Nước Đức bị chia cắt ra sao hậu Thế chiến 2?
Từ một giải pháp tạm thời đã biến nước Đức chia làm hai quốc gia và gây nên căng thẳng cho khu vực trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nhiều tháng trước khi Đức đầu hàng vô điều kiện trong Thế chiến thứ hai, các cường quốc Đồng minh “Bộ ba lớn” gồm Mỹ, Anh và Liên Xô gặp nhau tại Hội nghị Yalta để thảo luận về tương lai của nước Đức.
Tất cả họ đều muốn tránh lặp lại những gì đã xảy ra sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi sự sụp đổ kinh tế thời hậu chiến ở Đức đã thúc đẩy sự phẫn nộ của những người theo chủ nghĩa dân tộc và sự trỗi dậy của Đảng Quốc xã cực hữu.
Tình hình ở Đức sau Thế chiến thứ hai khá tồi tệ. Hàng triệu người Đức trở thành vô gia cư vì các chiến dịch ném bom của quân Đồng minh đã san bằng toàn bộ các thành phố. Và thêm hàng triệu người Đức sống ở Ba Lan và Đông Phổ trở thành người tị nạn khi Liên Xô trục xuất họ.
Với nền kinh tế và chính phủ Đức đang trong tình trạng hỗn loạn, quân Đồng minh kết luận rằng nước Đức cần phải bị chiếm đóng sau chiến tranh để đảm bảo quá trình chuyển đổi hòa bình sang một quốc gia hậu phát xít.
Tuy nhiên, điều mà quân Đồng minh không bao giờ muốn lại xuất phát từ giải pháp tạm thời của họ, với mục tiêu tổ chức nước Đức thành bốn khu vực chiếm đóng, mỗi khu vực do một quân đội Đồng minh khác nhau quản lý, nhưng cuối cùng lại dẫn đến một nước Đức bị chia cắt.
Bốn khu vực chiếm đóng
Tháng 7/1945, “Bộ ba lớn” gặp lại nhau tại Hội nghị Potsdam, các nước Đồng minh đã đồng ý với một thỏa thuận lớn bao gồm phi quân sự hóa, dân chủ hóa và phi hạt nhân hóa nước Đức. Khi chiến tranh chính thức kết thúc, đã đến lúc bắt đầu một kế hoạch hành động để quân Đồng minh chiếm đóng nước Đức.
Thay vì cùng nhau quản lý và kiểm soát nước Đức, như quân Đồng minh đã làm ở Áo thời hậu Thế chiến thứ nhất, quyết định được đưa ra tại Potsdam là chia nước Đức thành bốn khu vực chiếm đóng riêng biệt, mỗi khu vực dành cho mỗi quốc gia Đồng minh (bao gồm cả Pháp).
Người Anh được chỉ định ở góc phần tư phía tây bắc, người Pháp ở phía tây nam và người Mỹ ở phía đông nam. Vì quân đội Liên Xô đã chiếm đóng phần lớn miền đông nước Đức, nên Liên Xô được giao phụ trách khu vực phía đông bắc, bao gồm cả thủ đô Berlin.
Bản thân thủ đô Berlin cũng được chia thành bốn phần, với Anh, Pháp, Liên Xô và Mỹ, mỗi bên kiểm soát một khu vực khác nhau của thủ đô và nằm trọn trong phần lãnh thổ do Liên Xô kiểm soát.
Rạn nứt giữa Liên Xô và các nước Đồng minh
Ngay từ đầu, Liên Xô điều hành khu vực chiếm đóng của họ rất khác so với Anh, Pháp và Mỹ.
Quân đội Liên Xô và thường dân Nga đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ dưới bàn tay của Đức Quốc xã trong chiến tranh. Vì vậy, khi thực hiện chỉ thị chung về phi hạt nhân hóa, họ không chỉ bắt giữ các quan chức Đức Quốc xã mà còn coi tất cả các địa chủ lớn của Đức là Đức quốc xã và đã tịch thu đất đai của họ.
Khi tiến hành chỉ thị chung nhằm thiết lập các cuộc bầu cử tự do và dân chủ ở mỗi vùng chiếm đóng, bề ngoài, Liên Xô cho phép thành lập các đảng chính trị độc lập trong khu vực của họ, nhưng nhanh chóng buộc tất cả các đảng hợp nhất thành một “liên minh” do Moskva kiểm soát. Động thái này đã bị các Đồng minh phương Tây chỉ trích nặng nề.
Nhưng rạn nứt lớn nhất giữa Liên Xô và phần còn lại của các quốc gia chiếm đóng hình thành xung quanh vấn đề bồi thường chiến tranh. Một trong những lý do khiến nền kinh tế Đức sụp đổ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là nước này phải trả hàng tỷ USD tiền bồi thường theo yêu cầu của Hiệp ước Versailles.
Người Anh, người Pháp và người Mỹ muốn tránh sai lầm đó, nhưng Liên Xô, nền kinh tế của chính họ đã bị người Đức tàn phá nặng nề trong Thế chiến 2, muốn nước Đức phải trả giá.
Một thỏa thuận đã được ký kết, trong đó Liên Xô đồng ý trao đổi lương thực được trồng trong khu vực chiếm đóng của mình để đổi lấy tiền mặt và hàng hóa thành phẩm từ các nhà máy của Đức ở khu vực chiếm đóng phía tây. Nhưng khi Liên Xô không đáp ứng kịp các lô hàng nông sản của họ, các Đồng minh phương Tây đã cắt các khoản thanh toán bồi thường thiệt hại.
Đến năm 1946, căng thẳng leo thang hơn nữa khi các lực lượng quân sự của Liên Xô giúp thành lập các chế độ cộng sản ở nhiều quốc gia Đông Âu khác như Romania, Bulgaria, Nam Tư và Albania.
Trong một bài phát biểu nổi tiếng, cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã mô tả mối đe dọa của Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô như một “bức màn sắt” buông xuống khắp lục địa châu Âu, báo hiệu Chiến tranh Lạnh bắt đầu. Mọi cơ hội hợp tác giữa các lực lượng chiếm đóng của phương Tây và Liên Xô mờ dần nhanh chóng.
Căng thẳng dẫn đến phong tỏa Berlin
Năm 1947, Vương quốc Anh và Mỹ quyết định hợp nhất hai khu vực chiếm đóng của họ để thúc đẩy hợp tác kinh tế nhiều hơn giữa các khu vực. Lãnh thổ mới rộng lớn hơn được gọi là "Bizonia".
Sau đó, quân Đồng minh phía tây đã tiến thêm một bước bằng cách đẩy mạnh viện trợ kinh tế cho Bizonia và lãnh thổ bị chiếm đóng của Pháp bằng tiền mặt từ Kế hoạch Marshall.
Họ cũng thay thế đồng tiền bị lạm phát quá mức của Đức, đồng Reichsmark, bằng đồng mark Deutsche mới và ổn định hơn. Tất cả những hành động này đã được thực hiện mà không có sự chấp thuận của Liên Xô.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi quân Đồng minh phương Tây cố gắng lưu hành đồng tiền Deutsche mới ở Berlin. Liên Xô tẩy chay Hội đồng Kiểm soát Đồng minh và khi phương Tây không chịu khuất phục trước yêu cầu của họ, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã ra lệnh phong tỏa toàn bộ khu vực thủ đô Berlin.
Các khu vực kiểm soát của phương Tây tại thủ đô Berlin nằm lọt trong vùng kiểm soát của Liên Xô. Mọi con đường vào Tây Berlin bằng đường bộ, tàu hỏa và tàu thủy đều bị chặn lại, hi vọng còn lại là con đường hàng không.
Cầu hàng không Berlin phá vỡ phong tỏa
Người Mỹ, Anh và Pháp đã phản ứng bằng việc Không vận Berlin, một chiến dịch không quân kéo dài nhiều tháng để thả thực phẩm và nhiên liệu xuống Tây Berlin, cuối cùng điều này đã phá vỡ sự phong tỏa của Liên Xô vào năm 1949.
Cuối năm đó, Pháp chính thức sáp nhập phần lãnh thổ chiếm đóng của mình ở Đức với Bizonia, tạo ra Cộng hòa Liên bang Đức, hay còn gọi là Tây Đức. Vào tháng 10/1949, Liên Xô phản ứng bằng việc thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức, một quốc gia Cộng sản được gọi là Đông Đức.
Năm 1952, Đông Đức bắt đầu kiểm soát biên giới phía Tây để ngăn chặn các chuyến bay của các kỹ sư, nhà khoa học và bác sĩ đến Tây Đức. Tuy nhiên, biên giới trong thủ đô Berlin lại không được kiểm soát chặt chẽ.
Các chuyên gia phương Tây cho biết: “Trong tám năm, đã có kẽ hở, khi mà bất kỳ ai muốn chạy trốn khỏi Đông Đức đều có thể làm như vậy một cách dễ dàng. Tất cả những gì bạn phải làm là bắt một chuyến tàu điện ngầm ở Đông Berlin và ra ở Tây Berlin”.
Vào đêm ngày 12/8 đến ngày 13/8/1961, những người lính Đông Đức ở Berlin đã giăng hàng km dây thép gai mà sau này trở thành Bức tường Berlin, niêm phong biên giới với phần phía tây của thủ đô trong 28 năm tiếp theo.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/nuoc-duc-bi-chia-cat-ra-sao-hau-the-chien-2-ar767778.html