Nữ trung tá Việt Nam và chuyến tuần tra cuối năm tại vùng biên giới Nam Sudan

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh là nữ quan sát viên quân sự thứ 2 của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS). Sang quốc gia châu Phi này từ tháng 9-2021, chỉ trong vòng 4 tháng, Trung tá Vũ Thị Kim Oanh đã thực hiện hàng loạt chuyến tuần tra ngắn ngày hoặc dài ngày dọc biên giới.

Với chị, mỗi chuyến đi đều mang lại những điều thú vị. Bài ghi chép này là những cảm nhận của chị sau hành trình tuần tra 2 ngày cuối năm từ Yei đến Lujulo và Udabi…

Chuyến bay đổi quân

Theo quy định, tất cả các quan sát viên quân sự (QSVQS) đang công tác tại Phòng QSVQS phân khu Juba (Trung tâm Xích Đạo), thủ đô của Nam Sudan nhiệm kỳ 12 tháng đều được triển khai tới Yei trong khoảng thời gian là 6 tuần. Yei là một tỉnh biên giới nằm ở phía Tây Nam của Nam Sudan, cách thủ đô Juba chừng 200 km, có biên giới với nước Cộng hòa Congo và Uganda. Thời tiết và khí hậu ở đây so với thủ đô Juba là khá lý tưởng.

Nhiệt độ ban ngày thường từ 33-37 độ, ban đêm chỉ từ 22 độ trở xuống, dân cư thưa nên không khí khá trong lành, ít bụi. Tuy nhiên, do địa hình khu vực biên giới nên gần như tất cả các tuyến đường đều xấu và rất khó di chuyển, đặc biệt với các đội tuần tra (chỉ có thể đi được vào mùa khô, còn mùa mưa sẽ là một thách thức không nhỏ và nhiều chuyến tuần tra thường bị hủy bỏ do điều kiện đường sá không cho phép).

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh lái xe đi tuần tra.

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh lái xe đi tuần tra.

Sau gần 2 tháng tới quốc gia châu Phi này, đến phiên tôi thực hiện nhiệm vụ tại Yei. Quãng đường từ thủ đô Juba tới Yei chỉ khoảng gần 200km nhưng nếu đi bằng đường bộ sẽ mất từ 2 đến 3 ngày vì đường rất xấu, không may gặp mưa thì chỉ có dừng giữa đường. Vì thế trực thăng là phương tiện chủ yếu của tuyến này. Cùng đi hôm đó với tôi là Đại tá Nick Bolton người Australia - Trưởng phòng QSVQS phân khu Juba và Đại úy Diana người Đức. Chúng tôi ra sân bay từ 8h sáng để làm các thủ tục.

Cảm giác lần đầu tiên đi máy bay trực thăng cũng thật thú vị. Vali, hàng kiện của hành khách được trùm bằng tấm lưới chắc chắn ở giữa máy bay, cao ngang mặt người ngồi, đủ để hai bên có thể nhìn thấy nhau, hai bên là hai hàng ghế áp lưng vào thành máy bay đủ cho mỗi bên 10 người và một nhân viên điều hành. Sau khi ổn định chỗ ngồi, nhân viên điều hành có màn chào đón hành khách và phát cho mỗi người một tai nghe chống ồn. Tuy nhiên, với tôi là lần đầu nên không cần dùng đến vì muốn cảm nhận sự khác biệt của máy bay trực thăng.

Chỉ sau 45 phút bay, chiếc trực thăng đã đáp xuống sân bay Yei, hoàn thành một chuyến đổi quân luân phiên. Tôi xuống máy bay, chào tạm biệt Trưởng phòng và cô đồng nghiệp người Đức, chuyển tư trang cá nhân sang xe chống đạn và bắt đầu chuyến tuần tra dài ngày cùng một đồng nghiệp người Guinea, là Đại úy Sekou.

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh chuẩn bị lên máy bay trực thăng, chuyển quân tới Yei.

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh chuẩn bị lên máy bay trực thăng, chuyển quân tới Yei.

Tuần tra dài ngày

3 tuần sau khi tới Yei, tôi được tham gia một chuyến tuần tra dài 2 ngày. Đoàn tôi đi có 10 xe gồm một lực lượng bảo vệ 50 quân nhân, hai QSVQS và một trợ lý ngôn ngữ. Quan sát viên quân sự đi cùng tôi hôm đó là Thiếu tá Oliver Lynn, người New Zealand. Tất cả mọi người trong đoàn đều phải chuẩn bị hàng loạt trang thiết bị cần thiết như giấy thông hành qua các chốt kiểm soát (SOI), xe bọc thép, áo giáp, mũ sắt, máy bộ đàm, điện thoại vệ tinh, giường, túi ngủ… và các vật dụng cá nhân khác.

Đặc biệt, trước khi đi, việc không kém phần quan trọng là nghiên cứu tài liệu (dựa vào các báo cáo sau tuần tra-APR) về tuyến đường và các vị trí sẽ tiến hành tuần tra. Thật không may, tuyến đi ngày hôm đó là Yei-Lujulo-Udabi lại chưa có đội nào đi trước nên không có APR. Tôi đã chủ động tìm và đi hỏi thông tin về các điểm đến nhưng tất cả đều chưa có khái niệm về nơi này, thậm chí cả lực lượng bảo vệ.

Điều này thực sự đã làm tôi lo lắng. Lo vì không biết điều kiện đường đi như thế nào, an ninh an toàn có đảm bảo không, liệu có bị mai phục bởi các nhóm phiến quân hay không… Thiếu tá Oliver Lynn thì lại cho rằng tuần tra tới các vùng, khu vực mới sẽ có nhiều thông tin mới, bổ ích và lý thú cho chuyến đi.

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh chụp ảnh cùng các đồng nghiệp.

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh chụp ảnh cùng các đồng nghiệp.

Việc tuần tra trên những tuyến đường xấu là chuyện cơm bữa ở Nam Sudan. Lần này, đoàn của tôi xuất phát từ Yei, phải đi mất 5 tiếng (từ 10h30 đến 15h30) mới tới thị trấn Mugwo. Ra khỏi xe, trông mặt ai cũng phờ phạc vì quãng đường đi rất xấu, có những chỗ bánh xe còn không chạm xuống mặt đường, chỉ có thể tự nhắc nhở nhau là cẩn trọng và bình tĩnh.

Tối đó, đoàn phải dựng trại qua đêm tại một trạm radio cũ của thị trấn. Hai QSVQS chúng tôi được trang bị túi ngủ tự mang. Chuyện ngủ như thế coi như tạm ổn nhưng khoản vệ sinh cá nhân mới thật sự khó. Cả đoàn chỉ có một cái bồn nước đem theo, vì thế chỉ đủ để nấu ăn và đánh răng, rửa

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh tham gia hoạt động cùng người dân địa phương trong chuyến tuần tra dài ngày cuối cùng của năm 2021.

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh tham gia hoạt động cùng người dân địa phương trong chuyến tuần tra dài ngày cuối cùng của năm 2021.

mặt. Mỗi người một vỏ chai lavie 1,5 lít đem đến lấy nước để dùng. Khi không nhìn được mặt người nữa, đội hộ tống bắt đầu cho chạy máy phát điện, cũng chỉ được một vài bóng điện chính để lấy ánh sáng, còn lại ai cũng có một đèn pin đem theo. Trời tối đen như mực. Điều tệ hại nhất với tôi là cả đoàn 55 người, mỗi mình là nữ, thực sự trăm bề bất tiện. Nhưng rồi cũng qua.

Những câu chuyện đêm khuya

Dẫu những chuyến tuần tra kiểu này cực khổ trăm bề nhưng chúng lại mang đến những trải nghiệm khó quên đối với những người lính gìn giữ hòa bình của LHQ như tôi. Sau khi ăn tối, mọi người ngồi nói chuyện với trợ lý ngôn ngữ và khám phá thêm rất nhiều điều thú vị về đất nước lục địa đen này. Ví dụ, ở Nam Sudan, sự giàu nghèo được tính bằng đầu gia súc mà người đó sở hữu. Đàn ông muốn cưới được vợ phải đem tới nhà bố mẹ vợ ít nhất 30 con bò. Nhưng đây chỉ là mức trung bình cho những người nghèo. Những người đem 200-300 con bò đi hỏi vợ được coi là người giàu. Họ coi đàn gia súc giá trị hơn cả con người.

Nguyên do là vì người Nam Sudan sinh nhiều con, một gia đình có thể có đến 20 người con. Đặc biệt, mọi người dân ở Nam Sudan đều có nhu cầu sử dụng súng đạn để bảo vệ đàn gia súc của mình nên mới có tình trạng người dân sở hữu súng đạn loại tốt còn nhiều hơn cả của chính phủ. Vũ khí ở Nam Sudan từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, kể cả các nước láng giềng như Uganda, Cộng hòa Congo.

Đoạn đường mòn từ thị trấn Mugwo đến Lujulo từ lâu không có xe cơ giới qua lại nên cỏ cây hai bên đường mọc che khuất cả tầm nhìn.

Đoạn đường mòn từ thị trấn Mugwo đến Lujulo từ lâu không có xe cơ giới qua lại nên cỏ cây hai bên đường mọc che khuất cả tầm nhìn.

Hôm sau, đoàn bắt đầu xuất phát đi Lujulo-Odabi từ 6h30. Vừa đi, trợ lý ngôn ngữ vừa phải điện thoại để hỏi đường. Xe của QSVQS thường đi thứ hai trong đoàn nhưng có lúc xe chúng tôi phải vượt lên trước để dẫn đường vì có trợ lý ngôn ngữ ngồi cùng. Nói tới đoạn đường này (từ thị trấn Mugwo đến Lujulo thì đúng là rất ấn tượng. Là tuyến đường mòn nhưng từ lâu con đường này không có xe cơ giới qua lại nên cỏ cây hai bên đường mọc che khuất cả tầm nhìn. Thực sự là cứ đi chứ không biết dưới chân là đường như thế nào, có lao xuống hố hay chồm lên đá cũng chịu.

Hôm đó xe dẫn đường đã bị thụt xuống hố và đoàn phải mất cả tiếng để kéo lên. Có nhiều đám cỏ có dấu tích bị đốt cháy. Trên đường đi có nhiều cánh đồng cỏ mọc cao dày như rừng, thấy thế tôi đã hỏi trợ lý ngôn ngữ và được biết người dân dùng cỏ này để làm nhà. Thời điểm này là mùa cỏ rất tốt để làm nhà nên đã có nhiều người Nam Sudan đi tị nạn (khi trong nước có xung đột) ở các nước láng giềng trở về để làm nhà.

Điều này cũng đang gia tăng nguy cơ thiếu thốn lương thực, thực phẩm và tiềm ẩn nguy cơ xung đột cộng đồng ở các vùng biên giới của Nam Sudan. Nó cũng đồng nghĩa với việc cần gia tăng các hoạt động viện trợ nhân đạo và tuần tra biên giới của các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tới các khu vực này. Chúng tôi đã qua rất nhiều chốt kiểm soát, tiếp xúc với các nhân vật chủ chốt của các làng, của lực lượng phòng vệ Nam Sudan và được nghe nhiều câu chuyện thú vị từ họ.

Một điều cần nói thêm là, để qua các chốt kiểm soát, cần phải có lệ phí nên đội hộ tống nào khi đến chốt đều tặng một thùng quà đã được chuẩn bị trước khi đi tuần. Điều này giúp cho việc tăng cường mối quan hệ giữa lực lượng phòng vệ và nhân dân địa phương với các lực lượng thuộc UNMISS. Chiều đó, khi chúng tôi về căn cứ an toàn thì đã là 15h. Với tôi, chuyến tuần tra tới nhiều địa điểm mới trên biên giới Nam Sudan lần nay tuy mệt nhưng đem lại nhiều thông tin bổ ích và để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.

Trung tá Vũ Thị Kim Oanh (Quan sát viên quân sự Liên hợp quốc ở UNMISS)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/nu-trung-ta-viet-nam-va-chuyen-tuan-tra-cuoi-nam-tai-vung-bien-gioi-nam-sudan-i642739/