Nước mặn lấn vào vùng nuôi cá tra
Với độ mặn ghi nhận ở vùng ven sông Tiền trong thời gian cao điểm vừa qua dao động từ 4 - 8 g/l, không ít diện tích nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu tác động.Thu hoạch sớm, chậm thả giống đợt mới, điều chỉnh kế hoạch nuôi là những giải pháp đã và đang được các doanh nghiệp, hộ nuôi cá tra gấp rút thực hiện.
ÍT NHIỀU ẢNH HƯỞNG
Do tác động của nhiều yếu tố, những năm gần đây việc nuôi cá tra công nghiệp phục vụ chế biến xuất khẩu chỉ tập trung phần nhiều vào các doanh nghiệp có nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Doanh nghiệp tự đầu tư, xây dựng vùng nuôi với quy mô lên đến hàng trăm ha để chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
Đề cập đến tác động của tình hình nước mặn năm nay đối với vùng nguyên liệu do công ty đang đầu tư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho) cho biết, mặn gay gắt đã và đang diễn ra ảnh hưởng khá lớn đến ngành nuôi cá tra công nghiệp của công ty nói riêng và ngành Thủy sản nói chung. Do độ mặn cao dẫn đến tình trạng cá chậm lớn, nếu độ mặn quá cao cá sẽ bị chết. “Để hạn chế rủi ro tới đây công ty buộc phải điều chỉnh mùa vụ để né hạn, mặn trong những năm tới nhằm giảm bớt thiệt hại do mặn gây ra”- ông Đạo nhấn mạnh.
Khảo sát thực tế vùng nuôi cá tra công nghiệp mới thấy, trên các ao nuôi cá nhiễm nước mặn đã xuất hiện tình trạng cá có dấu hiệu chết rải rác. Để giảm bớt thiệt hại, người nuôi cá phải tranh thủ bán dù chưa đến lứa thu hoạch và giá bán không được cao.
Ông N.V.H. (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) cho biết, ông mới vừa thu hoạch ao nuôi cá tra hơn 1 ha, sản lượng đạt gần 300 tấn khi trọng lượng đàn cá chỉ mới đạt hơn 1 kg/con thay vì đạt từ 1,3 - 1,5 kg/con do sợ nước mặn ảnh hưởng đến ao cá. “Nếu giá thấp chúng tôi còn có thể neo một thời gian để chờ giá, còn nước mặn thì không dám giữ thêm”- ông H. cho biết.
Tiền Giang là một trong những tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về nuôi cá tra công nghiệp nhờ nằm ven sông Tiền. Tình hình nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm gần đây không có nhiều biến động.
Thống kê gần đây cho thấy, trên địa bàn tỉnh có hơn 120 ha mặt nước nuôi, với sản lượng thu hoạch bình quân khoảng 40.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt hơn 310 tấn/ha. Diện tích nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Chợ Gạo. Theo Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra, đến năm 2020 toàn tỉnh có khoảng 180 ha nuôi cá tra công nghiệp, với sản lượng thu hoạch khoảng 67.000 tấn…
KHÓ TÌM HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Hiện chưa có con số thống kê chính xác những thiệt hại do nước mặn ảnh hưởng đến tình hình nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn Tiền Giang. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, nếu độ mặn trên sông Tiền tiếp tục tăng cao và kéo dài dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn Tiền Giang nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Trên thực tế, hiện nay có 2 nguồn cung ứng cá tra nguyên liệu là doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi riêng và người dân tự nuôi, nhưng phần nhiều là do doanh nghiệp tự xây dựng vùng nuôi. Trước tình hình hạn, mặn tác động vào vùng nuôi, việc thay đổi kế hoạch thả giống sẽ dẫn đến hệ lụy là nguồn cung cá nguyên liệu chế biến xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường hiện cũng đang rất lớn. Đó là câu chuyện đang gây “đau đầu” cho các doanh nghiệp.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202003/nuoc-man-lan-vao-vung-nuoi-ca-tra-894199/