Nước đến chân...

Chiếc ghế phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phụ trách tài chính tưởng chừng đã nguội lạnh, bị lãng quên thì mới đây lại được xới lên, nóng hơn bao giờ hết vì những ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tại Hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 6 khóa VIII nhiệm kỳ 2018-2022 mới đây, các đại biểu đã thống nhất bầu bổ sung vị trí phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính sau gần một năm bị bỏ trống.

Tháng 6-2019, ông Cấn Văn Nghĩa khi ấy là Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính đã xin từ chức chỉ sau 6 tháng tại vị. Ban đầu, VFF khẳng định sẽ bầu người thế chỗ ông Nghĩa tại đại hội thường niên của VFF vào tháng 12-2019. Nhưng tại đại hội, chỉ có duy nhất một ý kiến đề nghị bầu người mới trong khi cả đại hội thống nhất chưa bầu do hầu hết đại biểu quá tự tin với khoản thu 240 tỷ đồng, lãi 747% trong năm 2019. Không có phó chủ tịch tài chính nhưng VFF vẫn đề ra mục tiêu tạo ra nguồn thu khoảng 256 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, chỉ trong 5 tháng phòng, chống dịch Covid-19, VFF đã phải giảm 10% lương nhân viên, doanh thu dự kiến mất 6% (khoảng 15 tỷ đồng), càng cho thấy vai trò của phó chủ tịch phụ trách tài chính quan trọng đến nhường nào.

 Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 6 khóa VIII nhiệm kỳ 2018-2022.

Toàn cảnh Hội nghị Ban Chấp hành VFF lần thứ 6 khóa VIII nhiệm kỳ 2018-2022.

Nếu như các cuộc bầu phó chủ tịch tài chính của VFF những lần trước đều diễn ra sôi động, thậm chí xuất hiện không ít những chiêu trò xung quanh chuyện vận động hành lang thì nay, nhiều ông chủ đang phải vất vả chèo chống doanh nghiệp của mình và chuyện họ dốc sức cho bóng đá Việt Nam không phải là dễ. Trong khi các ứng viên đã từng thất bại hai năm trước sẵn sàng trở lại cuộc đua nhưng yêu cầu VFF phải tổ chức một cuộc bầu cử công khai, minh bạch. Trong đó có thể kể tới ông Trần Văn Liêng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Ca cao Việt Nam) hay ông Nguyễn Hoài Nam (Tổng giám đốc Tập đoàn Berjaya Việt Nam).

Hiện VFF đang xây dựng các tiêu chí ứng viên cho chức vụ này, trước khi gửi đến 70 đơn vị thành viên để họ giới thiệu, đề cử người thích hợp. Điều mà giới chuyên môn và người hâm mộ quan tâm là tiêu chí mà VFF xây dựng có phù hợp với tình hình thực tế không. Việc xây dựng tiêu chí và ứng cử, đề cử chỉ diễn ra từ nay đến tháng 8 thì có quá gấp? Liệu có tìm được ứng viên mới sáng giá, có tầm nhìn và chiến lược mới cho bóng đá Việt Nam?

Hiện VFF có 3 thành viên trong ban chấp hành là doanh nhân, chủ sở hữu các doanh nghiệp, gồm: Lê Văn Thành (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thể thao Động Lực), Trần Anh Tú (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc), Phạm Thanh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Khai thác Khoáng sản vàng Hà Giang). Họ đều là những ứng viên sáng giá cho chức phó chủ tịch tài chính của VFF lần này; trong đó, ông Phạm Thanh Hùng “sáng cửa” hơn cả bởi những đóng góp của ông cho bóng đá nữ Việt Nam trong thời gian qua với vai trò Trưởng ban Bóng đá nữ của VFF.

Có nhiều lo ngại rằng cuộc đua cho vị trí phó chủ tịch tài chính VFF lần này sẽ kém hấp dẫn. Bên cạnh những ứng viên đã quen mặt thì rất khó để tìm ra những gương mặt mới đủ sức cạnh tranh trong thời buổi làm ăn khó khăn này. Câu chuyện công khai, minh bạch một lần nữa được đưa ra bàn luận và chuyện VFF có thể chọn ra một phó chủ tịch có tâm, có tầm, có tài ngồi vào chiếc ghế nóng này hay không vẫn còn là một băn khoăn lớn. Nếu VFF bầu chức vụ này từ năm ngoái, có lẽ mọi chuyện đã không vội vàng, gấp rút đến vậy bởi nhiều người lo ngại “dục tốc bất đạt”.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/nuoc-den-chan-618683