Nữ sinh viên U70 và ước mơ không còn dang dở

'Lần đầu bước vào lớp còn bị mọi người nghĩ là đưa con đi học. Khi biết tôi cũng là sinh viên, ai cũng ngạc nhiên, kêu cô tuổi này rồi còn đèn sách làm gì cho cực', bà Kiên nói.

"Tuổi này còn học để làm gì?"

Đó là câu hỏi thắc mắc mà bà Kiên được nghe nhiều nhất khi chính thức bước vào giảng đường đại học lúc đã ngoài 60 tuổi. Ngày trẻ vì khó khăn, thiếu thốn, chiến tranh loạn lạc, đến lúc lập gia đình, bà lo cho các con, cháu. Bây giờ, khi mọi thứ đã ổn định, tôi mới nghĩ đến ước mơ cho bản thân từ lúc còn trẻ, là một ngày nào đó được bước chân vào giảng đường đại học.

Sau này, ai nói gì bà cũng chỉ cười trừ, bảo: "Mình làm gì thấy bản thân thoải mái là được, ai nói gì kệ họ. Gia đình con cái đều ủng hộ là vui lắm rồi".

Bà nhớ lại những ngày ôn thi bổ túc cấp III tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tri Tôn (An Giang). Thời đó, các con bà phản đối không phải vì nghĩ mẹ gàn dở, mà lo cho mẹ không có đủ sức khỏe để theo học. "Có hôm trời mưa to, đứa con gái thứ tư giấu chìa khóa xe máy để tôi không đi học", bà kể.

Bà Vi Thị Kiên nhận được giấy chứng nhận kết quả thi ở tuổi 61.

Bà Vi Thị Kiên nhận được giấy chứng nhận kết quả thi ở tuổi 61.

Nhưng cuối cùng bằng sự quyết tâm của bản thân, bà đã thuyết phục được các con ủng hộ việc làm của mình. Đặc biệt, người con thứ 3 là Nguyễn Thanh Chơn, hiện là bác sĩ, chia sẻ: "Nhiều người cho rằng già rồi thì không cần học nhưng với mình, việc học không bao giờ muộn. Học sẽ kích thích trí não không ngừng vận động, làm tăng sức khỏe và tuổi thọ. Đặc biệt, đây lại là ước mơ của mẹ mình nên trong nhà ai cũng mong bà sớm hoàn thành tâm nguyện".

Ngày cầm trên tay giấy chứng nhận kết quả thi, ai cũng mừng cho bà vì những nỗ lực cuối cùng đã có kết quả xứng đáng.

Xác định khó có thể theo học các lớp chính quy cùng sinh viên năm đó vì chênh lệch tuổi tác, bà nộp đơn thi hệ vừa làm vừa học của khoa Luật, Đại học Cần Thơ.

Ngày nhập học, bà chuyển từ An Giang đến ở cùng người con thứ ba Nguyễn Thành Chơn tại Cần Thơ, vừa chăm sóc con cháu, vừa thuận tiện đi học. Mọi chi phí học hành được anh Chơn tài trợ.

Ban ngày, bà ở nhà tranh thủ ôn bài và đỡ đần con cái. Đến tối đi học, nữ sinh viên U70 cũng một công đôi việc.

Không rành về công nghệ, hàng ngày, đứa cháu nội hướng dẫn bà dùng máy tính bảng để học tiếng Anh. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn ràng tiếng ê a học bài từ già đến trẻ.

Bữa cơm tối đơn giản từ 17h để bà Kiên kịp giờ đi học một tiếng sau đó.

Bữa cơm tối đơn giản từ 17h để bà Kiên kịp giờ đi học một tiếng sau đó.

Nguyễn Bảo Minh Tâm (lớp 4), cháu nội bà Kiên đang hướng dẫn bà sử dụng máy tính bảng để học tiếng Anh. Thỉnh thoảng, Tâm nhắc khẽ: "Nội! Nội! Đoạn này phải đọc như này mới đúng nè".

Nguyễn Bảo Minh Tâm (lớp 4), cháu nội bà Kiên đang hướng dẫn bà sử dụng máy tính bảng để học tiếng Anh. Thỉnh thoảng, Tâm nhắc khẽ: "Nội! Nội! Đoạn này phải đọc như này mới đúng nè".

Một buổi đến giảng đường của sinh viên U70

18h, trời nhá nhem tối, bà Kiên dắt xe máy ra khỏi nhà để đến trường. Lớp học bắt đầu từ 18h30 đến 20h30, thứ hai đến thứ sáu, gồm nhiều lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Vì thế, bà Kiên thấy mình không quá đỗi chênh lệch với bạn bè cùng lớp.

Cách trường khoảng 3 km, bà Kiên luôn đến sớm 30 phút để tranh thủ trao đổi bài vở với bạn bè cùng lớp.

Cách trường khoảng 3 km, bà Kiên luôn đến sớm 30 phút để tranh thủ trao đổi bài vở với bạn bè cùng lớp.

"Được đến trường trở lại cảm giác lạ lắm, nhẹ nhõm phần nào vì ước nguyện ấp ủ mấy chục năm nay đã được hoàn thành", bà Kiên bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tháng 9 của 2 năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến giảng đường.

Điều khó khăn nhất trong việc học, với bà Kiên, xuất phát từ chính bản thân. "Tôi nhiều tuổi rồi nên sức khỏe không so được với bạn trẻ, trí óc không nhạy bén bằng các cháu. Nếu với một kiến thức, người trẻ chỉ mất 3 buổi để hiểu, tôi phải đến 10 buổi", bà Kiên thành thật tâm sự.

Vì vậy, tranh thủ đầu giờ học, bà nhờ bạn bè cùng lớp giảng lại những điều chưa rõ. Bà bảo không được giấu dốt, không hiểu đâu hỏi nấy: "Mình học vì con chữ chứ không màng bằng cấp nên cứ học thật, thi thật thôi".

Bà Kiên tranh thủ, tận dụng từng lúc để ôn tập bài vở hoặc nhờ bạn bè cùng lớp giảng giải những chỗ chưa hiểu.

Bà Kiên tranh thủ, tận dụng từng lúc để ôn tập bài vở hoặc nhờ bạn bè cùng lớp giảng giải những chỗ chưa hiểu.

Tuổi tác cũng làm bà Kiên khó tiếp thu công nghệ. Có những kiến thức thay vì chỉ cần một cú nhấp chuột, bà phải mất hàng giờ trên thư viện. Nhưng không vì thế mà nữ sinh viên nản lòng. Sau những ngày thức đến 3h sáng để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi, các bài kiểm tra của bà thường đạt kết quả cao trong lớp.

"Việc tự tìm tài liệu cũng có cái hay, mình ôn lại được kiến thức mà cũng đọc được nhiều cái mới. Chậm mà chắc nhỉ!", bà Kiên cười nói.

"Chị Kiên luôn đến đúng giờ, hoàn thành sớm và đầy đủ bài vở, điểm kiểm tra đều đứng top đầu của lớp", cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyền cho biết.

"Chị Kiên luôn đến đúng giờ, hoàn thành sớm và đầy đủ bài vở, điểm kiểm tra đều đứng top đầu của lớp", cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyền cho biết.

"Ở lớp tôi xưng em, gọi cô/thầy. Nhưng các thầy cô do còn trẻ nên cũng ngại không gọi tôi là 'em Kiên', mà gọi là chị", bà Kiên hóm hỉnh nói về chuyện xưng hô trên lớp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, Phó trưởng bộ môn Luật Tư pháp, chia sẻ: "Hơn 10 năm đứng lớp, tôi từng dạy một số sinh viên cao tuổi. Điểm giống nhau giữa họ là có tinh thần chăm chỉ, chịu khó học hỏi, không ngại khổ. Bởi ở tuổi đó mà vẫn đi học là họ thực sự đam mê, không vì bằng cấp. Nhiều lúc nhìn các anh chị miệt mài, hăng say, tôi cũng tự nhủ cần phải trau dồi nhiều hơn nữa".

Bà Kiên già nhất trường, là tâm điểm của sự chú ý khi ngồi trong lớp học buổi tối.

Bà Kiên già nhất trường, là tâm điểm của sự chú ý khi ngồi trong lớp học buổi tối.

Vận dụng kiến thức trong trường học vào đời sống

Một buổi sáng cuối tháng 8, do ảnh hưởng của cơn bão, trời mưa như trút nước, người phụ nữ 63 tuổi vẫn đội mưa chạy xe máy từ thành phố Cần Thơ đi Thốt Nốt cách 50 km để chia sẻ kiến thức tại chùa Khánh Vân Tự.

Bà Kiên trong một buổi thuyết giảng tại chùa Khánh Vân Tự với chủ đề "Ân đất nước".

Bà Kiên trong một buổi thuyết giảng tại chùa Khánh Vân Tự với chủ đề "Ân đất nước".

Là giáo lý viên của Phật giáo Hòa Hảo, hàng ngày đi chia sẻ tại các ngôi chùa, bà Kiên luôn tự trau dồi kiến thức, vốn hiểu biết để nói chuyện về giáo luật, giáo lý của giáo hội mà vẫn tuân thủ luật pháp của Nhà nước. Đây cũng là lý do chính khiến bà Kiên lựa chọn việc học luật.

"Từ ngày có kiến thức luật trong tay, nói chuyện với bà con thấy tự tin hơn hẳn. Mình có thể tư vấn nhiều khúc mắc cho mọi người một cách đầy đủ và chính xác. Hóa ra mình vẫn còn chút có ích cho đời", bà Kiên chia sẻ.

Ngày xưa, nếu có cơ hội, bà Kiên đã học làm bác sĩ vì mê bộ đồ áo trắng, vừa giúp được bản thân, vừa giúp được cho nhiều người khác. Đến khi có cơ hội thực hiện điều đó thì đã luống tuổi. Do vậy, bà chọn học luật, cũng là công việc có thể giúp mình, giúp đời.

"Bờ cõi vững lặng/Thân ta mới yên/Quốc gia mạnh giàu/Mình ta mới ấm", tiếng bà Kiên vang lên đều đều dưới cơn mưa tầm tã. Kết thúc buổi chia sẻ, sinh viên 63 tuổi lại chạy 50 km trở về nhà để kịp cho buổi học. Người phụ nữ chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để có thể theo học được nhiều hơn nữa.

Quỳnh Trang - Quang Long

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nu-sinh-vien-u70-va-uoc-mo-khong-con-dang-do-post985907.html