hào dân tộc, vì những lá cờ các bạn cầm trên tay và quan trọng là các bạn biết đó là ngày gì.
Từ những hành động tưởng chừng mang tính phong trào ấy, có thể gieo vào lòng người xem – đặc biệt là những bạn cùng trang lứa, một sự quan tâm, một câu hỏi, hay thậm chí là một sự thức tỉnh nhẹ nhàng về lịch sử, về Tổ quốc. Và mình tin, tình yêu nước đôi khi bắt đầu từ những điều giản dị như thế.”

Tình yêu nước của giới trẻ ngày nay không chỉ thể hiện qua các dịp lễ lớn mà còn được bày tỏ một cách âm thầm nhưng bền bỉ trong đời sống hàng ngày.
Công tâm sẽ thấy tình yêu nước của giới trẻ ngày nay không chỉ thể hiện qua các dịp lễ lớn mà còn được bày tỏ một cách âm thầm nhưng bền bỉ trong đời sống hàng ngày, trong từng khoảnh khắc. Đó có thể là những bạn trẻ chọn học ngành kỹ thuật, công nghệ, y tế... với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng chính chuyên môn của mình. Hay những người làm trong lĩnh vực sáng tạo như truyền thông, nghệ thuật, giáo dục – họ đang kể lại những câu chuyện đẹp của Việt Nam bằng những góc nhìn mới mẻ, gần gũi qua lời nói, âm thanh, hình ảnh để tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ.

Tình yêu nước còn nằm trong đạo đức nghề nghiệp, và đó chính là sự tử tế, trung thực, không gian dối hay chạy theo cái lợi trước mắt. Nó còn là thái độ sống có trách nhiệm; Giúp đỡ những người xa lạ không vì tiền bạc hay vật chất, hay đơn giản là lan tỏa điều tích cực trên mạng xã hội.

Bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ mai sau đó cũng chính là thể hiện lòng yêu nước trong thời đại mới.
Tôn trọng pháp luật, bảo vệ sự thật và lẽ phải, khi một ai đó dám lên tiếng bảo vệ điều đúng đắn; Sống xanh hơn, bớt xả và phân loại rác cũng chính là hành động không thể thiếu trong việc bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ Tổ quốc. Điều này không chỉ có lợi cho thế hệ hiện tại mà còn bảo tồn môi trường sống cho các thế hệ mai sau. Đó chính là biểu hiện của lòng yêu nước trong thời đại mới.

“Ngày nay, mình nhận thấy có rất nhiều người trẻ dũng cảm đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những giá trị thiêng liêng. Khi có ai đó lăng mạ, xuyên tạc hay hạ bệ danh dự của đất nước, nhiều bạn trẻ không ngần ngại lên tiếng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự vững mạnh của Tổ quốc một cách văn minh và đầy trách nhiệm trên các nền tảng mạng xã hội. Yêu nước không phải là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể mỗi ngày, mỗi việc làm dù nhỏ đều có ý nghĩa.” Thanh Thủy chia sẻ.

Ngày nay, có rất nhiều người trẻ dũng cảm đứng lên bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những giá trị thiêng liêng.
Lịch sử không chỉ để nhắc nhớ mà còn nhắc nhở chúng ta quá khứ không được phép lãng quên. Thế hệ trẻ cần hiểu rõ hơn về những giá trị ấy như câu nói của Cụ Hồ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Muốn yêu nước một cách sâu sắc và đúng đắn, thì trước hết phải hiểu về đất nước mình – về lịch sử, văn hóa, những gì cha ông đã trải qua, gây dựng và để lại. Học lịch sử, văn hóa để biết mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy ấy, và mình có thể làm gì để góp một phần nhỏ cho hiện tại và tương lai của đất nước. Với Thủy, học lịch sử không chỉ là ghi nhớ mà là hành trình hiểu, yêu và trân trọng.
Ảnh: NVCC