Nước châu Á nào đang hưởng lợi từ dầu giá rẻ của Nga?
Một số nước châu Á đang tranh thủ thời cơ để mua nhiều dầu thô giá rẻ từ Nga, trong bối cảnh Moscow phải chấp nhận giảm giá để thúc đẩy xuất khẩu nhằm thu về ngoại tệ mạnh.
Gần 2 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, dầu mỏ của Nga vẫn tiếp tục chảy về các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, theo Nikkei Asia.
Dầu Nga ồ ạt đổ về châu Á
Tính từ 24/2 đến 18/4, tổng cộng 380 tàu chở dầu đã rời Nga, theo dữ liệu từ công ty dữ liệu tài chính toàn cầu Refinitiv. Con số này tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số 380 tàu chở dầu rời khỏi Nga từ 24/2, 115 tàu hướng về các nước châu Á. Cụ thể, Trung Quốc tiếp nhận nhiều nhất với 52 tàu. Xếp sau là Hàn Quốc với 28 tàu, Ấn Độ với 25 tàu. Nhật Bản và Malaysia lần lượt tiếp nhận 9 và 1 tàu chở dầu Nga.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, số tàu chở dầu đến Ấn Độ tăng 900%, còn Trung Quốc là 33%. Các nước còn lại nhận ít dầu từ Nga hơn so với năm 2021.
Các nền kinh tế hàng đầu của phương Tây như Mỹ và Anh thông báo sẽ dừng nhập khẩu dầu thô từ Nga, một phần trong tổng thể nỗ lực toàn diện trừng phạt Moscow vì tình hình ở Ukraine.
Thậm chí trước khi chính phủ Mỹ và Anh ra quyết định, một số công ty năng lượng lớn của hai nước như BP, Shell đã thông báo sẽ không tiếp tục mua dầu thô của Nga bởi sức ép từ các cổ đông, rủi ro về uy tín, cũng như khó khăn hậu cần.
Hậu quả từ sự rút lui của các nhà nhập khẩu phương Tây là giá dầu thô của Nga giảm mạnh, dù giá dầu thế giới vẫn ở mức kỷ lục. Trong giai đoạn đầu tháng 3 đến giữa tháng 4, giá dầu Ural của Nga từ 111 USD/thùng đã rơi xuống 78 USD/thùng, tức mất 30% giá trị.
Diễn biến giá dầu Ural mang tới cơ hội kiếm lời cho những nước sẵn sàng làm ăn với Nga.
"Chúng tôi bắt đầu mua vào và đã nhận được một số lượng dầu tương đương mức tiêu thụ trong 3-4 ngày. Và chúng tôi sẽ mua thêm. Lợi ích quốc gia là trên hết, cớ gì lại không mua khi nhiên liệu giảm giá", Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết.
Bloomberg đưa tin Nga đang chào bán dầu thô cho Ấn Độ với mức giá 55 USD/thùng, tức chỉ bằng 50% so với giá trên thị trường quốc tế.
Vandana Hari, CEO tổ chức nghiên cứu thị trường Vanda Insights, cho rằng dầu thô của Nga đang là "lựa chọn hấp dẫn" với không ít quốc gia.
Các chuyên gia nhận định Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia được Moscow coi là đối tác "thân thiện", sẽ tiếp tục tận dụng chênh lệch giá để mua dầu Nga với quy mô lớn.
Trong khi đó, Bộ Năng lượng Indonesia cho biết nước này không mua dầu của Nga trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về khả năng mua dầu giá rẻ từ Nga đã bắt đầu nóng lên tại Jakarta.
Daniel Gerber, CEO công ty vận tải dầu khí Petro-Logisitics, cho biết Indonesia và Singapore nhiều khả năng sẽ tận dụng tình hình hiện nay để kiếm lợi từ dầu giá rẻ của Nga.
"Nhập khẩu trong tháng 3 không thay đổi đáng kể, nhưng chúng tôi tin lượng dầu nhập khẩu sẽ tăng mạnh trong 2-3 tháng tới", ông Gerber nói.
Châu Á khó thành thị trường thay thế
Các nước châu Á cho rằng phương Tây vẫn tiếp tục mua dầu Nga, vì vậy không có lý do gì họ không thể làm điều tương tự.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar cho biết so với tháng 2, châu Âu đã tăng lượng dầu thô và khí đốt nhập khẩu từ Nga thêm 15% trong tháng 3. Trong khi đó, dầu thô New Delhi mua từ Nga chỉ chiếm chưa đầy 1% nhu cầu của Ấn Độ.
"Tôi khá khắc rằng nếu đợi thêm 2-3 tháng, chúng ta sẽ thấy ai là người mua dầu và khí đốt Nga nhiều nhất. Sẽ không ngạc nhiên nếu danh sách này không khác mấy so với trước đây", ông Jaishankar nói.
Vandana Hari, CEO của Vanda Insights, cho rằng việc một số công ty phương Tây tẩy chay dầu thô, khí đốt Nga chỉ mang tính biểu tượng.
Thực tế, trong giai đoạn 1/3-15/4, ít nhất 41 tàu chở dầu từ Nga đã cập bến Hà Lan. Con số này của Italy và Đức là 36 và 9.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 4, sức ép giám sát nhập khẩu và loại bỏ dầu thô Nga từ công chúng các nước phương Tây đang dâng cao.
Ngành xuất khẩu năng lượng mang về cho Nga 235 tỷ USD năm 2021, chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu của Nga.
Một số nước phương Tây cho rằng nếu không nhắm thẳng vào nguồn thu khổng lồ từ năng lượng của Nga, các biện pháp trừng phạt khác sẽ không hiệu quả.
Dù chính phủ các nước châu Á không hoặc chưa tẩy chay dầu thô của Nga, những khó khăn trong hậu cần là một rào cản để châu Á có thể trở thành thị trường thay thế châu Âu cho nguồn năng lượng mà Moscow sẵn sàng bán giá rẻ.
Trong hàng chục năm qua, thị trường chính của năng lượng Nga là châu Âu. Nga hiện chưa có những tuyến đường ống đủ lớn để cung cấp dầu cho châu Á ở quy mô lớn. Đường ống kết nối vùng Viễn Đông của Nga với Trung Quốc chỉ mới được xây dựng và sẽ chưa đi vào hoạt động trong 2-3 năm tới.
Vì thế, lựa chọn duy nhất là vận chuyển bằng tàu chở dầu cỡ lớn, vốn đòi hỏi nhiều thủ tục về bảo hiểm và chi phí đắt đỏ hơn.
"Chúng tôi không sở hữu tàu chở dầu, việc tìm được tàu chở dầu sẵn sàng đến Nga hiện rất khó bởi các công ty vận tải ngày càng lo ngại rủi ro trong làm ăn với Nga, ngay cả tại cùng Viễn Đông", đại diện công ty dầu khí Taiyo Oil của Nhật Bản cho biết.
Sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, các công ty bảo hiểm bắt đầu từ chối bảo lãnh cho các con tàu mang theo dầu thô Nga.
Taiyo Oil có một nhà máy lọc dầu gần cảng Kikuma, tỉnh Ehime của Nhật Bản. Trong tháng 3, công ty này mua dầu của Nga thông qua một hợp đồng dài hạn đã ký từ trước. Nhưng do khó khăn về hậu cần và thủ tục, Taiyo Oil nói công ty hiện tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Trung Đông, Bắc Mỹ và Đông Nam Á.
"Chúng tôi từng mua dầu của Nga vì giá rẻ hơn. Công ty cũng muốn giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào dầu Trung Đông. Nhưng từ nay, chúng tôi sẽ phải chấp nhận chi phí vận chuyển tăng cao", đại diện công ty Taiyo Oil cho biết.