Nữ trưởng bản giàu nghị lực của đồng bào Chứt dưới chân núi Ka Day

Hồ Thị Kiên sinh năm 1988 tại bản Rào Tre (Xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) lớn lên và chứng kiến những vất vả, khó khăn, tập tục lạc hậu của dân tộc mình. Vì thế, chị Kiên luôn mong muốn bản thân có thể giúp ích cho buôn làng, để bà con bớt khổ.

Bản Rào Tre (xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) nằm tựa lưng vào dãy Ka Day hùng vĩ, nơi đây có 44 hộ dân đồng bào dân tộc Chứt với 153 nhân khẩu.

Chị Hồ Thị Kiên (bên phải) – nữ “thủ lĩnh” của dân tộc Chứt.

Con đường trở thành “thủ lĩnh” trẻ tuổi nhất của dân tộc Chứt

Chị Kiên là một trong những đứa trẻ hiếm hoi đầu tiên ở đây được tiếp cận con chữ, biết đọc, biết viết. Tuy nhiên, trong tục lệ của người Chứt, trưởng bản phải là những người nhiều tuổi, có kinh nghiệm để dẫn dắt buôn làng.

Đầu năm 2015, Bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương đã xem xét, tham mưu đưa đội ngũ trẻ trong bản làm cán bộ. Nhiều người cho rằng, Kiên là người nhanh nhẹn, lại có kiến thức nên họ đã bầu chị Kiên làm trưởng bản. Từ đó, chị trở thành nữ trưởng bản đầu tiên của dân tộc Chứt khi mới vừa tròn 27 tuổi.

Những khó khăn của nữ trưởng bản trẻ tuổi

Nói về những khó khăn từ lúc mới lên lãnh đạo dân bản, Hồ Thị Kiên tâm sự: Thời gian đầu làm trưởng bản, tôi gặp rất nhiều áp lực. “Những hôm có buổi họp, người dân trong bản vẫn đến, nhưng khi bộ đội nói thì họ nghe, đến khi mình phát biểu thì họ đi về hết. Khi đó, mình chỉ biết khóc vì tủi thân quá” - Kiên nhớ lại.

Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn ấy, chị Kiên tỏ ra mạnh mẽ: “Vì dân đã tín nhiệm chị rồi, dù có vất vả thế nào tôi vẫn giúp dân hết sức”. Sự cứng rắn và nhiệt huyết của người phụ nữ này làm cho bà con dân bản hết sức tin tưởng.

Chị Kiên phát biểu trong chương trình Tết Lấp Lỗ của bà con dân tộc Chứt.

Những câu chuyện đáng nhớ

Chia sẻ với phóng viên, chị Kiên kể về câu chuyện ấn tượng mà mình không bao giờ quên trong quãng thời gian làm trưởng bản: “Lần tôi ấn tượng nhất là đưa người dân đi nằm viện mà không có một đồng nào trong người".

Cuộc sống của những người dân tộc Chứt tại bản còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Theo chị Kiên, mỗi lần có người dân ốm đau, bệnh tật hay sinh đẻ chị đều phải đưa đi, nếu không bà con sẽ cúng bái ở nhà. Thậm chí khi có những trường hợp bệnh nhân quá nặng, chị Kiên phải đại diện gọi điện xin Ủy ban xã chi phí đi xe ra bệnh viện.

Có những lúc, người dân ở đây đau ốm, nếu như không chở đi được thì "trưởng bản" sẽ bỏ tiền túi ra thuê người khác chở đi. Tiền lương của một trưởng bản không có bao nhiêu, thế nhưng chị Kiên vẫn cố gắng làm vì thương dân bản ở đây, chị Kiên chia sẻ.

Nữ “thủ lĩnh” giỏi việc nước – đảm việc nhà

Chị Kiên trở thành trưởng bản từ khi bé thứ hai mới được 8 tháng tuổi, lúc đó chị Kiên cũng đã suy nghĩ rất nhiều vì không biết có đảm nhận được tốt công việc khi con cái, nhà cửa còn bỏ ngỏ. May mắn rằng phía sau người phụ nữ bản lĩnh này có một người chồng rất mực ủng hộ. “Nhiều khi tôi đi công việc, chồng tôi ở nhà trông con, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn uống cho chị và con” – chị Kiên hãnh diện nói.

Ở bản vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu tồn tại chưa được bài trừ, từ khi trở thành trưởng bản ở nơi đây, chị Kiên đã tích cực tham gia để tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, đặc biệt tỉ lệ hôn nhân cận huyết thống giảm đi rõ rệt.

Tuy nhiên người dân, con em ở đây vẫn chưa có việc làm ổn định, một số con em học xong về nhà, lấy vợ, lấy chồng trong khi tuổi đời còn quá ít. Mong muốn của chị Kiên là làm giảm bớt những điều đó.

Chia sẻ về niềm vui tại bản, chị Kiên kể: “Năm 2021, bản có em Hồ Thị Sương là học sinh đầu tiên đỗ đại học, tôi rất vui khi trong bản đã có người đầu tiên đỗ đại học. Tôi cũng rất ủng hộ em ấy, sau khi học xong về dạy cho con em dân bản”.

Nói về Trưởng bản Hồ Thị Kiên, Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng Tổ biên phòng Rào Tre, Đồn biên phòng Bản Giàng cho biết: “Từ trước tới nay, ở bản Rào Tre, tôi chưa thấy trưởng bản nào làm được nhiều việc như cô Kiên; cũng là người tiêu biểu giúp bộ đội tuyên truyền cho bà con làm kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu tại địa phương”.

Nữ “trưởng bản” từng ngày vẫn nuôi dưỡng ước mơ cống hiến để cho cuộc sống của đồng bào mình được thay đổi tốt hơn. Câu chuyện của nữ “thủ lĩnh” vượt khó, vượt khổ, đầy bản lĩnh của dân tộc Chứt khiến cho nhiều người dân ở đây nể phục.

Bài và ảnh: Lê Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nu-truong-ban-giau-nghi-luc-cua-dong-bao-chut-duoi-chan-nui-ka-day-post184601.html