Nước mắt chiều nghĩa trang

Kể từ năm 1947 đến nay, cứ mỗi độ tháng Bảy về, khi những hàng hoa bằng lăng tím ngắt khoe sắc cùng những chùm hoa đại trắng muốt, tinh khôi nơi nghĩa trang là người Việt Nam chúng ta từ già đến trẻ lại nao nao nghĩ về những người con trung hiếu đã hiến dâng cuộc đời mình cho non sông, đất nước.

Các anh nằm lại đâu đó trong rừng sâu, núi thẳm, trong lòng biển khơi hay trong các nghĩa trang liệt sĩ quanh năm hương khói… Cùng với đó còn biết bao người đã để lại một phần máu thịt của mình trong lòng đất, mỗi khi trái gió, trở trời vết thương thịt da lại cựa quậy, đớn đau và chúng ta thêm một lần tỏ lòng thành kính, tri ân.

Là người may mắn được sải những bước chân theo rộng dài đất nước và được đến thắp những nén tâm nhang ở nhiều nghĩa trang, mỗi nơi đến để lại một dấu ấn riêng, một nỗi niềm riêng, nhưng xúc động sâu xa hơn cả vẫn là những hàng bia mộ trắng toát không họ, không tên, nhìn đến là nước mắt cứ lăn dài, bởi đây là ngàn lần của sự thiệt thòi, ngàn lần đớn đau! Càng nghĩ, xúc động càng trào dâng, bởi dưới những hàng bia mộ kia là xương máu, là thịt da của những người con trung dũng, là dòng sữa mẹ sẻ chia để nuôi lớn dần lên làm vững trãi kỳ đài đất nước. Dưới những hàng bia mộ có tên và chưa có tên ấy, có không ít người chưa từng biết đến sự nồng nàn của nụ hôn đầu đời, chưa từng nắm trong tay một lần bàn tay thôn nữ dưới khóm trúc, khóm mai đầu làng hoặc cây gạo đầu ngõ… và còn biết bao ước mơ còn nằm trong ngực, trong tim. Cũng có biết bao người cha chưa hề biết mặt con, biết bao người chỉ khát khao sau khi chiến thắng trở về được bưng một bát cháo mời mẹ, một chén rượu mời cha để tỏ lòng hiếu nghĩa với bậc sinh thành và rộng xa hơn nữa là làm một việc nghĩa dù nhỏ mà có ích cho đời để tạ ơn bà con lối xóm đã cưu mang, giúp đỡ cha mẹ, vợ con mình trong những năm dài đánh Mỹ.

Những ngày tháng Bảy đi vào nghĩa trang, dẫu gặp lúc nắng lửa chói chang hay lúc cơn mưa bóng mây ào tới, trong ta đều miên man với bao dòng suy nghĩ. Vì vào nghĩa trang là vào nơi linh thiêng nhất, nơi khiến bước chân ta chầm chậm, nhẹ nhàng, nơi cho ta một tâm hồn thanh bạch, một ý nghĩ sáng trong về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” để đền ơn đáp nghĩa nhiều hơn, tốt hơn. Còn xúc động nào bằng khi đang đi giữa nghĩa trang, gặp những người cha, người mẹ đầu đã bạc, răng đã long lại ngồi khóc trước mộ con mình thì có bút nào tả hết được nỗi nhớ thương khôn xiết này - một nỗi nhớ thương trong hàng lệ xót xa có cả tự hào. Trong phút xúc động xen lẫn tự hào ấy có những người không nói nổi thành lời mà ý vẫn toát ra trong khóe mắt, trong tâm tưởng, mong sao sống cho trọn vẹn hơn, làm được nhiều việc nghĩa hơn để xứng đáng với người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ.

Thân nhân dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh Hồng Xiêm

Thân nhân dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh Hồng Xiêm

Trước hương hồn các anh, giữa hàng ngàn, hàng vạn bia mộ của những người con “gan vàng, dạ ngọc” của đất nước mà lắng nghe những người vợ, những bà mẹ nói về tiếng lòng xót xa của mình thì thật cảm động vô cùng, xin ngàn lần cảm ơn những người mẹ, người chị, người vợ - những bà mẹ Việt Nam anh hùng! Trong kháng chiến cứu nước, các mẹ, các chị lặng lẽ tiễn chồng, con mình lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi biết chồng, con mình nằm xuống để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do, các mẹ, các chị lại âm thầm nuôi con, chung thủy trọn đời, chính sự hy sinh cao cả, vô bờ bến này xứng đáng mãi mãi được trân trọng, mãi mãi được vinh danh.

Là người lính từ máu lửa của chiến trường Tây Nguyên trở về, rồi rẽ ngang sang nghiệp làm báo, tôi từng gặp rất nhiều người lính trở lại các chiến trường B, C, K… mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng mỗi khi nhắc đến những ngày khói lửa giữ vững trận địa hoặc gồng mình vượt qua những cơn sốt rét rừng khắc nghiệt, nhất là khi nói về 81 ngày đêm kiên gan trấn giữ thành cổ Quảng Trị, mắt họ lại ánh lên niềm tự hào, ánh lên vẻ can trường của những người lính Cụ Hồ từng hiên ngang đối mặt với mưa bom, bão đạn, coi cái chết tựa như lông hồng, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Dũng mãnh là vậy, ngoan cường là vậy nhưng khi điểm lại những đồng đội ai còn, ai mất là mắt các anh lại ngấn lệ và lăn dài trên má, có anh nấc lên khi nhắc đến người đồng chí thân yêu của mình đang thẳng hướng Sài Gòn mà tiến thì bỗng khựng lại và vĩnh viễn đi vào đất mẹ. Để rồi sau đó các anh đã nhiều lần cất công vào tận các nghĩa trang ở vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà vẫn chưa tìm thấy phần mộ ở đâu. Khắc khoải khôn nguôi về người đồng đội thân yêu của mình, cứ tháng Bảy về các anh lại quân phục chỉnh tề cùng bao người khác đi vào nghĩa trang quê nhà thắp nén hương thơm và lặng lẽ đặt những bông hoa đại lên một ngôi mộ không tên, những mong qua làn hương mỏng, cầu chúc cho bạn mình trọn giấc ngàn thu.

Một chiều tháng Bảy từ nghĩa trang quê nhà, trong trầm mặc mà đầy ấm áp của nơi linh thiêng nhất, chúng ta lại kính cẩn nghiêng mình tạ ơn các anh, cầu nguyện cho các anh mãi mãi thanh thản trong lòng đất mẹ thân yêu để mỗi dòng tên trên mộ chí các anh mãi mãi là tấm gương soi cho mỗi người hôm nay và cả mai sau.

Chu Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nuoc-mat-chieu-nghia-trang-3170726.html