Nước đá dùng trong ăn uống phải đảm bảo an toàn

Nước đá đã trở thành một loại thực phẩm thiết yếu trong sinh hoạt hằng ngày của hầu hết người dân. Đặc biệt, trong thời điểm nắng nóng gay gắt như hiện nay, nhu cầu sử dụng nước đá giải khát của người dân càng tăng cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, nếu người tiêu dùng sử dụng nước đá tại các cơ sở sản xuất không tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì sản phẩm nước đá chính là nguồn chứa các vi khuẩn, vi sinh vật có hại tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng.

 Người tiêu dùng nên thận trọng với việc sử dụng đá để uống -Ảnh: P.T

Người tiêu dùng nên thận trọng với việc sử dụng đá để uống -Ảnh: P.T

Cũng như các sản phẩm đồ ăn thức uống phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường, mặt hàng nước đá đòi hỏi phải tuân thủ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Từ việc xử lý nguồn nước, vệ sinh nơi sản xuất, vệ sinh máy móc trang thiết bị, sức khỏe người lao động cho đến khâu bảo quản và quy trình vận chuyển đến tay người dùng đều phải được đảm bảo đúng quy trình, hạn chế tối đa nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Anh Phan Thanh Tùng, chủ cơ sở sản xuất đá tinh khiết ở thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong cho biết: Là một cơ sở sản xuất nước đá dùng trong ăn uống lâu năm trên địa bàn, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định đảm bảo ATVSTP trong quá trình sản xuất. Bình thường, cơ sở chúng tôi cung cấp mỗi ngày khoảng 2,5 tấn đá cho thị trường. Nay do dịch bệnh, công suất giảm xuống còn một nửa nhưng chúng tôi vẫn luôn đảm bảo yếu tố chất lượng đối với mặt hàng mình sản xuất để giữ uy tín cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn rất nhiều cơ sở sản xuất nước đá dùng trong bảo quản thực phẩm (chủ yếu là đá cây) chịu sự quản lý của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn chưa phân biệt được việc chỉ nên dùng đá viên trong ăn uống và đá cây để bảo quản thực phẩm. Việc sử dụng đá tùy tiện kèm thực trạng không ít cơ sở sản xuất đá trên địa bàn chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm khiến nguy cơ tác động đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn luôn hiện hữu. Trong đó, điển hình nhất là sản phẩm đá bẩn có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, hoặc gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Hơn nữa, sản xuất nước đá khi chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất như kẽm, chì, thủy ngân... là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Chị Nguyễn Thu Phương, chủ quán ăn tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà cho biết: “Lâu nay quán chúng tôi lấy đá từ cơ sở quen trên địa bàn. Khi nhận hàng, lúc nào tôi cũng thấy viên đá chắc, trong, sạch sẽ nên yên tâm chứ không kiểm tra gì thêm về sản phẩm”.

Trên thực tế, người tiêu dùng lâu nay sử dụng đá như một thói quen nên thường bỏ qua việc kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, đá cũng là một mặt hàng thực phẩm, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên cần đảm bảo các tiêu chí về chất lượng ATVSTP. Trong đó, đáng chú ý nhất là cần minh bạch trong khâu ghi nhãn sản phẩm mặt hàng này theo quy định của cơ quan quản lý với đầy đủ các tiêu chí như địa chỉ sản xuất, nguồn nguyên liệu sản xuất…Việc chưa chú trọng đúng mức trong khâu ghi nhãn sản phẩm nước đá dẫn đến người tiêu dùng không được biết về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nước đá khi có nhu cầu sử dụng.

Ông Lê Quốc Dũng, Chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chia sẻ: “Nước đá dùng liền phục vụ cho ăn uống phải đạt các tiêu chí sau: Về trang thiết bị của cơ sở phải có hệ thống lọc nước RO, phải có đèn chiếu tia cực tím; về nguồn nước phải qua kiểm nghiệm, đạt tiêu chí như nguồn nước được cấp từ xí nghiệp cấp nước sinh hoạt mới đưa vào sản xuất. Về kho bảo quản, trữ đá, bao bì đựng đá phải đảm bảo theo đúng quy định, thường xuyên được vệ sinh để ngăn ngừa các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, vì đá là một mặt hàng thực phẩm, nên những người trực tiếp tham gia sản xuất phải tuân thủ quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của Bộ Y tế. Riêng nước đá dùng trong bảo quản thực phẩm (chủ yếu là đá cây) thì không được dùng trong ăn uống, trừ trường hợp quy trình sản xuất đá cây đảm bảo đạt các tiêu chí như việc sản xuất nước đá dùng liền”.

Thời gian qua, Chi cục ATVSTP đã triển khai hoạt động lấy mẫu giám sát tất cả các cơ sở sản xuất nước đá gửi kiểm nghiệm chất lượng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, đồng thời yêu cầu cơ sở khắc phục thiếu sót khi phát hiện các vi phạm. Bên cạnh đó, chi cục đã tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về đảm bảo ATVSTP cho các cơ sở sản xuất, trong đó tập trung hướng đến người tiêu dùng, các nhà hàng, quán ăn; triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng và tiến hành xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật về ATVSTP.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=159150&title=nuoc-da-dung-trong-an-uong-phai-dam-bao-an-toan