Nửa đầu năm 2023: Vận tải khách khởi sắc, vận tải hàng diễn biến trái nghịch

Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Theo đó, vận chuyển hành khách nửa đầu năm ước đạt 2.178 triệu lượt khách, tăng 15,9% cùng kỳ với tất cả các ngành đều khởi sắc...

Vận chuyển hàng hóa 6 tháng năm 2023 diễn biến trái nghịch khi vận tải đường sắt và hàng không có dấu hiệu sụt giảm, các lĩnh vực còn lại đều giữ đà tăng trưởng.

Vận chuyển hàng hóa 6 tháng năm 2023 diễn biến trái nghịch khi vận tải đường sắt và hàng không có dấu hiệu sụt giảm, các lĩnh vực còn lại đều giữ đà tăng trưởng.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải, cho biết bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy lưu thông hàng hóa đáp ứng phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

SẢN LƯỢNG VẬN TẢI TĂNG CAO CÙNG KỲ

Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, nhìn chung 6 tháng đầu năm 2023, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải, sản lượng vận tải các lĩnh vực đều tăng cao so với cùng kỳ và cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các dịp cao điểm.

Cụ thể, vận tải hàng hóa tháng 6 ước đạt hơn 186 triệu tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng ước đạt gần 1.109 triệu tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, vận chuyển hàng hóa 6 tháng năm 2023 so với cùng kỳ trong các ngành như sau: đường thủy tăng mạnh mẽ 30,8%; đường biển tăng 13,3%; còn đường bộ tăng trưởng 12,7%. Trái lại, đường sắt lao dốc 26,4%, ngành hàng không sụt giảm nhẹ 2,2%.

Về vận chuyển hành khách tháng 6 ước đạt 355,5 triệu lượt khách, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 6 tháng ước đạt 2.178 triệu lượt khách, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, vận chuyển hành khách trong lĩnh vực đường sắt dẫn đầu với mức tăng 75,7%. Tiếp đó là đường biển (+49,6%); đường thủy (+32,9%); hàng không (+26,5%), cuối cùng là tăng trưởng lượng hành khách thông qua đường bộ đạt 14,3%.

THÚC ĐẨY LƯU THÔNG HÀNG HÓA, ĐÁP ỨNG NHU CẦU ĐI LẠI NGƯỜI DÂN TRONG 5 LĨNH VỰC

Thông tin về công tác quản lý hoạt động vận tải trong từng lĩnh vực, đại diện Bộ Giao thông vận tải, cho biết trong lĩnh vực đường bộ, 6 tháng đầu năm, Bộ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc định hướng đến năm 2030; tích cực thúc đẩy đàm phán song phương, đa phương về hoạt động vận tải đường bộ quốc tế thường niên giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, bộ chỉ đạo các cơ quan tập trung xây dựng Đề án áp dụng chuyển đổi số vào tổ chức hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô; tiếp tục nghiên cứu nâng cấp hệ thống thiết bị giám sát hành trình để tăng cường phục vụ cho công tác quản lý và xử lý phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ô tô.

Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Lĩnh vực đường thủy nội địa, tập trung chỉ đạo hoàn thiện đề án “Nâng cao năng lực vận tải container trên tuyến đường thủy nội địa Bắc Ninh- Hải Phòng” với mục tiêu phát triển vận tải container bằng đường thủy nội địa theo hướng tăng thị phần vận tải thủy nội địa; xây dựng phương án tuyến vận tải container từ cảng biển khu vực Hải Phòng - Hà Nội, Lạch Huyện - Hà Nam, Hưng Yên.

Trong khi đó, vận tải đường sắt phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa của nền kinh tế. "Sản lượng hành khách tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu vận tải tăng 138,92% so cùng kỳ 2022", Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Ngoài ra, tiếp tục duy trì chạy tàu an sinh xã hội trên 2 tuyến đường sắt: Hà Nội - Đồng Đăng và Gia Lâm - Quán Triều; thiết lập 1 ga liên vận quốc tế tại Ga Kép tỉnh Bắc Giang, mở ra cửa khẩu quốc tế trong nội địa.

Hoạt động vận tải hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách. Một số đường bay kết nối Việt Nam với quốc tế dần hồi phục như năm 2019 trước đại dịch Covid-19, chủ động trao đổi với các nhà chức trách hàng không liên quan đến việc khôi phục các đường bay quốc tế, mở rộng khai thác đến các thị trường quốc tế mới và đặc biệt là việc khôi phục lại thị trường Trung Quốc. Bộ cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, tăng cường chất lượng dịch vụ hàng không.

Trong lĩnh vực hàng hải, Bộ tập trung chỉ đạo triển khai Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam; quyết liệt thực hiện việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải tại 22 cảng vụ hàng hải…

Về phát triển logistics kết nối các loại hình vận tải, hạ tầng dịch vụ hàng hải và logistics của Việt Nam có 8 trung tâm logistics, 11 cảng cạn và 16 điểm thông quan hàng hóa (ICD). Phần lớn các trung tâm đều ở vị trí thuận lợi nên hỗ trợ khá hiệu quả cho hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cảng biển.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) 2023, Việt Nam hiện có chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) đứng trong nhóm 25 nước hoạt động ổn định, đứng vị trí thứ 43 trên thế giới, tụt 4 hạng so với thứ 39 của năm 2018. Tuy nhiên, điểm LPI tăng lên mức 3,3 điểm so với mức 3,27 điểm năm 2018. Việt Nam thuộc nhóm 5 trong các nước ASEAN.

Với mục tiêu nâng cao hoạt động vận tải, chất lượng dịch vụ, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo các cục quản lý chuyên ngành tiếp tục nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu tổng thể ngành giao thông vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng phương thức, phát triển thị trường vận tải.

Anh Tú

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nua-dau-nam-2023-van-tai-khach-khoi-sac-van-tai-hang-dien-bien-trai-nghich.htm