Nữ tân binh tình nguyện nhập ngũ với ước mơ trở thành chiến sĩ Công an nhân dân
Tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Cục C10 - Bộ Công an (đóng trên địa bàn xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội), Nguyễn Lan Anh là nữ tân binh duy nhất tham gia khóa huấn luyện kéo dài hơn ba tháng trước khi được phân công làm nhiệm vụ tại các trại tạm giam, trường học giáo dưỡng.
Ước mơ đứng trong hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân
Một tháng trôi qua, đều đặn lúc 5h khi tiếng kẻng báo thức vang lên, cô gái trẻ Nguyễn Lan Anh lại cùng hàng trăm chiến sĩ nghĩa vụ Công an chạy túa ra sân ký túc xá Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ (thuộc Cục C10 - Bộ Công an) tập thể dục buổi sáng.
Theo hiệu lệnh của người chỉ huy, Lan Anh cùng đồng đội chia thành từng nhóm, nối đuôi nhau chạy bốn vòng quanh sân. Sau màn khởi động làm nóng cơ thể 10 phút, họ bắt đầu luyện tập bài võ thuật Công an nhân dân với những động tác, đường quyền dứt khoát, đều răm rắp. Kết thúc bài tập là tiếng hô đồng thanh "khỏe - xây dựng, bảo vệ Tổ quốc".
Lan Anh năm nay 21 tuổi, quê ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cô từng theo học và tốt nghiệp ngành y sĩ đa khoa tại một trường Trung cấp y Hà Nội.
Ngưỡng mộ hình ảnh "người chiến sĩ công an vì nước quên thân, vì dân phục vụ", cuối năm 2022, Lan Anh quyết định gác lại ngành y từng theo học để tình nguyện viết đơn nhập ngũ. “Biết em viết đơn tình nguyện, bố mẹ, anh chị em trong gia đình đều ủng hộ, họ mong em cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Lan Anh kể.
Tại Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ, Lan Anh là nữ tân binh duy nhất trong 1.818 tân binh được lựa chọn trên toàn quốc. Tuy là nữ nhưng hàng ngày cô vẫn phải tập các bài điều lệnh, quân sự, võ thuật, bắn súng, học chính trị pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn, như các nam tân binh.
Buổi chiều sau giờ huấn luyện, Lan Anh tham gia trồng rau tăng gia sản xuất, chơi các môn thể thao cầu lông, bóng chuyền để rèn sức bền. Tối đến, lại nhận thêm nhiệm vụ quản lý, quét dọn thư viện sách và kết thúc công việc lúc 22h.
“Những ngày đầu mới về trung tâm, em có nhiều bỡ ngỡ. Sau khi được thầy cô sắp xếp cho ở cùng phòng với các chị tân binh khóa trước, được các chị tận tình hướng dẫn em nhanh chóng hòa đồng. Bây giờ em coi trung tâm như một ngôi trường mới của mình”, Lan Anh nói.
Cùng Trung tâm với Lan Anh, sau hơn một tháng huấn luyện, tân binh Cà Việt Hưng (23 tuổi, dân tộc Thái, quê ở tỉnh Sơn La) đã thuần thục bài võ tổng hợp 38 động tác và mai hoa quyền. Anh tháo lắp băng đạn các loại súng AK, CZ83…nhanh và ngắm bắn chính xác.
Hưng cho biết, anh mới tốt nghiệp Học viện Tài chính năm 2022, có khoảng 6 tháng làm nhân viên hợp đồng cho một ngân hàng tại Hà Nội với mức thu nhập trung bình trên 15 triệu đồng mỗi tháng.
Với mong muốn rèn tính kỷ luật để bản thân trưởng thành, cứng rắn hơn, Hưng quyết định viết đơn nhập ngũ tham gia nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2023.
Tại Trung tâm, ngoài các bài huấn luyện về điều lệnh, học chính trị và pháp luật... Hưng cùng đồng đội sẽ được thực hành bắn đạn thật ba lần với các loại súng, tham gia hành quân, thực hành phương án diễn tập bảo vệ trại tạm giam, đi thực tế tại các trường giáo dưỡng…
“Sau hai năm quân ngũ, nếu có cơ hội vào ngành, em lựa chọn làm một chiến sĩ cảnh sát kinh tế và về quê hương công tác”, chiến sĩ Cà Việt Hưng bày tỏ.
Không được may mắn như hai đồng đội, tân binh Sùng A Cha (19 tuổi, dân tộc Mông, ở tỉnh Điện Biên) gia đình thuộc diện khó khăn, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi mấy chị em Cha ăn học.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Sùng A Cha lên đường nhập ngũ với mong ước góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cha cũng bộc bạch, được rèn luyện ở đây là cơ hội tốt để anh phấn đấu sau này phục vụ trong ngành Công an.
16% tân binh có trình độ Đại học, Cao đẳng
Thượng tá Dương Văn Đại (Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ Cục C10) cho biết, năm nay chất lượng tân binh huấn luyện tại Trung tâm có trình độ Đại học, Cao đẳng chiếm đến 16%; trình độ Trung cấp 5,9%; còn lại đều tốt nghiệp THPT. Đối với các em đã có bằng Đại học, Cao đẳng loại khá trở lên, sau hai năm huấn luyện đạt thành tích tốt sẽ được biên chế vào hàng ngũ lực lượng Công an nhân dân.
Quá trình huấn luyện cho tân binh, theo thượng tá Đại, Trung tâm sẽ thực hiện tốt chính sách theo quy định, đồng thời, làm đủ chế độ bảo hiểm và cấp phát tài liệu, trang phục.
Về các hoạt động tinh thần, Trung tâm đã báo cáo với lãnh đạo Cục C10 để thực hiện khen thưởng đối với các tân binh có thành tích tốt. Đây cũng là một trong những tiêu chí thi đua hàng năm của đơn vị.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng xin ý kiến cấp trên mời cán bộ của Học viện Chính trị, Học viện Thanh thiếu niên… về giảng dạy kỹ năng công tác Đoàn, hoạt động công chúng vào các ngày thứ bảy, chủ nhật.
Vào các dịp lễ lớn trong năm như thành lập Đoàn 26/3, ngày 30/4 – 1/5, Trung tâm đều tổ chức các hoạt động hội thao, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, viết báo tường, hội trại. Hàng ngày, Trung tâm thường mua các số báo của Báo Tiền Phong, Báo Công an nhân dân… để tân binh đọc tham khảo tin tức, buổi tối mở ti vi hoặc mở thư viện đọc sách.
Trong hơn ba tháng huấn luyện, thượng tá Đại mong các em cố gắng học tập, nắm vững kiến thức, tác phong nghề nghiệp để sau này vận dụng vào thực tế phục vụ cho lực lượng Công an, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.