Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Kỳ vọng một 'cú hích' từ Chương trình MTQG về chấn hưng và phát triển văn hóa
Nửa nhiệm kỳ của ngành VHTTDL đã ở lại phía sau, việc cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, chủ trương của Nhà nước về ngành Văn hóa bằng các thể chế, chính sách vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Văn hóa tập trung hoàn thiện.
Kỳ vọng lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa
Ngành VHTTDL đã bước qua nửa chặng đường đầy gian nan, thử thách với nhiều kết quả đáng tự hào, đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Tuy nhiên, chặng đường nửa nhiệm kỳ phía sau vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách với nhiều nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của trong thời gian tới ngành VHTTDL đó là tiếp tục thể chế hóa các nhiệm vụ về lĩnh vực Văn hóa- Thể thao- Du lịch đã được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII; những mục tiêu cụ thể trong các Chiến lược phát triển của ngành đã được phê duyệt…
Song song với đó, Bộ VHTTDL cũng đang tập trung triển khai cụ thể hóa 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp nhằm chấn hưng và xây dựng thành công một nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Về thể chế, chính sách, trong năm 2023, ngành VHTTDL tập trung cho mục tiêu trọng tâm đó là tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa. "Đây không chỉ là cho chúng ta hôm nay mà cho thế hệ mai sau. Không dễ gì mà chúng ta được đồng thuận để triển khai chương trình vào thời điểm này" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Có thể thấy rằng, thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới và ngay tại các địa phương ở Việt Nam, nơi có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ thì văn hóa luôn là thành tố quan trọng góp phần hình thành những đô thị đáng sống. Nhìn nhận từ góc nhìn tổng thể đó có thể thấy rằng, đầu tư cho văn hóa không phải là sự đầu tư cho “cờ, đèn, kèn, trống”. Khi có được sự đầu tư xứng đáng, văn hóa sẽ phát triển, và mục tiêu tạo đột phá cho phát triển văn hóa sẽ không còn xa vời.
Để "không địa phương nào bị bỏ lại phía sau" trong Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, với quyết tâm xóa bỏ "vùng trũng về văn hóa", ngay từ khi được Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội giao xây dựng chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương trong cả nước nhằm rà soát tổng thể để hoàn thiện dự thảo của chương trình này.
Qua các buổi làm việc, hầu hết các địa phương đều bày tỏ sự vui mừng vì lĩnh vực Văn hóa trong nửa nhiệm kỳ qua không chỉ được quan tâm bằng chủ trương mà đã cụ thể hóa được bằng các chính sách tổng thể, đặc biệt là việc Trung ương đồng ý xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa. Đây được kỳ vọng là "cú hích" nhằm thúc đẩy phát triển các nguồn lực về Văn hóa.
Bộ VHTTDL cũng sẽ tập trung rà soát để tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành các bộ luật đó là: Luật Di sản văn hóa, Luật Quảng cáo; Tham mưu Chính phủ hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tiếp theo…
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được nêu rõ tại Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Lựa chọn thể chế, chính sách làm khâu đột phá, gỡ các nút thắt cho sự phát triển văn hóa là chính xác
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chúng ta đang ở một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa. Chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả trung ương và địa phương, với những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa. Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc chấn hưng, đổi mới cho văn hóa.
Ngược lại, chúng ta cũng thấy những khó khăn, thách thức đối với phát triển văn hóa. Kinh tế thị trường đã để lại nhiều hệ lụy; sự trục lợi làm méo mó cả những hoạt động mang đậm chất tinh thần như văn hóa; quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng cũng có cả những hiện tượng không phù hợp.
Nhiều thứ lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài đã cuốn hút sự quan tâm của giới trẻ nhưng lại khiến họ lãng quên văn hóa dân tộc. Mạng xã hội tạo ra không gian mới, thách thức mới cho quá trình quản lý văn hóa... Đó là những nguyên nhân cho rất nhiều biểu hiện tiêu cực, lai căng, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
Để giải quyết những vấn đề này, chúng ta cần nhiều giải pháp mang tính hệ thống và tổng thể. Việc lựa chọn thể chế, chính sách làm khâu đột phá, gỡ các nút thắt cho sự phát triển văn hóa là chính xác.
Để văn hóa đóng góp vai trò tích cực cho sự phát triển bền vững đất nước thì đầu tiên, văn hóa phải phát triển bền vững trước đã. Vì thế, tập trung cho sự phát triển bền vững của văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Ông Bùi Hoài Sơn cho biết Tại Hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo về 9 nhóm chính sách lớn cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo đột phá cho phát triển văn hóa.
Để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, sắp tới, Quốc hội dự kiến đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh những năm tới các dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi); Luật về nghệ thuật biểu diễn; Luật về hoạt động văn học... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu căn cứ lý luận, thực tiễn về đề xuất ban hành một số luật chuyên ngành như: Luật Mỹ thuật; Luật Nhiếp ảnh; Luật Tài trợ, hiến tặng, Luật về tự do sáng tạo trong khoa học và văn hóa, văn học, nghệ thuật; Luật Bản quyền tác giả (tách nội dung từ Luật sở hữu trí tuệ)...
Không chỉ những luật trực tiếp liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, Quốc hội sẽ nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đất đai, các luật về thuế, đặc biệt là Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) dự kiến cho áp dụng thí điểm tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố về việc cho phép hợp tác đầu tư công - tư trong lĩnh vực văn hóa. Sau thí điểm sẽ đề xuất việc sửa đổi Luật để áp dụng rộng rãi./.