Nước lũ, sạt lở đá chia cắt nhiều xã miền núi Nghệ An
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trong hai ngày 19 và 20/9, trên địa bàn Nghệ An có mưa to, nước lũ dâng cao khiến nhiều cầu tràn tại các xã miền núi bị ngập.
Nước lũ dâng cao khiến nhiều địa phương bị ngập
Chiều 20/9, ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, hiện cầu tràn qua sông Giăng vào xóm Sướn, xã Thanh Đức đang bị ngập sâu, nước lũ chảy xiết.
"Chính quyền đã cắt cử lực lượng chốt chặn, làm barie chắn hai đầu cầu, đồng thời, thông báo rộng rãi cho người dân không được đi qua cầu tràn vào thời điểm này", ông Vĩnh nói.
Tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, mưa không ngớt từ đêm qua đến nay, vì vậy nước ở các khe, suối lên nhanh và dâng cao.
Cụ thể, tại các điểm cầu tràn và cầu thấp đã có nước tràn qua, gồm: Cầu trước cổng Đồn Biên phòng Ngọc Lâm (đường vào sản xuất, thác mưa), Cầu thấp tại bản Tân Lâm (bản Kim Liên cũ), cầu thấp tại bản Mà (đường rẽ đi xã Thanh Sơn), cầu tại ngã 3 cổng chào, cầu Khe Sú, 2 cầu tràn phía ngoài bản Tân Tiến, cầu Nhạn Mai (Tân Ngọc).
Vì vậy, sáng nay, chính quyền xã đã tổ chức họp khẩn và thành lập 7 tổ công tác phối hợp với các lực lượng trực tiếp ứng trực, chốt chặn các cầu thấp, cầu tràn có nước chảy ngập, sẵn sàng hỗ trợ người dân trong mọi tình huống xấu;
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng thông tin rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình mưa bão; Cho học sinh nghỉ học sau khi kết thúc buổi học sáng nay, bố trí lực lượng đưa đón các cháu về nhà an toàn; Tuyên truyền mọi người dân không chủ quan, không vớt củi, xúc cá ven khe suối.
Tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, một số tuyến đường thấp trũng cũng đã có ngập cục bộ, cụ thể là khu vực các khu dân cư: Khe Trổ, khe Mọ, khe Gió, khe Lau. Mặc dù đường chưa ngập sâu nhưng nước chảy xiết, nếu người và phương tiện đi lại không cẩn thận rất dễ xảy ra tai nạn.
Hiện chính quyền xã cũng đã khuyến cáo, nhắc nhở người dân hạn chế đi lại những khu vực trên. Đồng thời, cắt cử lực lượng túc trực những điểm ngập úng đề phòng sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện Thanh Chương đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra sự cố trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó và tổng hợp thiệt hại, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; thường xuyên cập nhật thông tin để ứng phó với tình hình.
Mưa to khiến nhiều nơi bị sạt lở
Mưa lớn sau bão số 4 khiến nhiều huyện miền núi ở Nghệ An xuất hiện các điểm sạt lở, đá lăn, gây ách tắc giao thông và nguy hiểm cho người dân.
Tại huyện Con Cuông, khoảng 19h30 ngày 19/9, tuyến đường từ bản Chôm Lôm đi bản Yên Hòa, xã Lạng Khê bị sạt lở. Nhiều tảng đá từ trên lèn rơi xuống làm giao thông đi lại gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ cho người và phương tiện trên đường.
Trước sự việc trên, UBND xã Lạng Khê đã thông báo cho người dân trên địa bàn không lưu thông trên tuyến đường này; đồng thời bố trí lực lượng canh gác, cấm người và phương tiện qua lại đề phòng rủi ro. UBND xã Lạng Khê đã báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý, khắc phục.
Trong sáng 20/9, Đồn Biên phòng Châu Khê đã phối hợp với địa phương di dời khẩn cấp 2 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất là ông Hoàng Văn Sơn và Kha Văn Cảnh, ở bản Bủng Xát, xã Châu Khê, huyện Con Cuông.
Hiện móng nhà của 2 hộ gia đình này đã sạt lở đến chân cột nhà, gây nguy hiểm cho các thành viên trong gia đình. Lực lượng của đơn vị đã phối hợp di dời tài sản, đồ dùng sinh hoạt của các hộ đến nơi an toàn.
Tại huyện Kỳ Sơn, do ảnh hưởng của bão số 4, trên địa bàn đã có mưa lớn, gây sạt lở nghiêm trọng tại bản Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu.
Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết điểm sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến 2 hộ dân, trong đó 1 hộ phải di dời ngay lập tức. Lực lượng chức năng đã hỗ trợ tháo dỡ nhà cửa và di dời hộ dân này đến nơi an toàn.