'Nước cờ' thâu tóm thị trường thực phẩm Việt của những 'ông lớn' khối nội
Câu chuyện CTCP Tập đoàn Kido mua lại 25% cổ phần của một thương hiệu bánh bao hàng đầu được xem như nối dài 'nước cờ' thâu tóm thị trường thực phẩm Việt với nhân tố từ những 'ông lớn' khối nội. Điều này không chỉ giúp giữ thị trường 'sân nhà' trước sự lấn át của khối ngoại, mà còn giúp các công ty thực phẩm Việt nâng cao vị thế cạnh tranh, hướng đến 'sân chơi' quốc tế.
Theo dự kiến, CTCP Tập đoàn Kido sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2023 vào hạ tuần tháng 6/2023. Điều khiến dư luận chú ý là trong tài liệu báo cáo thường niên của doanh nghiệp (DN) thực phẩm này đã đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2023 đạt 15.000 tỷ đồng, tăng tới 20% so với năm 2022) và lợi nhuận trước thuế là 900 tỷ đồng, tăng 76% - mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
“Nước cờ” hay trong dài hạn
Trước đó, trong thượng tuần tháng 6, Kido thông báo đã hoàn tất giai đoạn 1 mua 25% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Chế biến Thực phẩm Thọ Phát (đơn vị sở hữu thương hiệu nổi tiếng Bánh bao Thọ Phát) và đang trong quá trình thương thảo để nắm quyền chi phối từ 51 - 70% ở công ty này.
“Nước cờ” thâu tóm của những DN lớn nội địa vừa giúp giữthị trường “sân nhà”, vừagiúp các công ty thực phẩm Việt nâng cao vị thế cạnh tranh.
Động thái mua bán và sáp nhập (M&A) này được cho là nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Kido là xếp thứ 2 ngành chế biến bánh tại Việt Nam, nhanh chóng mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu thông qua lợi thế của cả hai DN.
Trong đó, Thọ Phát hiện tại có lợi thế phân phối với hơn 4.000 điểm bán hàng trên các kênh GT (kênh cung cấp hàng hóa truyền thống), MT (kênh phân phối hiện đại) và CVS (cửa hàng tiện lợi) tại Việt Nam.
Còn Kido có thế mạnh về quản trị, phát triển thương hiệu, logistics, cùng hệ thống kênh phân phối với 450.000 điểm bán ngành hàng khô, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh trên toàn quốc…
Giới quan sát cho rằng, việc thâu tóm Thọ Phát là nhằm góp phần giúp Kido đứng đầu và thâu tóm thị trường thực phẩm ở trong nước, mặc dù có vẻ như mạo hiểm trong bối cảnh xuống dốc về sức mua trong ngắn hạn như hiện nay.
Tuy nhiên, xét về triển vọng dài hạn thì đây lại là “nước cờ” hay, không chỉ giúp Kido gia tăng doanh thu và lợi nhuận, mà còn giúp DN thực phẩm nội địa phát triển theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt là tạo nên thị trường thực phẩm mới vươn tầm xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam.
Xét về triển vọng của thị trường thực phẩm Việt Nam, theo dự báo của Statista, trong năm 2023 sẽ tăng 9% so với năm 2022, và tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong giai đoạn từ 2023 – 2027 đạt khoảng 8,22%/năm.
Nếu so sánh trong phạm vi Đông Nam Á, ngành thực phẩm Việt Nam hiện đang xếp thứ ba (sau Indonesia và Philippines). Và tốc độ phát triển thị trường bình quân (CAGR) của ngành thực phẩm Việt được dự báo đến năm 2027 sẽ xếp thứ hai trong khu vực.
Với khả năng tăng trưởng cao, dư địa lớn ở một thị trường tiêu dùng thực phẩm có khoảng 100 triệu dân, nên hoạt động M&A trong lĩnh vực này ở Việt Nam được dự đoán sẽ còn tiếp tục sôi động. Và điều mong mỏi là hoạt động thâu tóm thị trường này cần thêm dấu ấn của các “ông lớn” nội địa thay cho sự chi phối của khối ngoại.
Giúp nâng cao vị thế cạnh tranh
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức gần đây của một số DN lớn nội địa có liên quan chặt chẽ đến ngành hàng thực phẩm, hoạt động M&A đã được giới lãnh đạo DN đề cập tới.
Chẳng hạn như lãnh đạo CTCP Tập đoàn PAN (PAN Group - một DN được xem là “sếu đầu đàn”, có nhiều thành công thông qua thâu tóm DN trong mảng nông sản thực phẩm) cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục M&A, có thể từ phía tập đoàn hoặc từ công ty thành viên. Tuy nhiên, việc này sẽ tùy thuộc vào dòng tiền của DN. Hơn nữa, việc tìm kiếm đối tác M&A phù hợp sẽ là bước đi nhanh và hiệu quả để cùng nhau phát triển.
Bên cạnh đó, PAN cho rằng, trong hoạt động M&A không chỉ có mua mà còn bán ra vào thời điểm thích hợp. Như hồi năm 2021, DN này đã bán một phần cổ phần tại CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho CTCP C.P Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc PAN Group từng chia sẻ, hoạt động M&A không chỉ dừng lại ở việc đầu tư đơn thuần, mà phía DN còn theo đuổi chiến lược phát triển theo chiều rộng và chiều sâu, đầu tư nghiêm túc, bài bản vào mảng nông nghiệp thực phẩm bằng việc nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại vào khâu chế biến với chiến lược phát triển bền vững.
Hoặc như phía CTCP Tập đoàn Masan, ông Michael Hung Nguyen, Phó tổng giám đốc cũng cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu, làm việc với các đối tác tiềm năng để thực hiện M&A, hướng đến các thương hiệu có thể đồng hành với triết lý của Masan và sẽ thận trọng trong phân bổ nguồn vốn.
Ngoài ra, có thể kể thêm trường hợp CTCP Nafoods Group vào tháng 2/2023 đã thông báo nghị quyết của hội đồng quản trị là chốt phương án tăng sở hữu lên mức 99,9% vốn tại CTCP Thực phẩm Nghệ An (Naprod) sau hơn 2 năm đình trệ.
Cụ thể, Nafoods Group sẽ mua toàn bộ tài sản của Naprod với giá trị đề xuất là 309 tỷ đồng, bao gồm tài sản vô hình và hữu hình (100% giá trị DN), tiếp nhận toàn bộ đội ngũ quản lý vận hành, công nhân lao động nhiều kinh nghiệm, quy trình sản xuất và kiến thức của DN tại thời điểm chuyển giao tài sản.
Tựu trung lại, để giữ thị trường “sân nhà” trong bối cảnh lấn át của khối ngoại như hiện nay, giới phân tích cho rằng, những “ông lớn” của khối nội là rất quan trọng trong hoạt động thâu tóm trên thị trường thực phẩm Việt.
Theo đó, thay vì “bán mình” cho khối ngoại, đối với những công ty thực phẩm sau khi được “ông lớn” của khối nội thâu tóm, có thể sẽ là khởi đầu chu kỳ phát triển mới cho một thương hiệu lâu đời. Ở đó, với việc nâng cấp quản lý, nâng cao năng lực tài chính và quy mô kinh doanh sẽ giúp mở ra những cơ hội kinh doanh mới, nâng cao vị thế cạnh tranh và hiệu quả của các công ty thực phẩm nội địa trên thị trường “sân nhà” và sẵn sàng bước ra “sân chơi” quốc tế.