Nước lọc cũng trở thành 'thần dược' cho sức khỏe và sắc đẹp nếu uống vào 9 thời điểm
Chúng ta thường được khuyên rằng uống nhiều nước có lợi cho sức khỏe. Nhưng uống vào thời điểm nào là tốt nhất thì không phải ai cũng biết.
Cheng Hanyu là một trong những chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng tại Đài Loan, Trung Quốc. Không chỉ bởi những thành tựu nổi bật trong chuyên môn mà bà còn rất thân thiện, hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội và có cộng đồng người theo dõi đông đảo. Gần đây, bà đã khiến rất nhiều người bất ngờ khi chia sẻ những sai lầm phổ biến khi uống nước ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trên fanpage Facebook của mình.
Theo bác sĩ Cheng, nước có vai trò vô cùng quan trọng nhưng không phải uống càng nhiều càng tốt. Thậm chí, thời điểm uống nước cũng quyết định đến hiệu quả của nó. Nếu biết tận dụng và uống vào 9 thời điểm sau, nước lọc cũng có thể trở thành “thần dược” với sức khỏe và sắc đẹp:
1. Bụng rỗng khi thức dậy buổi sáng
Uống 1 cốc nước lọc vào buổi sáng khi vừa thức dậy, bụng còn rỗng thậm chí còn được xem là một bí quyết trường thọ. Trên cơ sở khoa học, thói quen này cũng rất tốt cho cơ thể con người.
Ảnh minh họa
Bởi vì sau một đêm ngủ dài, cơ thể sẽ bị mất nước qua đường thở, tiểu tiện, mồ hôi nên rơi vào trạng thái thiếu nước. Lúc này, chúng ta cần bổ sung nước để đảm bảo hệ bài tiết và hệ tiêu hóa, trao đổi chất hoạt động trơn tru, tuần hoàn máu bình thường.
Uống nước vào buổi sáng khi vừa thức dậy còn giúp cơ thể tỉnh táo nhanh hơn, não bộ hoạt động tốt hơn, khởi đầu ngày mới tích cực hơn. Ngoài ra, nó còn giúp hỗ trợ giảm cân, đẹp da và tóc. Nhưng để có hiệu quả tốt nhất thì nên uống nước ấm khoảng 30 - 40 độ C và không uống quá 500ml.
2. Uống nước trước khi ăn
Uống nước trước bữa ăn có thể giúp bạn giảm cân, tốt cho tiêu hóa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người uống 500ml nước lọc khoảng 30 phút trước giờ ăn và suốt cả ngày trong 12 tuần đã giảm gần 5kg so với những người không uống.
Việc kiểm soát lượng thức ăn và cân nặng nhờ uống nước trước khi ăn có thể ngăn ngừa béo phì, nhiều bệnh tật khác do thừa cân.
3. Uống nước trước khi đi tắm
Theo bác sĩ Cheng, đây cũng là một trong 9 thời điểm vàng để việc uống nước. Thói quen này mang lại nhiều lợi ích như: giảm huyết áp, giúp các mạch máu giãn ra, cân bằng thân nhiệt, bổ sung lượng nước bị mất đi.
Thực tế khi tắm, cơ thể phải tốn nhiều năng lượng hơn trạng thái tĩnh để cân bằng thân nhiệt. Quá trình này sẽ làm mất nước và bạn sẽ phải bù vào để đủ.
4. Bất cứ khi nào đổ mồ hôi
Bất cứ việc gì khiến bạn đổ mồ hôi - phòng xông hơi khô hoặc bồn tắm nước nóng, thời gian ở ngoài trời vào một ngày nóng nực, oi bức - sẽ khiến cơ thể mất nước. Khi các cơ của bạn nóng lên, cơ thể bạn đổ mồ hôi để thải nhiệt. Bạn sẽ cần hạ nhiệt bằng nhiều nước để đảm bảo sức khỏe.
5. Sau khi ăn khoảng 1 giờ
Sau khi ăn, bổ sung nước đúng cách có thể giúp chúng ta tiêu hóa tốt hơn. Ngoài ra, độ nhớt của máu sau mỗi bữa ăn sẽ tăng lên rất cao. Vì vậy, hãy căn thời điểm 1 giờ sau khi ăn để uống 1 cốc nước vừa giúp ích cho đường ruột lại làm giảm độ nhớt của máu, rất có lợi cho sức khỏe.
6. Trong kỳ kinh nguyệt
Bạn có thể giảm bớt sự khó chịu và đầy hơi bằng cách uống nhiều nước trước kỳ kinh cũng như trong suốt kỳ kinh nguyệt. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của chuột rút hoặc đau đầu là mất nước.
Một nghiên cứu gần đây về những phụ nữ trẻ bị đau bụng kinh cho thấy uống nhiều nước hơn sẽ rút ngắn chu kỳ kinh nguyệt, giảm đau vùng xung quanh xương chậu và giảm đau nhiều bộ phận các trên cơ thể của họ. Uống nước nhiều hơn khi đang có kinh nguyệt cũng giúp phụ nữ thải độc, giảm cân và chống lão hóa tốt hơn. Đặc biệt là với nước ấm.
7. Khi mệt mỏi, đau nửa đầu hoặc bị ốm
Một trong những tác nhân gây đau nửa đầu là mất nước. Một số người cho rằng chỉ cần giảm nhẹ lượng nước nạp vào cơ thể cũng có thể gây ra cơn đau đầu dữ dội. Nó cũng có thể làm cho bạn cảm thấy mờ mắt và trong một số trường hợp thậm chí cần điều trị y tế.
Tương tự, khi bị bệnh mà ví dụ phổ biến như sốt hay cảm, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái mất nước, dẫn tới một loạt các triệu chứng mệt mỏi khác. Lúc này, một cơ thể đủ nước sẽ giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, virus gây bệnh, tăng cường miễn dịch tốt hơn.
8. Trước, trong và sau khi tập luyện thể dục thể thao
Nếu là người chơi thể thao, vận động mạnh thì bạn đã quá quen với việc uống nước trước và sau khi tập luyện. Việc uống nước vào những thời điểm này, sẽ giúp bổ sung nước để cơ thể không bị mệt mỏi. Ngoài ra còn giúp tăng hiệu quả giảm cân, đốt mỡ, bảo vệ da nếu tập luyện ngoài trời.
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Cheng, trước khi vận động hãy đổ đầy chai của bạn với 500ml đến 1 lít nước. Uống 100ml đến 200ml khoảng 10 -15 phút một lần khi bạn đang hoạt động. Sau đó, lại tiếp tục lịch trình nạp nước vào cơ thể như vậy.
9. Uống nước trước khi ngủ buổi tối
Khi ngủ thì hầu hết các cơ quan trong cơ thể của bạn sẽ được ở cơ chế nghỉ ngơi và thư giãn. Vậy nên, uống nước trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc hỗ trợ quá trình tái tạo các tế bào chết.
Đặc biệt, trong khi ngủ thì các mạch máu và trái tim của chúng ta vẫn sẽ phải hoạt động. Uống nước sẽ giúp quá trình này diễn ra suôn sẻ hơn, ngủ ngon hơn. Dù ngủ nhưng chúng ta vẫn bị mất nước qua đường thở, mồ hôi, nhiều khi là đi tiểu giữa chừng nên việc uống nước trước khi ngủ là cần thiết để sáng tỉnh dậy cơ thể không thiếu nước, khó tỉnh táo hay mệt mỏi.
Tuy nhiên, chỉ nên uống nước trước khi đi ngủ 20 phút tới 1 giờ, không đi ngủ ngay sau khi uống nước. Cũng chỉ uống tối đa 300ml nước và nên ưu tiên nước ấm 30 - 45 độ C.
Bác sĩ Cheng cũng nhắc nhở thêm rằng, tốc độ uống nước ở bất cứ thời điểm nào cũng nên từ tốn từng ngụm nhỏ. Không uống quá nhiều một lần mà chia nhỏ ra để uống rải rác trong ngày. Về việc một người nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày, bà gợi ý lấy cân nặng (kg) x 30ml để tính lượng nước cần thiết. Còn với người đang giảm cân, vận động nhiều thì hãy lấy cân nặng (kg) x 40ml.
Nguồn: Topick, ETtoday, Health People