Con đò trên phá Tam Giang

Giữa những làn sóng vỗ bập bềnh pha lẫn một chút hương vị mặn mòi của gió biển, phá Tam Giang hôm ấy lộng lẫy ánh nắng vàng rực. Dưới mái che của con đò nhỏ, chị Thương, một người phụ nữ vẫn từng ngày lặng lẽ mưu sinh nơi linh hồn của con nước.

 Những người phụ nữ vẫn từng ngày lặng lẽ mưu sinh ở Phá Tam Giang. Ảnh: L. Hiền

Những người phụ nữ vẫn từng ngày lặng lẽ mưu sinh ở Phá Tam Giang. Ảnh: L. Hiền

Khoảng giữa năm ngoái, tôi có dịp về phá Tam Giang để tìm hiểu tình hình an sinh của người dân vạn đò khu vực nơi đây. Tôi may mắn gặp chị Thương - một người đàn bà miền biển, hiền hậu nhưng mạnh mẽ. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là khuôn miệng luôn cười, đôi tay sần sùi ráy cá nhanh thoăn thoắt. Chị vừa làm vừa nói nói cười cười mặc cho trời nắng oi ả đến nhường nào. Hình như với chị, buồn khổ chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ của mình.

Chị tự hào nói rằng, mình không phải là người "vạn đò" dù đời sống hàng ngày không thể tách rời con thuyền. "Chị có nhà mà!" chị Thương mỉm cười ngọt ngào. Chị kể, nhà chị cách đó không xa. Hằng ngày cứ 4 giờ 30 sáng là bắt đầu phá làm đến khi nào hết việc thì lại về. Mặc dù không phải là vạn đò, nhưng với chị, chiếc thuyền mục là ân nhân, cưu mang mình suốt hàng thập kỷ qua.

Chiếc đò này là của hồi môn ba mẹ để lại khi chị lên xe hoa về nhà chồng. “Đò nuôi chị lớn đó, mà đò cũng cùng chị trưởng thành. Chừ thì đò đồng hành với chị để nuôi con”, chị cười. Tôi không có nhiều kiến thức về hạn sử dụng của những con đò này, nhưng bằng mắt thường, tôi nhìn thấy dấu vết thời gian đã in hằn trên mạn thuyền qua nhiều lần chắp vá. Có lẽ bao mùa mưa lũ ở Huế đã làm cho nó trở nên lão làng và có khí chất nhất trong số con thuyền neo đậu nơi đây.

Chồng chị mất khi chị mới 26 tuổi, một tay chị vừa là mẹ vừa là cha, nuôi hai đứa con thơ nên người. Chị Thương tâm sự: "Chị thích xê dịch! Nhưng thực ra xê dịch cũng bởi vì nghèo”. Rồi chị lại cười nhẹ: “Chị nghèo cũng được, nghèo cũng là cái cho con chị có động lực để cố gắng học hành”.

Chữ nghèo với chị nghe thật nhẹ. Chị nói nhưng lúc nào cũng cười như thể chuyện nghèo là lẽ thường tình. Đò đôi khi là nhà, ngôi nhà bé nhỏ trên mặt nước ấy là cả bầu trời ký ức và hy vọng, nơi chị nuôi dưỡng ước mơ cho đứa con của mình. "Chị ráng một chút vì chị biết con mình có chí lớn" - giọng chị nghị lực, ánh mắt chứa chan tình yêu thương viên mãn. Niềm hy vọng và niềm tin vào tương lai của con là liều thuốc tiên giúp chị vượt qua sóng gió cuộc đời.

Phá Tam Giang như bức tranh đa sắc với sự sinh động của thiên nhiên và con người. Trong khung cảnh đó, chị Thương là điểm nổi bật với đôi bàn tay sần sùi, nước da rám nắng. Hàng ngày, từ khi trời còn chưa tỉnh giấc đến khi màn đêm buông xuống, chị Thương cùng chiếc đò nhỏ của mình cứ lặng lẽ làm việc. Công việc vất vả 16 tiếng mỗi ngày trên con đò nhỏ chẳng thể lay chuyển tinh thần kiên cường của người phụ nữ này.

Và tôi hiểu rằng, với người mẹ này, không có gì trên đời có thể đánh gục được ý chí của chị.

DUY NHI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/con-do-tren-pha-tam-giang-142906.html