Nữ sinh Việt thực tập tại 'Big4' Kiểm toán thế giới, chủ động tạo cơ hội phát triển bản thân
Là một gen Z với thành tích học tập 'đỉnh chóp', Thái Doanh Nghi (sinh năm 1999) còn là thực tập viên tại công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Deloitte (Chicago). Cô bạn này đã có những chia sẻ thú vị về cuộc sống, định hướng bản thân trước sự chú ý của cộng đồng mạng.
‘Profile’ đáng ngưỡng mộ:
Thái Doanh Nghi đang sinh sống và làm việc tại thành phố Chicago (Mỹ). Doanh Nghi vừa hoàn thành chương trình bậc ĐH chuyên ngành Kiểm toán tại DePaul University (Chicago) vào tháng 6/2022 và hoàn thành khóa thực tập 3 tháng tại công ty kiểm toán Deloitte từ tháng 6 đến tháng 8/2022. Doanh Nghi đang học chương trình MSAA tại DePaul University (dự kiến tốt nghiệp vào tháng 7/2023) và ôn thi bằng CPA trước khi chính thức vào làm ở công ty Deloitte vào tháng 9/2023.
Qúa trình luôn quan trọng hơn kết quả
Được chú ý bởi thành tích học tập đáng nể trên mạng lẫn truyền thông, Doanh Nghi có áp lực khi phải giữ vững phong độ đó, bởi sự ‘tung hô’ đôi khi cũng là ‘con dao hai lưỡi’ với các bạn trẻ?
Với mình, quá trình luôn quan trọng hơn kết quả. Nếu trong lúc học tập mà mình không thực sự hiểu và biến những kiến thức đó thành của riêng thì dù kết quả có cao đi nữa, mình cũng cảm thấy lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức bỏ ra. Nên là sau khi được quan tâm nhiều hơn, mình vẫn học tập theo phương thức bình thường, cũng không đặt gánh nặng kết quả cho bản thân. Vì chủ yếu người được hưởng lợi trong việc học là bản thân mình, học cho mình, chớ không thể học cho bất kỳ ai khác được.
Là sinh viên năm cuối ngành Kiểm toán, đã được trải nghiệm trước tại công ty thuộc Big4 thế giới thì quan điểm của bạn về công việc này có sự thay đổi như thế nào?
Hồi đầu, mình nghĩ, kiểm toán rất khô khan và hơi ‘sách vở', vì đa phần các lớp kiểm toán từng học đều dạy lý thuyết và có phần khó hiểu. Cho tới khi mình đi làm thì công việc này hoàn toàn khác với tưởng tượng. Thật ra, công việc kiểm toán rất thú vị. Các hoạt động kiểm toán thường yêu cầu về tính suy luận, logic, đồng thời cũng cần lập luận, dẫn chứng bằng số liệu cụ thể. Mình cảm giác giống như đang được làm thám tử vậy. Mỗi một hoạt động kiểm toán tính chất khác nhau nên công việc này không hề lặp đi lặp lại như hình dung trước đó về “công việc văn phòng nhàm chán" của mình. Mình học được rất nhiều kiến thức mới qua từng lần kiểm toán.
Áp lực điểm số cũng là một điều mà bạn từng trải qua, đó cũng là nỗi bận tâm của nhiều bạn trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với bạn, ‘chạy đua’ với điểm số có mặt tích cực và tiêu cực như thế nào?
Áp lực điểm số có thể đến từ bản thân hoặc xã hội nhưng chung quy, áp lực này vẫn có thể thúc đẩy bản thân mỗi người cố gắng hơn. Tuy vậy, theo mình thì áp lực điểm số không nên là động lực duy nhất cho việc học tập, vì như vậy sẽ mất đi mục đích học tập ban đầu. Nếu tụi mình chỉ quan tâm đến “kết quả", thành tích mà bỏ quên ý nghĩa của việc học, việc tận dụng kiến thức để đem lại lợi ích cho chính mình, thì dần dần, việc học sẽ trở thành một gánh nặng hay nghĩa vụ. Hoặc tệ hơn, những lúc điểm số không như mong đợi, mình sẽ cảm thấy rất thất vọng và tự nghi ngờ khả năng của bản thân. Vì vậy, mình nghĩ, học tập cũng giống như những hoạt động khác, phải xác định việc học sẽ đem đến gì cho mình và tương lai. Giống như có người chơi bóng rổ vì niềm vui, có người chơi bóng rổ vì muốn tăng chiều cao. Lợi ích khác nhau sẽ thúc đẩy quá trình theo cách khác nhau. Như vậy, mình sẽ thật sự học được những kiến thức cần thiết hỗ trợ cho ước mơ sau này.
Vẫn có nhiều ý kiến, người học giỏi thì chỉ biết mỗi việc học, thiếu kỹ năng để bước ra môi trường làm việc chuyên nghiệp. Với Doanh Nghi thì bạn thực tiễn hóa những bài học của mình ra đời sống như thế nào?
Mình cũng từng nghe rất nhiều ý kiến như vậy, nhất là người lớn thường nói tụi mình là “khờ", không biết gì hết ngoài việc học. Nhưng mà, mình lại cảm thấy chính từ những kiến thức tích lũy đó mới tạo nền tảng sẵn sàng bước ra môi trường thực tiễn. Ví dụ như lớp Triết học, mọi người hay đánh giá môn này là không thực tế hay lý thuyết suông. Nhưng mà những hoạt động trong lớp Triết giúp mình cải thiện khả năng lập luận và chứng minh một luận điểm bất kỳ giữa nhiều lập luận khác. Mà kỹ năng này đã giúp ích rất nhiều cho mình khi viết báo cáo kiểm toán. Nếu mình chưa từng học qua lớp Triết cũng như cải thiện khả năng lập luận, dẫn chứng theo logic thì có lẽ báo cáo của mình sẽ rời rạc và ít thuyết phục hơn. Do đó, mỗi lớp học khác nhau mình đều xác định xem môn học đó sẽ đem lại cho mình kỹ năng hay kiến thức gì, từ đó áp dụng vào đời sống. Không chỉ riêng trong công việc mà kể cả cuộc sống thường ngày của mình cũng vậy.
May mắn là tên gọi khác của sự cố gắng
Bạn từng trải nghiệm cả việc học ở Việt Nam và ở Mỹ, bạn nghĩ gì về sự chủ động tìm cơ hội cho bản thân, dù vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường?
Giữa việc đợi chờ hay mong đợi một cơ hội đến với mình, phó thác cho định mệnh, thì chủ động tìm hay tạo cơ hội là một việc bản thân có thể kiểm soát được. Mà theo mình, cái gì bản thân kiểm soát được, có biến số, vẫn sẽ dễ dàng hơn những ẩn số như định mệnh. Giống như một câu nói mình từng nghe, may mắn là tên gọi khác của sự cố gắng. Cơ hội cũng là kết quả của sự cố gắng mà bản thân tìm kiếm hoặc tạo nên. Chẳng hạn, nếu mình không chủ động tham gia các hoạt động hướng nghiệp tại trường, tạo các mối quan hệ mentor với một vài anh, chị ở công ty Deloitte để mở rộng network, mình không nghĩ mình sẽ có cơ hội làm quen với chú partner, người đã phỏng vấn và tuyển dụng mình vào công ty.
Hiện tại, gen Z dùng mạng xã hội như một cách quảng bá hình ảnh bản thân, với Doanh Nghi, điều này có cần thiết và màng đến hiệu quả cho việc tìm cơ hội việc làm sau tốt nghiệp?
Mình nghĩ, mạng xã hội cũng là một cách quảng bá bản thân đối với nhà tuyển dụng. Ví dụ như hiện nay, các nhà tuyển dụng cũng thường quan tâm đến trang LinkedIn của ứng viên. Nhưng mà quan trọng nhất vẫn là để họ xem ứng viên có thực sự kết nối để chủ động tìm cơ hội việc làm hay chỉ dừng lại ở việc tăng network ảo. Do đó, ngoài các ngành nghề truyền thông hay quảng cáo, mình nghĩ, mạng xã hội sẽ không thực sự cần thiết cho việc tìm cơ hội việc làm. Thay vào đó, những chương trình hướng nghiệp, giao lưu, hay workshop của các nhà tuyển dụng sẽ đem lại nhiều cơ hội giao lưu, kết nối và tìm kiếm cơ hội việc làm hơn. Và 'resume' hay 'portfolio' chính là chìa khóa quảng bá bản thân tốt nhất đến với nhà tuyển dụng.
Thời đại mạng xã hội mang đến nhiều cơ hội cho các bạn trẻ nhưng cũng vô cùng cạnh tranh, điều đó tạo nên sự ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ. Với Doanh Nghi, bạn cân bằng cuộc sống như thế nào để không bị tác động đến tinh thần?
Mình luôn có suy nghĩ là mỗi người có một cuộc sống, một mục tiêu, một cách nghĩ khác nhau. Không ai giống ai hoàn toàn cả vì mỗi người là một cá thể duy nhất và đặc biệt mà. Nên là khi thấy những bài viết mang đến “peer pressure – vượt qua áp lực đồng trang lứa”, mình chỉ cảm thấy các bạn ấy thật giỏi khi đang cố gắng hết mình vì bản thân. Và mình không phải là các bạn ấy nên không thể nào so sánh “thành tích” của mình với mọi người được. Y như việc so sánh quả cam và quả dưa hấu cùng được gieo trồng tại một thời điểm, lúc thu hoạch lại thấy tại sao quả dưa hấu lại ngọt hơn quả cảm nên nói quả dưa hấu ngon hơn. Quả cam có lợi ích riêng của nó là đem đến vitamin C và quả dưa hấu cũng vậy. Không trái nào dở hơn trái nào. Chỉ là tất cả tụi mình đều đang cố gắng hết mình trên con đường riêng vì những mục tiêu khác nhau, ở những thời điểm khác nhau.
Hiện tại, nhiều bạn trẻ chọn xu hướng tự do tài chính, nghỉ hưu sớm, tức là họ làm việc kiếm tiền nhiều hơn để nghỉ ngơi ở độ tuổi trẻ hơn. Doanh Nghi có nhận định như thế nào về xu hướng này, nếu là bạn thì có chọn nghỉ hưu sớm khi tuổi còn trẻ để tận hưởng cuộc sống?
Mình cũng là một trong các ban trẻ đặt mục tiêu nghỉ hưu sớm. Mình thấy đây là một xu hướng khá phù hợp với lối suy nghĩ của giới trẻ tụi mình về cuộc sống. Khác với các thế hiện trước là quan tâm đến kinh tế để chu cấp cho bản thân và thế hệ sau (con cháu), bây giờ tụi mình sống vì bản thân nhiều hơn. Tụi mình không còn đặt nặng những việc lập gia đình và sinh con như thế hệ trước nữa, mà tụi mình quan trọng cuộc sống hạnh phúc cho bản thân. Có thể các bậc thế hệ trước sẽ thấy tụi mình ích kỷ, nhưng thật ra mỗi một thế hệ đều có suy nghĩ khác nhau về cuộc sống phù hợp ở mỗi thời đại.
Thành tích nổi bật Thái Doanh ghi từng đạt được:
- Giải Nhất Học sinh giỏi môn Sử cấp Thành phố (Lớp 9).
- Best Leadership Award 2018-2019 - Oakton Community College
- EY Scholars 2021-2022 (học bổng) - DePaul University.
- Ledger & Quill General Award 2021-2022 (học Bổng) - DePaul University.
- Senator of International Students nhiệm kỳ 2021-2022 - DePaul University.
- Tốt nghiệp đại học GPA 4.0/4.0 - Bằng Summa Cum Laude - DePaul University.