'Núi nợ' đe dọa kinh tế toàn cầu
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã lên tiếng cảnh báo kêu gọi các chính phủ ngăn chặn khủng hoảng nợ. Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần gấp rút hành động để giải quyết vấn đề nợ gia tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây ở các nền kinh tế mới nổi.
Ông David Malpass - Chủ tịch WB cho rằng, “quy mô, tốc độ và chiều rộng của làn sóng nợ liên quan đến tất cả chúng ta. Điều đó cho thấy lý do vì sao việc quản lý nợ và tính minh bạch cần phải là những ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách - để họ có thể gia tăng tỉ lệ tăng trưởng và đầu tư, cũng như bảo đảm rằng khoản nợ mà họ đảm nhận sẽ góp phần mang lại kết quả phát triển tốt hơn cho người dân.
Trong vòng 10 năm qua, tỉ lệ nợ trên phạm vi toàn cầu gia tăng với tốc độ nhanh nhất, so với 5 thập kỷ trước. Như vậy, con số nợ đã phình lên thêm 55.000 tỉ USD vào năm ngoái- theo báo cáo “Làn sóng nợ toàn cầu” của WB, bao gồm 4 đợt tăng nợ trong các năn 1970 - 2018, công bố mới đây.
Từ đó, WB cảnh báo làn sóng nợ có thể kết thúc bằng một cuộc khủng hoảng khác. Đó là việc các quốc gia tìm cách vay ở những định chế tài chính khác nhau, nhằm “đảo nợ”, từ đó gánh nặng nợ nần sẽ kéo dài và ngày càng nặng nề hơn.
Báo cáo của WB được đưa ra không lâu sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gióng lên hồi chuông cảnh báo về tỉ lệ nợ toàn cầu. Cụ thể, tổng cộng nợ công và nợ tư nhân toàn cầu đã nhảy vọt lên mức 188.000 tỉ USD vào cuối năm 2018, tăng 3.000 tỉ USD so với năm 2017 và tương đương gần 230% giá trị nền kinh tế thế giới. Bản cập nhật cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu của IMF mới đây cho thấy, con số nợ nần vẫn theo hình mũi tên đi lên, trong đó không chỉ những quốc gia nghèo mới “quằn quại” trong nợ, mà cả nhiều nền kinh tế hàng đầu, hay những tập đoàn xuyên quốc gia cũng “oằn lưng” vì núi nợ ngày càng cao hơn.
Chính vì thế, bà Ceyla Pazarbasioglu- Phó Chủ tịch WB, cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên hành động nhanh chóng để giảm nguy cơ các cú sốc kinh tế. Theo bà Ceyla, quản lý nợ là hết sức cấp bách vì “lịch sử cho thấy các làn sóng nợ lớn nổi lên thường trùng với các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển”.
Cũng với các chuyên gia của WB thì lãi suất toàn cầu tiếp tục thấp “không tạo ra sự bảo vệ chắc chắn” trước các cuộc khủng hoảng tài chính khi chi phí đi vay có thể tăng mạnh hoặc mức tăng trưởng kinh tế có thể giảm đáng kể. Theo trang tin The National (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), làn sóng nợ mới nhất này khác với trước đây bởi vì nó cho thấy có sự tích lũy đồng thời cả nợ công và tư nhân, liên quan đến các loại chủ nợ mới và trải rộng trên nhiều khu vực.
Từ đó, một câu hỏi đặt ra: Nếu vỡ nợ, kinh tế thế giới sẽ ra sao? Câu trả lời đến từ giới chuyên gia tài chính, là trước hết nó có thể gây tổn hại khủng khiếp vì ngoài các chính phủ, nó sẽ nhấn chìm các công ty tư nhân. Tiếp đó, hệ thống các ngân hàng (chủ nợ) cũng sẽ phải đối mặt với việc tuyên bố phá sản, nếu như họ không thể nhanh chóng thu hồi công nợ; chưa nói đến khoản họ góp vốn với các tập đoàn kinh tế trong khi các tập đoàn này “vỡ trận”. Và đương nhiên, khi vợ nỡ ở tầm quốc gia thì nó sẽ gây ra khủng hoảng xã hội, sự bất ổn không thể lường trước.
Cả WB và IMF đều đã cảnh báo về tình trạng nợ toàn cầu đang gia tăng. Nhưng, vấn đề là làm sao quản lý được nguồn nợ trong khi nhu cầu vốn tăng cao. Vì, theo giới chuyên gia tài chính, năm 2020 rất có thể còn chứng kiến “làn sóng nợ” dâng cao hơn; trong khi “núi nợ” sau lưng vẫn “sừng sững”.
Theo Bloomberg, hơn 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế- tài chính năm 2008, tổng số nợ toàn cầu đã đạt mốc kỷ lục 251.000 tỉ USD. Như vậy, “công dân toàn cầu” (bất kể nam, phụ, lão, ấu) nợ 32.500 USD/người. Khối nợ khổng lồ này bao gồm nợ công của các chính phủ, nợ doanh nghiệp và nợ của các cá nhân, hộ gia đình. Phần lớn “di sản” nợ nần này có nguồn gốc từ chương trình vay nợ của các nước nhằm vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
Thế Tuấn (Theo Bloomberg, AP)
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tai-chinh/nui-no-de-doa-kinh-te-toan-cau-tintuc455562