Nửa đầu năm Việt Nam đón gần 11 triệu lượt khách quốc tế
Theo số liệu của Cục thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2024. Các công ty lữ hành cho rằng, năm 2025 cả nước có thể đạt được con số 22 triệu lượt vì mùa cao điểm du lịch cuối năm (tháng 10 đến tháng 12) mới là thời điểm bứt phá.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng với các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2025 của Cục nêu rõ, trong tháng 6/2025, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,46 triệu lượt người, giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ 2024. So sánh xa hơn, lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2025 còn cao hơn tổng lượng khách của cả năm 2016 (10 triệu lượt).

Theo các công ty lữ hành, Việt Nam có thể đạt được con số 22 triệu lượt khách trong năm 2025 vì mùa cao điểm du lịch cuối năm (tháng 10 đến 12) mới là thời điểm bứt phá.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 9,1 triệu lượt người, chiếm 85,2% lượng khách quốc tế đến và tăng 22,7% so với cùng kỳ 2024; bằng đường bộ đạt 1,4 triệu lượt người, chiếm 13,1% và tăng 10,9%; bằng đường biển đạt 181,4 nghìn lượt người, chiếm 1,7% và tăng 10%.
Theo các CEO công ty lữ hành, Việt Nam vẫn có thể đạt được con số 22 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 vì mùa cao điểm du lịch cuối năm (tháng 10 đến 12) mới là thời điểm bứt phá.
Về quy mô thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 với 2,7 triệu lượt (chiếm 25,6%). Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 2,2 triệu lượt (chiếm 20,7%). Riêng hai thị trường này đóng góp 46,3% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua. Riêng hai thị trường này đóng góp 46,3% tổng số khách quốc tế đến trong 6 tháng qua.
Trong nhóm 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam hiện nay có Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Malaysia, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy đánh giá, hiện nay e-visa của Việt Nam được đánh giá tích cực nhờ mở rộng diện áp dụng lên cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, kéo dài thời hạn lưu trú đến 90 ngày và thủ tục đăng ký thuận tiện, hoàn toàn trực tuyến, đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến, cải thiện trải nghiệm nhập cảnh cho du khách quốc tế.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Khối Nghỉ dưỡng và Vui chơi giải trí của Tập đoàn Sun Group, đánh giá, chính sách thị thực của Việt Nam thực sự đã có bước tiến lớn nhưng vẫn cần cải thiện để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Thực tế các nước bạn đã có chính sách visa ưu việt và linh hoạt hơn Việt Nam gấp nhiều lần: Malaysia miễn thị thực cho 156 quốc gia, Singapore là 162 quốc gia và Philippines là 157 quốc gia…
“Chúng tôi đề xuất Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ, mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực, đặc biệt ưu tiên những thị trường khách mục tiêu, giàu tiềm năng như New Zealand, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ; nhóm khách từ các thị trường mới nổi và tiềm năng cao như: UAE, Saudi Arabia, Qatar, Kuwait cùng các nước Trung Á, khách châu Âu và Bắc Mỹ… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam”, bà Quỳnh Anh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, khẳng định Việt Nam đã có bước tiến lớn với việc nới lỏng chính sách thị thực như kéo dài thời gian lưu trú, mở rộng hình thức nhập cảnh nhiều lần, áp dụng visa điện tử. Nhờ vậy, những thị trường được miễn visa đã tăng trưởng tối thiểu hơn 30%, đóng góp mạnh mẽ cho đà phục hồi của ngành du lịch.
Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chính sách visa theo hướng linh hoạt, thuận tiện hơn nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, AI và big data. "Những công cụ này hoàn toàn có thể giúp sàng lọc, không để các đối tượng xấu nhập cảnh, vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa mở cửa tối đa cho khách du lịch quốc tế. Tôi rất mong Chính phủ nghiên cứu, sớm áp dụng những cải cách này để giúp du lịch Việt Nam bứt phá, đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng", ông nói.
Trước đó, tại phiên họp Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vào ngày 3/7, Thủ tướng đánh giá du lịch là một trong 10 điểm sáng nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2025.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng nhận định, du lịch Việt Nam là điểm sáng với mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới.