Nửa thế kỷ hòa bình: Những câu chuyện không bao giờ khép lại

Chúng tôi - những người trẻ sinh ra trong hòa bình, luôn muốn tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc. Làm thế nào để hiểu sâu sắc và biết trân trọng những điều tưởng như hiển nhiên trong cuộc sống hòa bình hôm nay?

Chiều tháng Tư yên ả, giữa nắng vàng và tiếng gió xào xạc hàng cây Hà Nội, tôi tự hỏi: Nếu không có cuộc trường chinh hơn 20 năm chiến đấu gian khổ ấy của cha ông, với điểm kết thúc oanh liệt ngày 30/4/1975, liệu hôm nay có tiếng cười trọn vẹn trên đất nước liền một dải, không còn chia cắt, không còn tiếng súng?

Mang theo trong mình câu hỏi ấy, tôi bước vào hành trình trở về với lịch sử, không qua trang sách, mà qua tiếp xúc trực tiếp với những con người đã sống và chiến đấu vì ngày toàn thắng.

Các nhân chứng lịch sử tại cuộc tọa đàm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) ở Bảo tàng Hà Nội ngày 9/4. (Ảnh: Huệ Minh)

Các nhân chứng lịch sử tại cuộc tọa đàm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) ở Bảo tàng Hà Nội ngày 9/4. (Ảnh: Huệ Minh)

Chúng tôi gặp những người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tại buổi tọa đàm “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”, tổ chức ngày 9/4 tại Bảo tàng Hà Nội. Tại đó, thế hệ trẻ nghiêng mình trước những mái đầu bạc, chăm chú lắng nghe từng lời kể - ký ức thiêng liêng được gợi lại bằng tất cả sự xúc động và niềm kiêu hãnh.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, người trực tiếp có mặt tại Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 và phát đi thông báo lịch sử trên sóng phát thanh xúc động kể lại: “Chúng tôi là những người đại diện cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định… Đời sống bình thường đã trở lại Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ mong đợi, nay đã được giải phóng…”.

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội sinh viên Sài Gòn trả lời câu hỏi giao lưu với khán giả. (Ảnh: Huệ Minh)

Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội sinh viên Sài Gòn trả lời câu hỏi giao lưu với khán giả. (Ảnh: Huệ Minh)

Ông kể về những năm tháng thanh xuân không mỏi mệt đấu tranh cho độc lập. Những năm 1960, phong trào sinh viên miền Nam dâng cao, xuống đường phản đối chiến tranh, đòi tự do cho dân tộc. Ông nói: “Tuổi trẻ khi ấy chỉ có một con đường: Đấu tranh để giành lại tự do”. Trưa hôm đó, ông có mặt tại Dinh Độc Lập, chứng kiến khoảnh khắc lịch sử khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng. "Tôi biết, lịch sử đã sang trang", ông xúc động nhớ lại.

Bên lề buổi trò chuyện, ông Thái nửa đùa nửa thật căn dặn: "Cháu học Ngoại giao, sau này có thế nào cũng phải nhớ đến hai chữ quê hương nhé".

Với ông Nguyễn Văn Hòa – người lính lái xe Trường Sơn năm xưa, ký ức hiện về là một khung trời khác: Không hào quang, không chiến tích lẫy lừng, chỉ có những chuyến xe âm thầm xuyên rừng, chở đầy thương binh, đạn dược và khát vọng thống nhất.

Ông kể: “Có những ngày hành quân đường lầy lội, gian nan trăm bề, nhưng chúng tôi không dừng bước. Thuốc men, lương thực thiếu thốn, sức lực cạn kiệt, nhưng ý chí thì chưa bao giờ vơi. Bởi trước mắt là miền Nam yêu dấu, là khát vọng giải phóng, là lời hẹn thiêng liêng với Tổ quốc còn dang dở".

Trung Tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân chụp ảnh cùng giảng viên, sinh viên tại sự kiện “50 năm thống nhất đất nước – Non sông liền một dải”, Học viện Ngoại giao, ngày 23/4. (Ảnh: Thu Giang)

Trung Tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân chụp ảnh cùng giảng viên, sinh viên tại sự kiện “50 năm thống nhất đất nước – Non sông liền một dải”, Học viện Ngoại giao, ngày 23/4. (Ảnh: Thu Giang)

Có lẽ đúng như Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân từng chia sẻ trong buổi giao lưu với 500 sinh viên Học viện Ngoại giao – sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm “50 năm thống nhất đất nước – Non sông liền một dải”, rằng : “Đời lính không ai nghĩ mình trở thành anh hùng khi bắt đầu tham gia chiến đấu”.

Trong vầng pháo sáng của những đêm bay trên bầu trời Hà Nội, chỉ có một ý chí duy nhất: Tiến lên, bởi trước mặt là quân thù. Trung tướng Phạm Tuân kể lại: “Bầu trời Hà Nội lúc đó như pháo hoa rực sáng. Chúng tôi không còn liên lạc được với nhau, chỉ còn tên lửa làm cầu nối với mục tiêu. Chúng tôi bay lượn nhiều vòng trên bầu trời, quyết tâm bắn hạ B-52 và rút quân an toàn".

50 năm thống nhất đất nước. Chúng tôi may mắn được sống trong hòa bình, được học tập, ước mơ và hướng tới tương lai. Tôi tự nhủ, thời gian sẽ trôi đi và một ngày nào đó, hàng ghế cựu chiến binh trong các buổi lễ tưởng niệm sẽ dần vắng bóng. Nhưng câu chuyện của họ sẽ không bao giờ khép lại. Tôi nhớ mãi lời nhắn nhủ của các cựu chiến binh: Thế hệ các ông có Huân chương chiến đấu, còn với thế hệ con cháu, chỉ mong đó là Huân chương hòa bình.

Nguyễn Kim Huệ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nua-the-ky-hoa-binh-nhung-cau-chuyen-khong-bao-gio-khep-lai-312558.html