Nữ sinh Việt trúng tuyển Đại học Stanford và loạt trường Top đầu của Mỹ, Úc
'Hội đồng tuyển sinh đã bị thuyết phục bởi đam mê, sự quyết tâm, thành tích và trái tim của em. Em là sự phù hợp tuyệt vời với Stanford' là một đoạn trong lá thư thông báo trúng tuyển mà Đại học Stanford đã gửi cho Khánh Linh.

Đặng Khánh Linh, 18 tuổi, học sinh trường Phổ thông Liên cấp Olympia vừa nhận thông báo trúng tuyển vào Đại học Stanford danh giá, ngôi trường xếp hạng thứ 3 Thế giới và số 1 tại Mỹ về chuyên ngành Chính sách công và Kinh tế mà Khánh Linh đã chọn. Với tỷ lệ trúng tuyển dưới 4%, Stanford là một trong 3 Trường Đại học khó vào nhất nước Mỹ (cùng MIT và Harvard).
Khánh Linh chia sẻ đầu giờ sáng ngày 28/3, dù biết là sẽ có kết quả Đại học Stanford, nhưng Linh không dám mở thư ra xem. Mẹ em đã động viên và nói em đừng quá lo lắng, hãy chuẩn bị 1 tâm lý thoải mái vì em đã có kết quả rất tốt của các trường ĐH khác rồi, việc không được vào Stanford cũng là điều rất bình thường thôi vì rất rất khó.
"Khi em mở hộp thư ra thấy pháo hoa bắn tưng bừng (đặc trưng của các Trường Top của Mỹ khi thông báo trúng tuyển) và dòng chữ "Chúc mừng Khánh Linh", em đã nghĩ đây là 1 giấc mơ… Thực sự tới bây giờ, sau khi đã nhận rất nhiều lời chúc mừng, em vẫn nghĩ mình đang mơ….”, Linh vỡ òa cảm xúc.
“Hội đồng tuyển sinh đã bị thuyết phục bởi đam mê, sự quyết tâm, thành tích và trái tim của em. Em là sự phù hợp tuyệt vời với Stanford” là một đoạn trong lá thư thông báo trúng tuyển mà Đại học Stanford đã gửi cho Khánh Linh.
Đại học Stanford được mệnh danh là Ngôi trường của những nhân vật kiệt xuất, nằm ở trái tim của Thung lũng Silicon. Nơi đây đã đào tạo 2 đời Tổng thống Mỹ (Tổng thống Herbert Hoover và John F, Kennedy) Thủ trướng Anh, Thủ tướng Hy Lạp, Thủ tướng Nhật Bản, Nhà Vua Bỉ…, 58 cựu sinh viên đạt giải Nobel, gần 100 tỷ phú Thế giới; trong đó phải kể tới những nhân vật như tỷ phú số 1 Thế giới hiện nay Elon Musk, các nhà sáng lập Google, Yahoo, Neflix, Instagram, Pay Pal, Linkedln… Theo Forbes, Standord là trường đại học có giá trị nhất thế giới vào năm 2019. Trường nổi tiếng với chất lượng giáo dục xuất sắc, nghiên cứu đột phá và tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Chia sẻ về lý do muốn du học Mỹ, Khánh Linh cho biết đây là định hướng từ cấp hai, sau khi em có cơ hội học 1,5 năm tại Mỹ khi bố làm việc tại đây. Nữ sinh thấy môi trường học ở Mỹ cởi mở, năng động, tôn trọng sự khác biệt.

Nhờ sớm xác định Mỹ là điểm đến mong muốn, nữ sinh đã đạt điểm SAT 1540 (chứng chỉ chuẩn hóa dùng để xét tuyển đại học Mỹ) từ năm lớp 10, thuộc top 1% điểm SAT cao nhất Thế giới. Ngoài ra, nữ sinh còn có IELTS 8.0, điểm IB (tú tài quốc tế) dự đoán ở mức xuất sắc. Huy chương vàng viêt luận tại Vòng Chung kết Thế giới World Scholar’s Cup tại Đại học Yale, Mỹ; Huy chương vàng cá nhân và đồng đội tại World Scholar’s Cup vòng Khu vực tại Bangkok, Thái Lan; Sáng lập viên Tạp chí Thanh niên Việt Nam, nghiên cứu và xuất bản hơn 30 bài phân tích chính sách; Đồng Chủ tịch câu lạc bộ tranh biện D-DOXA tham gia các giải quốc gia và quốc tế lớn.
Luật và chính sách công là lĩnh vực Khánh Linh đã thích từ lâu. Các hoạt động, nghiên cứu và các dự án của Linh trong suốt những năm Phổ thông trung học và thể hiện trong hồ sơ ứng tuyển đại học đều xoay quanh lĩnh vực này.
Nền tảng gia đình đã nuôi dưỡng tình yêu với luật và chính sách công
Được biết, nền tảng gia đình giúp Linh có tình yêu với luật. Bố và mẹ Khánh Linh đều học tiến sĩ Luật ở Pháp, hiện vẫn làm việc trong ngành. Khánh Linh thường trò chuyện với bố mẹ về các vấn đề thời sự, xã hội từ góc nhìn chính sách. Tham gia các Đội tuyển tranh biện tại nhiều nước, các cuộc thi quốc gia và quốc tế về tranh biện tiếng Anh và đặc là Cuộc thi World Scholar’s Cup đã giúp em có tư duy đa chiều và phương pháp nghiên cứu, đánh giá các vấn đề chính trị, xã hội phức tạp ở quy mô toàn cầu.
"Quá trình này giúp em sớm dành sự quan tâm đến chính sách, pháp luật bảo vệ cho nhóm yếu thế trong xã hội gồm phụ nữ, trẻ em, người đồng tính (LGBT), người dân tộc thiểu số... Vì vậy, các hoạt động xã hội và nghiên cứu mà Khánh Linh thực hiện đều liên quan đến chủ đề này", Linh nói.
Khánh Linh là đồng tác giả một nghiên cứu về quyền tham gia của trẻ em Việt Nam trong việc ra quyết định tại gia đình, trường học và cộng đồng. Linh thực hiện nghiên cứu cùng một nghiên cứu sinh, phụ trách khảo sát, phân tích và bình luận kết quả. Nghiên cứu “Quyền tham gia của trẻ em tại Việt Nam; Khung pháp lý và các thách thức” được đăng trên tạp chí Luật và Pháp lý Việt Nam (Vietnam Law & Legal Forum) vào tháng 9/2024.
"Đây là nghiên cứu đầu tay nên em rất tự hào", Khánh Linh nói.
Quá trình tham gia giúp Khánh Linh hiểu về quy trình chung để thực hiện một nghiên cứu khoa học, từ cách tìm tài liệu, thiết kế mẫu khảo sát và thống kê, phân tích số liệu. Cùng với đó, nữ sinh hiểu thêm về thực trạng quyền trẻ em ở Việt Nam và trên thế giới.
Từ kinh nghiệm này, Khánh Linh tiếp tục thực hiện thêm nghiên cứu về thúc đẩy quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục của trẻ em với 2 nghiên cứu được đăng trên tạp chí Trẻ em Việt Nam cùng năm 2024 về “Thúc đẩy quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục của trẻ em tại Việt Nam” và “Việt Nam luôn đề cao quyền của trẻ em dân tộc thiểu số” ; đồng tác giả nghiên cứu về quyền được bày tỏ và lắng nghe của trẻ em, bảo vệ tại Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội.
Nữ sinh cũng thực hiện nhiều hoạt động xã hội với cùng chủ đề như sáng lập ra Her’Story tổ chức chuỗi các sự kiện chia sẻ về giáo dục giới tính, bình đẳng giới tới các trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, xuất bản ấn phẩm sổ tay về sức khỏe giới tính; tổ chức vở kịch tái hiện câu chuyện của các nạn nhân quấy rối tình dục, quyên góp tiền bán vé cho quỹ hỗ trợ nữ nạn nhân bị bạo lực giới...
Trong bài luận chính trong hồ sơ ứng tuyển vào Đại học Mỹ, Khánh Linh mở đầu bằng hình ảnh “Mọi cuộc cách mạng bắt đầu bằng một mũi khâu". Từ việc học thêu tranh với mẹ, Linh nhận thấy để có 1 bức tranh hoàn chỉnh với những đường nét phức tạp, đều phải từ từng mũi khâu. Và toàn bộ bài luận là hành trình Khánh Linh khám phá ra đam mê của bản thân, tìm hiểu về nó, xây dựng và bắt đầu cống hiến cho nó từng việc một, từ nhỏ tới lớn, như từng mũi khâu.
"Em kết thúc bài luận bằng việc hiện tại, em tiếp tục theo đuổi các hoạt động về luật và chính sách công dành cho nhóm yếu thế, như từng sợi chỉ, mũi khâu để tạo nên bức tranh lớn sau này", Khánh Linh kể.
Việc được nhận vào Đại học Stanford, được tiếp cận tri thức hàng đầu của thế giới cũng như bước đi đầu tiên, mũi khâu đầu tiên trong cuộc cách mạng của Khánh Linh mong muốn được thay đổi và những điều tốt đẹp hơn nữa cho bình đẳng giới và quyền của người yếu thế. Stanford chọn những sinh viên có tầm nhìn lớn, và bình đẳng giới là một tầm nhìn lớn và mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Lựa chọn học Chương trình Tú tài quốc tế (IB) và cánh cửa mở ra tới Stanford
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình, mẹ của Khánh Linh chia sẻ, cô con gái từ nhỏ đã rất thích đọc sách, món quà Linh yêu thích nhất trong các dịp đặc biệt luôn là sách. Khánh Linh sinh ra ở Pháp khi 2 bố mẹ đang làm Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Luật tại đây.
"Yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu về luật và chính sách chắc đã có từ trong “gen” của con rồi, nên khi tiếp cận và viết về các chủ đề này, khả năng tư duy của con có lúc làm cho bố mẹ phải ngạc nhiên và thán phục. Con là 1 cô bé ngoan, tình cảm và giàu lòng trắc ẩn, có khả năng viết và biểu đạt ngôn từ rất tốt. Tôi đã rất xúc động khi đọc thư của Hội đồng tuyển sinh trường Stanford gửi cho con, khi họ ghi nhận cả thành thích, niềm đam mê và cả tấm lòng của con nữa”, chị Thanh Bình bày tỏ.
Khánh Linh là khóa học sinh đầu tiên ở Olympia học chứng chỉ hệ Tú tài quốc tế IB tại Olympia. Đây là chương trình đào tạo khó nhất trong hệ thống PTTH. Không chỉ là chương trình học thuật ụy tín được công nhận trên toàn cầu, mà còn được xem như “tấm vé vàng” giúp học sinh bước vào các địa học danh tiếng thế giới. Chương trình đào tạo và phát triển toàn diện cho học sinh qua bốn khía cạnh: trí tuệ, cảm xúc, thể chất và kỹ năng mềm.
Đến nay, Khánh Linh vẫn thấy đây là sự lựa chọn đúng đắn giúp Khánh Linh tự tin hơn khi “dám” nộp hồ sơ vào các trường ĐH Top đầu với mức độ cạnh tranh khốc liệt. Chương trình này yêu cầu học sinh chọn ít nhất 3 môn nâng cao và 3 môn tiêu chuẩn trong khi Linh thử thách bản thân với 4 môn nâng cao mà ít học sinh IB nào dám thử sức gồm Toán, Sinh, Quản trị Kinh doanh và Văn học Anh.
"Thông qua việc chọn nhiều môn nâng cao, em muốn hội đồng tuyển sinh thấy mình không chỉ là người có năng lực học, mà còn không ngại thử thách bản thân. Em nghĩ Stanford nhận em vào Trường là đánh giá ở góc độ học thuật và nhìn thấy sự đam mê xuyên suốt của em với lĩnh vực em muốn theo đuổi", Khánh Linh chia sẻ.

Là cố vấn cho Khánh Linh, TS Lê Thị Trầm Hương, giáo viên phụ trách học thuật chương trình tích hợp của trường Olympia, cho biết thử thách lớn nhất với Khánh Linh trong quá trình làm hồ sơ du học là sắp xếp thời gian. Theo cô, chương trình đòi hỏi cao về học thuật, có quy định nghiêm ngặt về thời gian học và các bài thực hành. Để cân đối, Linh luôn phải chủ động lên kế hoạch, kịp thời trao đổi với giáo viên những khó khăn gặp phải để được hỗ trợ.
Cô Hương đánh giá Linh là học sinh xuất sắc toàn diện. Ngoài năng lực học tập vượt trội và niềm yêu thích nghiên cứu, Linh còn có khả năng lãnh đạo, kỹ năng giao tiếp và thích ứng nhanh.
"Thầy cô hay gọi Linh là bông hồng thép. Con luôn dịu dàng, hòa đồng và khiêm tốn trong tập thể, nhưng bên trong là một ý chí mạnh mẽ, kiên định và bản lĩnh hiếm có", cô Hương nói.
Ngoài học về luật và chính sách công, nữ sinh dự định học thêm về kinh tế; sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục học thạc sĩ.
Ngoài Đại học Stanford, Khánh Linh còn nhận được thông báo trúng tuyển của các trường đại học top đầu của Mỹ như Michigan, Virginia (Top 20 của Mỹ và Thế giới); của Úc như Melbourne, Sydney, Monash (Top 1, 2, 3 của Úc).
Đặc biệt trong đó, Khánh Linh nhận được học bổng toàn phần danh giá Trustee Scholar của Đại học Boston, Mỹ trị giá gần 8 tỷ đồng cho 4 năm học. Đây là học bổng rất hiếm mà trường chỉ dành cho gần 20 sinh viên xuất sắc nhất trong tổng số hơn 11.000 sinh viên mà Đại học Boston nhận mỗi năm. Sinh viên được nhận học bổng này sẽ được gọi là các Học giả của Đại học Boston và được tham gia các khóa đào tạo, trao đổi học giả đặc biệt.