Nữ thương binh vượt khó

Bà Trần Thị Kim Liên ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) là thương binh mang trong mình di chứng chất độc da cam. Gánh nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng không vì thế bà chịu thua cái đói cái nghèo. Vượt lên hoàn cảnh, bà đã có cuộc sống ổn định.

Bà Trần Thị Kim Liên. Ảnh: NGỌC LY

Bà Trần Thị Kim Liên. Ảnh: NGỌC LY

Bà Trần Thị Kim Liên chia sẻ: Tôi sinh năm 1956, ở xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa. Khi đất nước còn chiến tranh, tôi xung phong vào quân đội làm công việc của một giao liên truyền tin tức. Hết chiến tranh trở về địa phương, tôi được Nhà nước cho hưởng chế độ thương binh. Đặc biệt, tôi bị di chứng của chất độc da cam/dioxin, nên khi lập gia đình, tôi sinh được ba người con thì một đứa bị tật nguyền, kém trí nhớ, không làm được việc gì.

“Vết thương chiến tranh để lại trên da thịt mình những lúc trái gió trở trời đã đau mà khi nhìn giọt máu của mình phải vật lộn với nỗi đau ấy khiến bản thân nhiều lúc không gượng dậy nổi. Nhớ lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi đã nỗ lực vươn lên để nuôi con và cải thiện kinh tế gia đình cho con có chỗ dựa”, bà Liên chia sẻ.

Năm 1985, bà Liên cùng chồng lên Sông Hinh lập nghiệp. Được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho vay 10 triệu đồng không tính lãi và 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay của Hội Phụ nữ, bà đã đầu tư mua bò chăn nuôi. Bà Liên cho biết: Gầy được đàn bò 5 con, tôi bán đi một con lấy vốn mua thêm heo, gà. Tôi thực hiện đa dạng vật nuôi để lấy ngắn nuôi dài và phòng những lúc dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Tôi có đàn bò 5 con, đàn heo 20 con và đàn gà vài chục con. Thu nhập từ chăn nuôi được gần 80 triệu đồng/năm. Nhờ vậy mà vợ chồng tôi nuôi được con ăn học và có ít tiền dành dụm phòng khi ốm đau và đi viện thăm khám cho đứa con tật nguyền.

Theo bà Trần Thị Nhung ở thị trấn Hai Riêng, bà Liên chăm chỉ, chịu khó, suốt ngày ở ngoài đồng cắt cỏ cho bò. Về tới nhà lại luôn chân luôn tay trộn cám cho heo, lấy lúa cho gà ăn. “Nhiều lúc đang làm thấy bà Liên đau vì thời tiết thay đổi do vết thương cũ nhưng bà không muốn nghỉ, bà bảo: Ngồi một chỗ, nằm một chỗ còn bệnh hơn; bận rộn chân tay cho quên vết thương đi”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Sông Hinh, nhận xét: Bà Liên là một hội viên có nghị lực phi thường, biết vươn lên số phận, vượt qua những đau đớn về thể chất lẫn tinh thần để làm kinh tế. Tấm gương về nghị lực sống của bà Liên đáng để mọi người học tập.

NGỌC LY - BẠCH VÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/229920/nu-thuong-binh-vuot-kho.html