Nước giàu sẽ hỗ trợ nước nghèo 300 tỷ USD/năm chống biến đổi khí hậu
Sau hàng giờ căng thẳng, COP29 đã đi đến thỏa thuận rằng các quốc gia giàu có sẽ cung cấp 300 tỷ USD mỗi năm đến 2035 cho các nước nghèo khó để chống biến đổi khí hậu.
Sáng sớm 24/11, sau hai tuần đàm phán hỗn loạn và căng thẳng, đại diện gần 200 quốc gia đã thông qua hiệp ước tài chính gây tranh cãi tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên lần thứ 29 (COP29) tại Baku, Azerbaijan.
Reuters cho biết trong ngày đàm phán kéo dài, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các quốc gia giàu có khác đã nhất trí nâng cam kết hỗ trợ tài chính từ 250 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035 để giúp các nước nghèo đối phó với biến đổi khí hậu.
Mỹ và EU muốn các nền kinh tế mới nổi giàu có như Trung Quốc, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, cùng tham gia. Tuy nhiên, dự thảo cuối cùng của thỏa thuận chỉ "khuyến khích" các nước đang phát triển như Trung Quốc, Arab Saudi đóng góp tự nguyện cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.
Các quốc gia giàu có cho hay việc mong đợi nhiều hơn từ nguồn tài trợ trực tiếp của chính phủ các nước là không thực tế về mặt chính trị. Thực tế, con số này đã tăng gấp 3 so với 100 tỷ USD mỗi năm theo thỏa thuận trước đó.
"Đây là hành trình rất khó khăn nhưng cuối cùng chúng ta cũng đã đạt được thỏa thuận. Mục tiêu tài chính này chính là một dạng chính sách bảo hiểm nhân đạo trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng đến mọi quốc gia", ông Simon Stiell, người đứng đầu Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu tuyên bố.
Một số đại biểu đã nhiệt liệt vỗ tay tại hội trường toàn thể COP29, tuy nhiên nhiều người khác chưa hài lòng và chỉ trích nước chủ nhà Azerbaijan vì đã vội vã thông qua kế hoạch gây tranh cãi này.
Nhiều quốc gia cho rằng con số 300 tỷ USD/năm quá thấp so với số tiền 1,3 nghìn tỷ USD mà các nhà kinh tế học ước tính là cần thiết để các nước đang phát triển đối phó với cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu.
Đại diện Ấn Độ Chandni Raina chỉ trích con số 300 tỷ USD chỉ như "muối bỏ bể", cho rằng thỏa thuận này chỉ là ảo vọng và sẽ không thể giúp giải quyết những thách thức khổng lồ mà thế giới đang phải đối mặt.
Bà Tina Stege, đại diện Quần đảo Marshall cũng bày tỏ: "Chúng ta rời hội nghị với số tiền quá nhỏ so với những gì mà các quốc gia bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu đang rất cần. Con số này không đủ, nhưng nó là một khởi đầu".
Đồng quan điểm, song Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia coi đây là nền tảng để tiếp tục xây dựng những kế hoạch hành động cụ thể. Ông đồng thời thúc giục các quốc gia tôn trọng đầy đủ và đúng hạn thỏa thuận này, nhằm đưa các cam kết nhanh chóng trở thành tiền mặt.
Theo Reuters, thỏa thuận này sẽ đặt nền tảng cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào năm tới, sẽ được tổ chức tại rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, nơi các quốc gia dự kiến vạch ra kế hoạch hành động vì khí hậu cho thập kỷ tiếp theo.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay đi thẳng vào trọng tâm của cuộc tranh luận về trách nhiệm tài chính của các nước công nghiệp phát triển, những nước có lịch sử sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra phần lớn lượng khí thải nhà kính, để bù đắp cho những nước khác bị thiệt hại ngày càng trầm trọng do biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP29 trước đó dự kiến kết thúc ngày 22/11, nhưng đã kéo dài thêm vì đại diện của gần 200 quốc gia không đạt được đồng thuận. Các cuộc đàm phán đã bị gián đoạn ngày 23/11 khi một số quốc gia đang phát triển và các quốc đảo thất vọng rời khỏi hội trường.