Nửa đời mẹ Việt Nam Anh Hùng vẫn nuôi hi vọng đón con đoàn tụ

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai tuổi 17 lén giấu cả gia đình để đăng ký đi kháng chiến và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh Hùng (VNAH) Ngô Thị Lang (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) vẫn ôm ấp niềm hi vọng một ngày nào đó có thể đón con trở về đoàn tụ.

Lời hứa với chồng và niềm tin vào ngày đoàn tụ

Sáng sớm, mẹ Lang, tên gọi thân thương mà bà con nơi xóm nhỏ ở thành phố Hội An trìu mến nhắc về mẹ VNAH, người mẹ dành cả đời chờ con trai trở về. Ở tuổi 103, mẹ Lang vẫn giữ được sự minh mẫn khiến nhiều người nể phục. Hiện, mẹ đang sống cùng người con trai út tên Huỳnh Quang Thuyền.

Mẹ Lang kể, sau giờ thể dục sáng, mẹ ăn tô cháo hoặc mì Quảng. Bữa trưa, bữa tối chỉ với một bát cơm cùng cá và mắm. "Thể dục và chế độ dinh dưỡng hợp lý có lẽ là bí quyết cho bà khỏe mạnh đấy cháu à!", mẹ Lang chia sẻ.

Mẹ Lang dành cả đời chờ con trai trở về.

Mẹ Lang dành cả đời chờ con trai trở về.

Nhưng có lẽ quy luật thời gian không hằn dấu vết nhiều trên người mẹ VNAH, bởi trong ánh mắt mẹ Lang, vẫn vẹn nguyên niềm hi vọng đón con trai trở về đoàn tụ. Chiến tranh đã lấy đi người chồng của mẹ - Liệt sĩ Huỳnh Kinh Nhi (SN 1918) và khiến cho người con trai thứ hai "một đi chưa trở về".

Giọng mẹ vẫn đầy rắn rỏi khi nói về ký ức bi thương nhưng hào hùng ngày xưa. Mẹ kể, ông Nhi hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp vào năm 1950. Một mình mẹ Lang chăm sóc ba đứa con nhỏ và gánh vác nhiệm vụ tiếp tế thực phẩm và thuốc men cho bộ đội. Ngôi nhà của mẹ trở thành nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, với căn hầm bí mật dưới gian bếp để bảo vệ các hoạt động cách mạng khỏi sự tấn công của quân địch.

"Chiến tranh mà, tàn khốc lắm. Nhưng mẹ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ của bà con lối xóm. Mẹ mang trong mình lời hứa với chồng rằng sẽ nuôi dạy con cái trưởng thành và tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng", mẹ bộc bạch.

Năm 1963, con gái đầu của mẹ Lang được cử ra Hà Nội học tập theo diện con cán bộ hy sinh, và con trai út đi làm ăn xa. Trong nhà, chỉ còn lại con trai thứ hai là anh Huỳnh Quang Thợ, đang học lớp 11 và phụ mẹ đồng áng. Tuy nhiên, vào kỳ nghỉ hè năm đó, cậu thanh niên 17 tuổi đã lén giấu mẹ đăng ký nhập ngũ, với hi vọng góp sức vào cuộc chiến chống ngoại xâm. Biết chuyện, mẹ Lang không ngăn cản con, dù lòng đầy lo lắng. Mẹ hiểu rằng: "Con đi có thể mất con, nhưng giữ con ở nhà thì có thể mất nước".

Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, hai năm sau đó, mẹ Lang lại nhận thêm cú sốc khi hay tin anh Thợ đã hy sinh. Lòng đau như cắt, trong ký ức của mẹ Lang giờ chỉ còn lại hình ảnh mờ nhạt về anh Thợ: "Đó là một đứa con trai da trắng, mắt tròn, với tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước". Mẹ Lang không biết chính xác ngày con trai hy sinh, và cũng không còn kỷ vật nào của con để lưu giữ. Bàn thờ của anh Thợ chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công, và ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm trở thành ngày giỗ vọng.

Mỗi lần vào nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Nghĩa, mẹ Lang lặng lẽ thắp hương và khấn vái. Mẹ vẫn hy vọng một ngày nào đó, mộ phần của con trai sẽ được tìm thấy. Mặc dù đã nhiều lần tìm kiếm và khấn vái trong vô vọng, mẹ vẫn không từ bỏ niềm tin rằng mình sẽ được nhìn thấy con trai lần cuối. Những đêm dài mẹ từng mơ thấy anh Thợ trở về, đứng đó mỉm cười và hỏi mẹ có khỏe không, dù chỉ là những khoảnh khắc hư ảo nhưng nó đã tiếp thêm động lực để mẹ Lang chờ đợi.

Ở tuổi 103, mẹ Lang giữ lối sống giản dị, ăn uống thanh đạm và chăm sóc sức khỏe để có thể tiếp tục chờ đợi ngày con trở về. Mặc dù thời gian không còn nhiều, mẹ vẫn mong chờ và giữ niềm tin rằng mình sẽ an lòng khi được nhìn thấy con trai yên nghỉ bên cạnh mẹ.

Di nguyện cuối cùng của người mẹ già

Tháng nào mẹ Lang cũng đến nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành để thắp hương và khấn vái. Mẹ luôn hy vọng rằng một ngày nào đó, hài cốt của liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ sẽ được tìm thấy và được đưa về quê nhà Hội An, nơi mẹ có thể yên lòng an nghỉ bên người con đã hy sinh cho Tổ quốc.

Mặc dù chưa thể xác định mộ phần của con trai, mẹ Lang cảm thấy được an ủi bởi sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bà con lối xóm. Năm 2014, mẹ đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, và hiện nay, mẹ vẫn được các cơ quan, đoàn thể thăm hỏi và động viên thường xuyên. Sự quan tâm này đã giúp mẹ có thêm động lực để sống tiếp, dù nỗi đau về sự mất mát vẫn luôn hiện hữu.

Bàn thờ của anh Thợ chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công, và ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm trở thành ngày giỗ vọng.

Bàn thờ của anh Thợ chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công, và ngày Thương binh - Liệt sĩ hàng năm trở thành ngày giỗ vọng.

Ông Huỳnh Quang Thuyền, con trai út của mẹ, cho biết ông Huỳnh Quang Thợ lên đường nhập ngũ khi ông đang làm công nhân ở xa nhà và không biết tin. Năm 1965, ông Thuyền cùng 21 người bạn viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội. Trong suốt thời gian phục vụ, ông tham gia nhiều trận chiến từ Quảng Nam đến Quảng Trị và bị thương. Đến năm 1980, ông được phục viên về địa phương.

Theo thông tin từ gia đình, liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ đã hy sinh tại Núi Thành và hiện được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Tam Nghĩa, nhưng không thể xác định cụ thể phần mộ. Nơi này có nhiều mộ liệt sĩ vô danh, làm cho việc xác định mộ phần của anh Thợ trở nên vô cùng khó khăn.

Vào ngày 23/7, mẹ Lang đã ra thành phố Hà Nội tham dự Hội nghị tri ân những người có công với cách mạng năm 2024 và tham gia sự kiện ra mắt ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ mà thông tin vẫn chưa được xác định. Theo ông Thuyền, di nguyện cuối cùng của mẹ Lang là mong muốn đưa anh Thợ về thành phố Hội An để yên nghỉ.

Dù tuổi đã cao và thời gian đã trôi qua, mẹ Lang vẫn giữ niềm tin mãnh liệt rằng một ngày nào đó, hài cốt của liệt sĩ Huỳnh Quang Thợ sẽ được tìm thấy. Sự kiên trì của mẹ không chỉ là một phần của bản sắc dân tộc mà còn là một minh chứng sống cho lòng yêu nước và sự hy sinh không thể nào quên.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nua-doi-me-viet-nam-anh-hung-van-nuoi-hi-vong-don-con-doan-tu-204240901143108894.htm