Nữ sinh VinUni chạm tay đến Cornell: 'Hãy cứ mơ lớn!'

Đặng Thu Hà đang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại trường Đại học VinUni. Với tinh thần luôn cố gắng để đạt được ước mơ, Thu Hà đã có cho mình không ít thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa đáng nể. Vừa qua, cô đã vinh dự được đặt chân tới trường đại học Cornell để tham dự chương trình trao đổi sinh viên trong khuôn khổ hợp tác giữa VinUni và Cornell.

Vượt ra khỏi vùng an toàn bằng giấc mơ lớn

Trở thành 1 trong 6 sinh viên VinUni vinh dự được đặt chân tới Ithaca, Mỹ để tham dự chương trình trao đổi sinh viên ngắn hạn “Student Immersion” kéo dài trong 2 tuần tại Đại học Cornell (thuộc khối trường Ivy League danh giá) là thành quả mà Thu Hà đã đạt được khi đã dám vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Trước đó, cô sinh viên trẻ đã từng có một số trải nghiệm trao đổi với sinh viên quốc tế ngay tại VinUni thông qua các chương trình trao đổi ngắn hạn của các bạn sang Việt Nam. Tiêu biểu là UBC Research Forum diễn ra trong 2 tuần tại VinUni với các bạn sinh viên đến từ University of British Columbia, Canada và chương trình Cambridge Study Tour diễn ra trong 4 ngày tại TP HCM với các bạn sinh viên đến từ Institute for Manufacturing, Đại học Cambridge. Bên cạnh đó, vào tháng 6 vừa rồi, Hà cũng may mắn là 1 trong 8 đại biểu của Việt Nam được chọn để tham dự chương trình Youth Ecosperity Dialogue tổ chức tại Singapore. Đây là chương trình được tài trợ toàn phần do Singapore Management School và Temasek Foundation phối hợp tổ chức với hơn 70 đại biểu đến từ tất cả các quốc gia tại châu Á.

Thu Hà cùng các bạn tham gia chương trình Youth Ecosperity Dialogue tổ chức tại Singapore.

Thu Hà cùng các bạn tham gia chương trình Youth Ecosperity Dialogue tổ chức tại Singapore.

Thế nhưng, khi nhận được thông tin của chương trình “Student Immersion” và cơ hội được đặt chân tới Cornell, nỗi sợ bị từ chối vẫn là rào cản khiến Thu Hà ngần ngại khi đăng ký. Vì biết rằng tính cạnh tranh của chương trình rất cao, cả trường chỉ có 6 sinh viên được lựa chọn, Hà đã nghĩ mình không đủ giỏi để có thể nắm bắt được cơ hội này. Tiếp xúc với nhiều bạn bè đồng trang lứa và các anh chị tiền bối trong trường, Hà hiểu có rất nhiều người giỏi hơn mình và đã có phút Hà sợ rằng bản thân sẽ phải đối diện với cảm giác thất bại nếu hồ sơ bị loại. “Chương trình cạnh tranh lại diễn ra đúng vào đợt bọn mình thi cuối kỳ, phải ôn thi siêu căng thẳng nên mình nghĩ hồ sơ mình làm ra sẽ không được hoàn hảo, apply kiểu gì cũng sẽ bị từ chối thôi”, nữ sinh chia sẻ thêm. Dẫu vậy đến cuối cùng, Hà không cho phép bản thân ngăn trở giấc mơ bằng việc để nỗi sợ hãi lấn át đi niềm tin vào khả năng của chính mình. Cô hiểu rằng có thể bản thân sẽ cảm thấy thất vọng khi không được trúng tuyển, nhưng sẽ sống mãi với sự ân hận nếu không dám bước ra khỏi vùng an toàn để đạt được những gì mình mong mỏi.

Thu Hà chụp ảnh tại Cornell.

Thu Hà chụp ảnh tại Cornell.

Thu Hà sau buổi trò chuyện cùng cô Helen Chun - giáo sư giảng dạy môn Marketing tại Cornell.

Thu Hà sau buổi trò chuyện cùng cô Helen Chun - giáo sư giảng dạy môn Marketing tại Cornell.

Giấc mơ lớn mở ra vùng trời kiến thức mới

Chuyến đi tới Cornell lần này đã đem đến cho Thu Hà nhiều bài học giá trị trên cương vị là sinh viên của một trong những niên khóa đầu tiên tại VinUni đồng thời là cựu thành viên của Hội đồng sinh viên VinUni và Hội sinh viên quốc tế. “Một trong những điều thú vị nhất mà mình học được ở Cornell chính là cách trường xây dựng một mạng lưới alumni (cựu sinh viên) rất vững mạnh”, Thu Hà chia sẻ. Hội cựu sinh viên tại Cornell là một nguồn lực lớn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các cơ hội việc làm tới sinh viên sau khi tốt nghiệp mà còn tạo ra khoản tài trợ không nhỏ cho trường. Để khuyến khích các sinh viên tích cực tham gia vào mạng lưới này và mang lại nhiều đóng góp cho nhà trường, Cornell đã xây dựng không ít hoạt động nhằm nuôi dưỡng tinh thần “trao đi - nhận lại” của các bạn trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Càng tìm hiểu sâu hơn về các lớp học được Cornell tổ chức nhằm thảo luận về chủ đề này cũng như cách nhà trường khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động cố vấn cho khóa dưới, Thu Hà càng có thêm cho mình nhiều ý tưởng hay để xây dựng cộng đồng cựu sinh viên VinUni trong thời gian sắp tới.

Thu Hà chụp ảnh cùng Big Red Bear - Mascot của Cornell.

Thu Hà chụp ảnh cùng Big Red Bear - Mascot của Cornell.

Thu Hà chụp ảnh cùng đoàn Vinuni và các thầy cô lãnh đạo Công tác Sinh viên tại Cornell.

Thu Hà chụp ảnh cùng đoàn Vinuni và các thầy cô lãnh đạo Công tác Sinh viên tại Cornell.

Không chỉ vậy, việc được tiếp xúc với bạn bè quốc tế đến từ các nền văn hóa đa dạng cũng đã giúp Thu Hà học hỏi được nhiều bổ ích, đặc biệt là cách nhìn nhận bản chất thật sự của một vấn đề. “Trong một lớp học mà mình được dự thính tại Cornell, cô giáo đã đãi cả lớp món pizza và câu hỏi về chiếc pizza “chính hãng” mà cô đặt ra đã giúp mình nhận ra tầm quan trọng của việc đánh giá vấn đề một cách đa chiều”, Thu Hà nhớ lại. Ban đầu, Hà cùng với các bạn trong lớp đều đồng ý với nhau rằng món pizza này không chính hãng bởi pizza có nguồn gốc ở Ý với loại đế mỏng và giòn. Trái lại, loại bánh mà Hà cùng các bạn đang được thưởng thức lại là phiên bản của Mỹ với đế dày và cứng.

Thu Hà cùng các bạn tại lớp học dự thính.

Thu Hà cùng các bạn tại lớp học dự thính.

Tuy nhiên, sau một hồi thảo luận tích cực, các bạn sinh viên đều nhận ra rằng mỗi vùng văn hóa của mỗi cá nhân đều có một phiên bản pizza theo cách riêng, “Tuy tên gọi có thể khác nhau nhưng đều là một đế bánh phẳng làm từ bột mì hoặc bột khác và có nhiều loại nhân ở trên. Ở Việt Nam mình thì là bánh tráng nướng- thứ bánh mà người nước ngoài gọi là Vietnamese Pizza. Và dù cho khác nhau về mặt hình thức, mùi vị theo từng văn hóa nhưng pizza về bản chất vẫn là một món ăn sinh ra từ nhu cầu cơ bản của tầng lớp lao động và phục vụ cùng một mục đích- cung cấp chất dinh dưỡng cho họ”, Hà chia sẻ. Và do đó, cô đã quyết định rằng không nên gắn mác “chính hãng” cho pizza, pizza ở Ý chính hãng theo kiểu của Ý, pizza ở Mỹ chính hãng theo kiểu của Mỹ và ở Việt Nam cũng vậy. Nữ sinh VinUni hiểu rằng cần phân tích vấn đề ở nhiều góc độ trước khi xác quyết.

Mơ lớn khi “chân chạm đất”

Với Thu Hà, người trẻ cần và nên đặt ra cho mình những mục tiêu to lớn và cố gắng theo đuổi chúng đến cùng. Bản thân Hà cũng chưa từng nghĩ tới một ngày cô có thể đặt chân tới một trường Ivy League như Cornell thế nhưng hôm nay, cô đã làm được điều ấy. Tuy vậy, “Chúng ta cần cân bằng giữa đích ngắm và kỳ vọng của bản thân. Trong một thế giới mà ai cũng có vẻ đang tiến xa hơn mình thì việc quản lý kỳ vọng là một kỹ năng mà người trẻ ngày hôm nay cần phải có”, Thu Hà chia sẻ. Nữ sinh cho rằng nếu cứ ngắm nhìn những thành tích lấp lánh của người khác, chúng ta rất dễ bị cuốn theo và đặt những mục tiêu quá lớn đối với bản thân cũng như cảm thấy kém cỏi khi không thể chạm tới chúng. Bởi vậy, Hà đã và đang rèn luyện kỹ năng tự nhận thức bản thân “để biết mình đang ở đâu, là ai, cần gì, muốn gì và tránh được những áp lực không đáng có”. Nữ sinh VinUni mong rằng trên hành trình miệt mài theo đuổi giấc mơ riêng với nhiều nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, các bạn trẻ hãy cứ khát khao và mơ mộng nhưng cũng đừng quên nhắc nhở bản thân để “chân chạm đất”.

Thu Hà chụp ảnh tại thành phố New York

Thu Hà chụp ảnh tại thành phố New York

Phi Yến

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nu-sinh-vinuni-cham-tay-den-cornell-hay-cu-mo-lon-post1578053.tpo