3 lời khuyên giúp phòng ngừa bệnh gan, thận trong dịp Tết

Mỗi dịp lễ Tết ngoài nguy cơ ngộ độc thực phẩm thì các bệnh gan, thận do thói quen sinh hoạt kém lành mạnh cũng phổ biến không kém.

Viêm gan, men gan tăng cao, gan nhiễm mỡ, viêm thận, suy thận,... những bệnh ảnh hưởng tới chức năng gan, thận có thể gặp do chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học mỗi dịp lễ Tết. Để phòng ngừa bệnh gan, thận thì bạn cần chú ý các điều sau:

1. Hạn chế uống rượu bia rất quan trọng để phòng bệnh gan, thận

Bia rượu là những thức uống rất phổ biến trong mỗi dịp lễ Tết. Tuy nhiên, uống rượu bia quá mức luôn được biết là nguyên nhân gây suy giảm chức năng gan, thận nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung, đi kèm cùng nhiều nguy cơ bệnh tật.

Uống nhiều rượu được định nghĩa là tình trạng một người uống rượu nhiều hơn 5 ngày trở lên trong 1 tháng. Xét về đơn vị cồn, theo Hướng dẫn của Bộ Y tế Canada năm 2023, uống 3 - 6 cốc bia hoặc 3 - 6 ly rượu mỗi tuần thì tác hại của uống nhiều bia rượu đã làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, tổn thương não và các vấn đề sức khỏe khác.

1.1. Bệnh gan và rượu bia

Với bệnh gan, theo NHS Hoa Kỳ, uống quá nhiều rượu trong thời gian dài hay nghiện rượu có thể khiến khả năng tự phục hồi và tái tạo của gan bị suy giảm. Điều này có thể dẫn tới tổn thương gan nghiêm trọng và vĩnh viễn. Theo Medical News Today, bệnh gan do rượu có thể kể đến như: Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, bệnh viêm gan do rượu, xơ gan, suy gan và ung thư gan.

Hạn chế uống rượu bia rất quan trọng để phòng bệnh gan, thận dịp lễ Tết (Ảnh: ST)

Hạn chế uống rượu bia rất quan trọng để phòng bệnh gan, thận dịp lễ Tết (Ảnh: ST)

Bệnh gan do rượu thường không có bất kỳ triệu chứng nào cho tới khi vào giai đoạn nặng, chẳng hạn như ốm yếu, mệt mỏi nghiêm trọng, giảm cân, chán ăn, vàng da hoặc vàng mắt, lú lẫn hoặc mê sảng (sảng rượu), nôn ra máu hoặc phân lẫn máu.

Bệnh gan do rượu có 3 giai đoạn chính, bao gồm:

+ Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu: Uống một lượng lớn rượu, ngay cả chỉ trong vài ngày Tết, cũng có thể dẫn đến tích tụ mỡ trong gan. Bệnh gan nhiễm mỡ hiếm khi gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng đây là dấu hiệu cảnh báo quan trọng cho thấy bạn đang uống rượu ở mức độ có hại. Bệnh gan nhiễm mỡ có thể hồi phục.

+ Viêm gan do rượu: Là một tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra do lạm dụng rượu trong thời gian dài hoặc đôi khi cũng có thể xảy ra khi chỉ uống rượu bia trong một thời gian ngắn. Tổn thương gan liên quan tới viêm gan do rượu mức độ nhẹ có thể tự hồi phục nếu bỏ rượu vĩnh viễn nhưng khi bệnh tiến triển nghiêm trọng sẽ đe dọa tới tính mạng.

+ Xơ gan: Xơ gan là giai đoạn nặng của bệnh gan do rượu, xảy ra khi mà sẹo gan đã hình thành đáng kể và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng gan. Bệnh không thể điều trị khỏi được nhưng việc ngừng uống rượu ngay lập tức có thể ngăn ngừa tổn thương thêm và kéo dài tiên lượng sống hơn.

1.2. Bệnh thận và rượu bia

Một trong những chức năng của thận chính là lọc các chất có hại từ máu, trong đó có cồn từ rượu bia. Uống rượu bia quá mức làm tăng gánh nặng cho thận, dẫn tới các thay đổi trong chức năng thận và giảm khả năng lọc máu của thận. Ngoài ra, uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ mất nước, gây mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể.

Hay nói cách khác, càng uống nhiều rượu bia thì thận lại càng phải "làm việc cật lực" hơn, về lâu dài chức năng thận suy giảm và tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn, thậm chí là suy thận cũng như các yếu tốt thúc đẩy bệnh thận chẳng hạn như huyết áp cao.

Uống rượu bia quá mức làm tăng gánh nặng cho thận (Ảnh: ST)

Uống rượu bia quá mức làm tăng gánh nặng cho thận (Ảnh: ST)

Theo Medical News Today, các dấu hiệu tổn thương thận do uống rượu bia quá mức bao gồm: Buồn nôn và nôn mửa, chán ăn, yếu đuối và mệt mỏi, các rối loạn giấc ngủ, kém tập trung, giảm lượng nước tiểu, thường xuyên bị co cơ và chuột rút, sưng nề bàn chân và mắt cá chân, ngứa mãn tính, đau ngực, hụt hơi, tăng huyết áp. Các dấu hiệu tiềm ẩn khác của bệnh thận mạn là thiếu máu, giảm canxi máu, tăng kali và phốt pho huyết, thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng và chậm phục hồi.

2. Hạn chế các món ăn nhiều muối, đường và chất béo

Sự đa dạng của ẩm thực dịp lễ Tết, cùng các món đặc trưng như dưa hành muối, thịt muối ngâm, các món chiên rán như nem rán,... nếu ăn quá mức sẽ thực sự trở thành "mối nguy hiểm đe dọa" cho chức năng gan, thận của cơ thể. Cụ thể:

- Muối: Nhiều muối có thể gây áp lực lên thận, dẫn đến tình trạng giữ nước và cao huyết áp. Thận phải làm việc cật lực hơn để lọc và bài tiết lượng muối dư thừa, có thể làm tăng lượng canxi bị mất qua nước tiểu, có thể gây ra sỏi thận. Điều này cũng có thể làm tăng lượng protein trong nước tiểu và trở thành yếu tố nguy cơ chính gây suy giảm chức năng thận qua thời gian. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối làm giảm khả năng chống oxy hóa của gan và có thể thúc đẩy tình trạng viêm và xơ hóa ở gan.

Ngày lễ Tết nên đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ nhóm chất (Ảnh: ST)

Ngày lễ Tết nên đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ nhóm chất (Ảnh: ST)

- Đường: Lượng đường cao, đặc biệt là fructose, có thể đóng góp vào tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu, dẫn đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh gan. Fructose được chuyển hóa trong gan và có thể gây ra sự tích tụ của chất béo, gây viêm và tổn thương gan.

- Thực phẩm chiên rán: Tiêu thụ nhiều chất béo, nhất là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa thường có trong các món chiên rán, có thể gây tăng cân và béo phì - những yếu tố nguy cơ đối với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Theo thời gian, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thể dẫn đến tình trạng viêm, từ đó có thể gây ra sẹo gan được gọi là xơ gan. Béo phì còn liên quan đến bệnh thận mạn do chế độ ăn nhiều chất béo có thể gây viêm, stress oxy hóa và tích tụ lipid ở mô thận ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng thận.

3. Uống đủ nước

Dù ngày Tết bận rộn đến mấy thì bạn cũng cần uống đủ nước mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp bảo vệ và duy trì hoạt động bình thường của gan thận mà còn giảm nguy cơ mất nước, tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể. Hãy cố gắng uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 1,5 đến 2 lít nước hoặc tùy theo nhu cầu của cơ thể và mức độ hoạt động.

- Với thận: Nước giúp thận lọc chất cặn và độc tố khỏi máu để tạo thành nước tiểu. Bổ sung đủ nước giúp thận hoạt động hiệu quả, ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận và giúp duy trì cân bằng chất lỏng và khoáng chất trong cơ thể.

- Với gan: Nước hỗ trợ chức năng gan trong việc loại bỏ chất độc và chuyển hóa chất béo. Luôn uống đủ nước có thể giúp gan loại bỏ chất độc hiệu quả hơn và thúc đẩy quá trình chuyển hóa lành mạnh.

Ngoài 3 điều cần chú ý để bảo vệ và duy trì chức năng gan thận trong dịp lễ Tết kể trên thì bạn cần có chế độ ăn uống đảm bảo cân đối các chất dinh dưỡng bao gồm chất xơ, chất đạm, chất béo lành mạnh; duy trì thói quen hoạt động thể chất khoảng 30 phút mỗi ngày và ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202501/3-loi-khuyen-giup-phong-ngua-benh-gan-than-trong-dip-tet-5680968/