Nữ sinh 'siêu' 2 ngoại ngữ trúng tuyển đại học top đầu Châu Á
Thành thạo tiếng Anh và tiếng Trung, Nguyễn Khánh Linh (trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã trúng tuyển trường Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Đây là đại học top đầu châu Á và nằm trong top 20 thế giới năm 2023 theo tổ chức xếp hạng Time Higher Education (THE).
"Chạm" đến giấc mơ
Chỉ còn một tháng nữa là đến hạn đóng đơn đăng ký dự tuyển vào trường Đại học Thanh Hoa, Khánh Linh mới bắt tay vào làm hồ sơ (tháng 10/2022) và trải qua 3 vòng nộp hồ sơ online, phỏng vấn và nộp hồ sơ bản cứng.
Ngoài chứng chỉ Hán ngữ quốc tế (HSK) cấp 5 trở lên, chứng chỉ tiếng Anh đã có từ trước, nữ sinh đã gấp rút chuẩn bị thêm những yêu cầu như hai thư giới thiệu kèm video về bản thân và một bài luận 800 chữ trong vòng 1 tháng.
Vừa lo, vừa sợ quá sức nhưng Linh vẫn quyết nộp hồ sơ để thử thách giới hạn của bản thân. Đặc biệt, cô bạn không muốn bỏ lỡ cơ hội du học Trung Quốc đã ấp ủ từ lâu. Vì vậy, trong 1 tháng chuẩn bị hồ sơ, Khánh Linh chưa khi nào ngủ trước 2 giờ sáng để tập trung luyện viết bài luận. "Đa số, anh chị du học sinh Việt ở Thanh Hoa đều theo học thạc sĩ, tiến sĩ. Số học sinh trúng tuyển bậc cử nhân rất hiếm nên em càng phải cố gắng, trau chuốt nhiều hơn", cô bạn cho biết.
Trong phần viết luận 800 chữ, Linh đã gây ấn tượng với màu sắc riêng, thể hiện là một nữ sinh trường chuyên cá tính, năng động, tự chủ trong học tập và cuộc sống. Đặc biệt, Khánh Linh nhấn mạnh vào cách giải quyết vấn đề, những trải nghiệm khi thực tập ở công ty gia đình... và định hướng tương lai khi chọn ngành Kinh tế.
"Khi đó, em mới chứng minh được bản thân phù hợp với tiêu chí của trường, có thể đóng góp được trên nhiều phương diện cho ngôi trường sẽ theo học", nữ sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cho biết.
Nhờ tư duy ngoại ngữ và khả năng giao tiếp linh hoạt trong mọi tình huống, nhất là tiếng Trung, Linh khá tự tin để truyền tải được toàn bộ suy nghĩ của bản thân trong vòng phỏng vấn với các giáo sư ở Đại học Thanh Hoa. Với những câu hỏi về mặt chuyên môn bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung, nữ sinh cũng vượt qua một cách nhẹ nhàng.
"Trước đây, em thường được giao lưu với những vị khách ở Trung Quốc cùng gia đình nên dần có sự phản xạ tốt. Vì vậy, khi phỏng vấn, em không bị căng thẳng hay lúng túng. Thay vào đó là phong thái tự tin, cá tính, độc lập nhưng vẫn mang tinh thần cầu thị", Khánh Linh chia sẻ.
Tự chủ trên bệ phóng gia đình
Có nền tảng gia đình tốt, nhưng Linh khẳng định, bản thân em luôn tự chủ trên hành trình học vấn và tự vạch lộ trình vươn đến giấc mơ.
"Thời gian đầu học ngoại ngữ, em rất dễ bị nản vì càng học, càng thấy một biển kiến thức mênh mông, không thấm vào đâu. Nhưng cứ đi rồi sẽ đến, mỗi ngày em đều xây dựng và duy trì thói quen tiếp xúc, sử dụng ngoại ngữ để coi nó là một phần không thể thiếu", Khánh Linh chia sẻ
Chia sẻ thêm, Linh nói: "Từ nhỏ đến lớn, em được gia đình cho học trường công và không có chút năng khiếu học ngoại ngữ nào. Đến lớp 9, ngoài chu cấp tài chính, bố mẹ để em tự tìm giáo viên, liên hệ xin lớp học... để thi vào trường chuyên", Linh kể.
Bận rộn với công việc kinh doanh của gia đình, bố mẹ ít khi ở nhà nhưng Linh không lơ là, chểnh mảng việc học. Ngược lại, nữ sinh tự chủ, tự giác và thường xuyên xin bố mẹ cho đi tiếp khách cùng để học kỹ năng giao tiếp.
Đặc biệt, từ một cô gái không có năng khiếu học ngoại ngữ, nhưng Linh đã kiên trì học qua nhiều hình thức khác nhau. Từ đầu cấp 2, em vừa học trên sách vở, vừa học qua xem phim ảnh, nghe nhạc, giao tiếp với người bản xứ.
Với khả năng tự chủ của bản thân, hành trình du học bắt đầu từ tháng 8 tới đây của Linh sẽ không còn quá nhiều nỗi sợ. Nữ sinh nói: "Em thích nghi với môi trường mới khá nhanh bởi trước khi đi, em đã hỏi các anh chị về những phong tục và con người nơi đây. Ngoài ra, em cũng lên các trang mạng lớn tìm hiểu để có phông văn hóa tự tin khi giao tiếp với bạn bè quốc tế".