Nước giải khát có đường là hàng thiết yếu, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Có ý kiến đề nghị không bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Chiều 19-8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý hai dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Hà Phước Thắng, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP.HCM, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì hội thảo.

Cần đánh giá tác động

Theo tờ trình dự án Luật thuế TTĐB sửa đổi, mở rộng đối tượng chịu thuế gồm 11 nhóm hàng hóa: thuốc lá, rượu, bia, xe có động cơ dưới 24 chỗ, nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml….

Sáu nhóm dịch vụ gồm kinh doanh vũ trường, kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh golf, kinh doanh đặt cược….

Về thuế suất thuế TTĐB, dự án Luật gửi xin ý kiến theo hai phương án bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030 đối với thuốc lá điếu như sau.

Phương án 1: tăng 2.000 đồng/bao (năm 2026), 4.000 đồng/bao (năm 2027), 6.000 đồng/bao (năm 2028), 8.000 đồng/bao (năm 2029), 10.000 đồng/bao (năm 2030).

Phương án hai: tăng 5.000 đồng/bao (năm 2026), 6.000 đồng/bao (năm 2027), 7.000 đồng/bao(năm 2028), 8.000 đồng/bao(năm 2029), 10.000 đồng/bao(năm 2030).

Đối với mặt hàng bia và rượu từ 20 độ trở lên.

Phương án 1: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Phương án hai: Tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026-2030.

Đối với mặt hàng thuốc lá điếu, rượu bia Bộ Tài chính chọn phương án hai

Luật sư Trương Thị Hòa, đoàn LS TP.HCM cho biết, về thuế suất, dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, đưa ra hai phương án với các mức thuế suất đối với thuốc lá các loại (thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi thuốc lào hoặc các dạng khác) và rượu bia.

Nhìn chung có sự giống nhau là phương án hai có mức thuế suất cao hơn phương án 1.

Bên cạnh đó, theo tờ trình đánh giá tác động là mức thuế cao hơn sẽ tác động hiệu quả hơn. Đồng thời, việc áp dụng phương pháp tính thuế theo tỉ lệ đối với bia rượu là phù hợp cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế.

Do đó, thuế suất đối với thuốc lá, rượu, bia chúng tôi chọn phương án hai.

Đại diện Satra cho biết, tại tờ trình Bộ Tài chính gửi Chính phủ cho thấy, đối với mặt hàng rượu bia quy định thuế suất theo tỉ lệ phần trăm, tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế thế giới.

Tuy nhiên, phương án 2, từ năm 2026 thuế tăng 10%, không xét đến yếu tố lộ trình.

Về đánh giá tác động, Bộ Tài chính chưa đánh giá tác động đến các ngành nghề liên quan như các nhà hàng khi hiện nay sản lượng tiêu thụ thấp, nhiều nhà hàng đang trên bờ vực phá sản… Vì vậy, đề nghị cần đánh giá thêm các tác động đến ngành nghề liên quan.

Đối với rượu, bia Satra kiến nghị chọn phương án 1.

 Người dân mua nước giải khát có đường tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Người dân mua nước giải khát có đường tại siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN

Nước giải khát có đường không phải chịu thuế TTĐB

Luật sư Hòa đồng ý với việc mở rộng đối tượng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh golf, đặt cược vì phù hợp với thông lệ và xu hướng quốc tế của các nước Asean và Châu Á.

“Tuy nhiên, đề nghị không bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, cần thiết cho sức khỏe sau lao động, là hàng hóa thông dụng trong sinh hoạt của nhiều gia đình”- LS Hòa đề nghị.

Đại diện Satra cho biết, đối với nước giải khát có đường, tại tờ trình chưa có báo cáo đánh giá tác động, đề nghị bổ sung.

“Như có ý kiến đã chia sẻ, mặt hàng nước giải khát có đường là mặt hàng thiết yếu. Kiến nghị xem xét tính tới lộ trình áp thuế cho phù hợp thay vì đột ngột tăng thuế 10% từ năm 2026”- đại diện Satra nói.

Bà Võ Ngọc Điệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú du lịch- Sở Du lịch TP.HCM cho biết, nhóm hàng chịu thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với du lịch hoặc các dịch vụ khác tăng rất cao nên giá thành nhập vào cao hơn so các đơn vị kinh doanh bên ngoài. Đặc biệt là trong các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng.

Do đó, sự cạnh tranh trong các cơ sở thực hiện nghiêm túc đảm bảo các điều kiện theo quy định, không cao so với đơn vị kinh doanh bên ngoài khác. Ví dụ có khách hàng vào ở khách sạn 5 sao, khát nước nhưng họ không mua trong khách sạn mà mua từ bên ngoài.

Hầu hết các cơ sở lưu trú hạn chế khách hút thuốc lá. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia thuốc lá… Sở Du lịch mong cân nhắc có lộ trình tạo sự đồng thuận của các đơn vị.

"Ngược lại do quy định xử phạt đo nồng độ cồn thì một số cơ sở bên ngoài vắng khách nhưng trong các cơ sở lưu trú đông, du khách chấp chấp nhận giá cao so với đi bên ngoài bị phạt vi phạm nồng độ cồn. Theo thống kê của Sở Du lịch, dịch vụ lưu trú ăn uống có sử dụng các mặt hàng này có tăng hơn với thời gian trước"- bà Điệp nói.

Ông Thắng cho biết ghi nhận các ý kiến góp ý và tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi về cơ quan soạn thảo tham mưu là Bộ Tài chính, các đơn vị liên quan…

Thời gian tới mong các đại biểu tiếp tục, góp ý để hoàn thiện khi Luật vào cuộc sống tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quản lý nhà nước, hoạt động của DN và người dân.

Theo Luật sư Hòa, đối với ô tô dưới 24 chỗ thật sự không phải là xa xỉ phẩm. Người dân sắm xe để đi lại hay chạy xe công nghệ.

“Tôi nghĩ mục đích của việc sắm xe rất quan trọng. Ví dụ người dân mua sắm xe để làm phương tiện kiếm sống cho gia đình thì tính thuế thế nào”- Ls Hòa nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nuoc-giai-khat-co-duong-la-hang-hoa-thiet-yeu-khong-nen-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-post805997.html