Nữ thạc sĩ mê… Nấm
Gắn bó với sự nghiệp nghiên cứu thực vật từ khi mới ra trường, ThS Nguyễn Thị Mỵ (công tác tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc nghiên cứu các loài nấm.
Suốt 13 năm qua, chị Mỵ đã theo đuổi đam mê, tìm tòi, nghiên cứu về những giá trị, lợi ích từ nấm mang lại. Qua đó, chị đã nghiên cứu thành công nhiều mô hình nấm mới và đã đoạt giải cao trong các cuộc thi cấp tỉnh.
Biến đam mê thành hiện thực
Những ngày cuối năm 2023, chị Mỵ dành thời gian rảnh rỗi tự tay gói những phần quà là những loại nấm dược liệu quý mà chị trồng được như: hầu thủ, linh chi, đông trùng hạ thảo… để biếu tặng người thân trong dịp Tết. “Món quà tết này do tôi nghiên cứu, làm ra nhằm giúp tăng cường sức khỏe cho mọi người” - chị Mỵ bộc bạch.
Chia sẻ về con đường khởi nghiệp, chị Mỵ cho biết, chị sinh ra trong một gia đình nông dân đông anh em tại vùng đất Đức Linh (tỉnh Bình Thuận). Công việc làm nông quá nặng nhọc, vất vả mà cuộc sống của người nông dân vẫn khó khăn do tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Điều đó đã thôi thúc chị quyết tâm học hành, vì chỉ có học mới có cơ hội tìm công việc nhẹ nhàng, ổn định.
“Năm 2005, tôi thi đậu vào ngành nông học của Trường đại học Nông Lâm TP.HCM. Tôi quyết định chọn học ngành này vì cơ hội việc làm lúc bấy giờ tương đối nhiều. Hơn nữa, tôi muốn vận dụng những công nghệ kỹ thuật hiện đại vào làm nông nghiệp để giúp người nông dân làm việc đỡ vất vả hơn mà hiệu quả kinh tế lại cao” - chị Mỵ kể.
Năm 2010, ra trường với bằng tốt nghiệp đại học hạng ưu, chị Mỵ được nhiều đơn vị nhà nước, tư nhân săn đón. Tuy nhiên, chị đã quyết định chọn làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc vì nơi đây có nhiều chế độ đãi ngộ để chị phát triển đam mê như: nơi ở cho những người xa quê; có đầy đủ máy móc, trang thiết bị để nghiên cứu…
Chị Mỵ cho biết, khi về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, chị được phân làm việc tại Phòng Thí nghiệm công nghệ sinh học để nghiên cứu các đề tài về nấm.
“Đề tài về nấm có rất nhiều vấn đề để nghiên cứu như: giống nấm, giá thể trồng nấm, phương thức trồng nấm sao cho hiệu quả, cách chọn giống nấm phù hợp với điều kiện từng vùng… Càng làm đề tài về nấm, tôi càng thấy thích thú rồi mê loại thực vật này lúc nào không hay” - chị Mỵ tâm sự.
Đam mê thôi chưa đủ, mà cần phải có nhiều kiến thức sâu rộng về loại nấm nên chị Mỵ đã thực hiện phương án vừa làm, vừa học. Ngoài tự nghiên cứu tài liệu, chị còn chủ động tham gia các lớp tập huấn về nấm do các chuyên gia nổi tiếng Việt Nam giảng dạy. Ngoài ra, chị còn được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện cho đi học các lớp chuyên sâu về nấm ở nước ngoài như: Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… Nhờ đó, chị đã nắm rất vững về kiến thức chuyên môn cũng như kỹ thuật nhân giống và chăm sóc các loại nấm.
Hơn 13 năm qua, chị Mỵ đã tận tình hướng dẫn cho nhiều sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM), Trường đại học Lâm nghiệp (H.Trảng Bom)… thực hiện đề tài nghiên cứu về nấm để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Trong đó có nhiều sinh viên chọn khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm và đã rất thành công.
Để truyền đam mê nghiên cứu về nấm, trong năm 2023, chị Mỵ mở các lớp dạy trực tuyến miễn phí cho những người có chung niềm đam mê về nấm trên cả nước. Chia sẻ về ý tưởng này, chị Mỵ cho biết, thời gian qua, chị thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn từ khắp nơi gửi đến với những nội dung liên quan đến nấm. Từ đó, chị quyết định thành lập nhóm trên mạng xã hội và đem những kinh nghiệm, kiến thức về kỹ thuật nhân giống, nuôi trồng nấm… truyền đạt miễn phí cho hơn 220 thành viên, chủ yếu là sinh viên và nông dân đam mê nấm trên khắp cả nước.
ThS NGUYỄN THỊ MỴ chia sẻ: “Tôi dự định sang năm sẽ nghiên cứu mô hình Nhân giống và nuôi trồng nấm trên cây cỏ trồng (hiện người dân đang dùng trong chăn nuôi bò, dê…), bởi theo tìm hiểu tài liệu của nước ngoài thì trong cây cỏ trồng có nhiều chất phù hợp cho việc nhân giống, nuôi trồng nấm…”.
Nhiều sáng tạo trong trồng nấm
Trong suốt 13 năm qua, chị Mỵ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu ra những mô hình trống nấm mới nhằm giúp ích cho bà con nông dân. Trong đó, 2 mô hình Trồng nấm mèo, linh chi, sò trắng, sò xám trên phế phụ phẩm nông nghiệp và Nhân giống, nuôi trồng nấm rơm trên thân lá chuối đã đoạt giải cao trong cuộc thi cấp tỉnh và được các chuyên gia đánh giá tốt.
Chia sẻ về 2 mô hình trồng nấm này, ThS Nguyễn Thị Mỵ cho biết, năm 2012, chị dành thời gian đi thực tế để tìm ý tưởng nghiên cứu đề tài về nấm mới. Qua thực tiễn cho thấy, từ lâu người dân Đồng Nai đã biết trồng các loại nấm mèo, nấm linh chi, nấm sò trên nguyên liệu mùn cưa cao su, nhưng loại giá thể này giá thành ngày càng cao, khó kiểm soát được chất lượng đầu vào và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nấm trồng. Trong khi các cây mì, bắp là những cây trồng chiếm diện tích khá lớn tại Đồng Nai, sau khi thu hoạch thì nhiều nông dân lại vứt ở ngoài đồng ruộng hoặc đốt bỏ gây lãng phí.
Xuất phát từ thực tế đó, chị Mỵ cùng các cộng sự triển khai ý tưởng biến “rác” thành tiền bằng việc nghiên cứu mô hình Trồng nấm mèo, linh chi, sò trắng, sò xám trên phế phụ phẩm nông nghiệp. Trong thân mì, lõi bắp có nguồn cellulose rất phong phú và phù hợp để trồng nấm sò, mèo, linh chi…
Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, nhóm của chị Mỵ đã thực hiện thành công mô hình Trồng nấm mèo, linh chi, sò trên phế phụ phẩm nông nghiệp. Mô hình này đã đoạt giải ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2015.
Theo ThS Nguyễn Thị Mỵ, nhóm của chị tham gia cuộc thi nhằm lan tỏa thông tin về mô hình trồng nấm mới đến bà con nông dân, bởi mô hình có nhiều lợi ích như: giảm giá thành đầu vào cho sản xuất; tăng năng suất, hiệu quả kinh tế; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu trồng nấm; làm tăng giá trị của cây mì, bắp trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc trồng nấm theo mô hình mới sẽ tăng thu nhập cho người sản xuất. Ví dụ, trồng 10 ngàn bịch nấm mèo theo mô hình cũ chỉ đem lại lợi nhuận hơn 7,6 triệu đồng, trong khi mô hình mới cho lợi nhuận hơn 14,3 triệu đồng…
“Thông qua cuộc thi đã có khoảng 20 doanh nghiệp và trang trại trồng nấm khắp nơi liên hệ đến chúng tôi nhờ hướng dẫn cách thu gom, bảo quản phế phụ phẩm cây mì, lõi bắp, cách xay nguyên liệu, cũng như công thức làm giá thể trồng nấm” - chị Mỵ tâm sự.
Tương tự, cũng từ thực tiễn cho thấy, diện tích trồng chuối ở Đồng Nai chiếm 71% diện tích chuối vùng Đông Nam bộ. Sau khi thu hoạch chuối thì thân, lá chuối bỏ phí trên đồng ruộng. Trong thân, lá chuối có hàm lượng chất xơ khá cao, tương tự như rơm lúa nên có thể sử dụng để trồng nấm. Vì vậy, tận dụng thân, lá chuối ứng dụng vào làm cơ chất nền để nhân giống và nuôi trồng nấm rơm mang tính thiết thực, vừa tạo ra được giống nấm rơm chất lượng, vừa giúp người trồng nấm giảm được chi phí đầu vào sản xuất nấm và có thể tăng thêm thu nhập.
Tháng 6-2023, nhóm của chị Mỵ quyết định nghiên cứu mô hình mới với tên gọi Nhân giống, nuôi trồng nấm rơm trên thân lá chuối và đã đoạt giải nhì tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2023.
“Tôi rất tâm đắc với mô hình này vì đã tận dụng thân, lá chuối trong nuôi trồng nấm rơm để giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận cho người trồng nấm, giúp tạo ra chuỗi giá trị trong nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương” - chị Mỵ bộc bạch.
Thời gian tới, chị Mỵ cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu ra nhiều loại nấm khác (nấm ăn và nấm dược liệu) dựa trên những giá thể, nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương và sẽ cho ra nhiều mô hình mới để góp phần cho sản phẩm nấm Việt Nam tiếp tục phát triển, đa dạng.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/bao-xuan-2023/202402/nu-thac-si-me-nam-8ee30e2/