Nửa nhiệm kỳ: Hạ tầng giao thông TP.HCM chưa đạt được như kỳ vọng
Đột phá hạ tầng giao thông là một trong 3 đề án thành phần, thuộc chương trình đột phá được Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đề ra. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ triển khai Nghị quyết, dù rất nỗ lực nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
TP.HCM vừa có đánh giá về nửa nhiệm kỳ thực hiện đề án phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030. Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đến nay, nhiều dự án giao thông của thành phố thực hiện còn chậm. Nguyên nhân do liên quan vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ người dân tái định cư… Đặc biệt là nguồn vốn triển khai, thực hiện đề án mới chỉ đạt khoảng 30%.
“Trước đây khi xây dựng đề án từ đầu nhiệm kỳ Đại hội, chúng ta kỳ vọng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố tăng. Chúng ta có rất nhiều hình thức PPP, tiếp theo nữa là BT, BOT trên đường cũ, nhưng Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) không cho phép. Ngoài ra, quan điểm kinh tế hạ tầng mới được triển khai, cho nên việc đầu tư triển khai thực hiện quy hoạch là chậm”, ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.
Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2023 được kỳ vọng là giải pháp để TP.HCM tháo gỡ khó khăn trong huy động vốn thực hiện, triển khai các dự án giao thông. Song, để huy động nguồn lực xã hội nhất là trong giai đoạn nền kinh tế thời “hậu Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn không phải dễ dàng. Trong bối cảnh này, giải pháp cần là đầu tư, triển khai các dự án giao thông trọng điểm, thiết yếu, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân, để thúc đẩy kinh doanh sản xuất phát triển. Có như vậy, Nghị quyết của Đảng bộ TP.HCM mới sớm đi vào cuộc sống.