Nước mắt huyền thoại tình báo Tư Cang
Giọt nước mắt trên khán đài, không chỉ là người đàn ông khóc, mà là một phần linh hồn của lịch sử bật khóc trong hình hài một ông già bình dị - ông Tư Cang.
Giọt nước mắt trên khán đài
TP.HCM, tháng Tư năm 2025 - tròn 50 năm đất nước thống nhất. Cờ đỏ sao vàng phủ rợp khắp các con đường. Phố xá rộn ràng trong ngày hội lớn. Từ khắp nơi, dòng người đổ về trung tâm thành phố, háo hức, rạng ngời.
Từ khán đài trung tâm lễ diễu binh, hàng vạn bước chân dồn dập, đồng điệu, hùng tráng của các khối diễu binh lần lượt tiến qua. Quốc kỳ, hồng kỳ tung bay. Người dân đứng kín các tuyến đường, reo hò, vẫy cờ, chụp ảnh, cười, và cả… khóc.

Khán đài chính Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Giữa biển người ấy, ống kính “nhà đài” bắt gặp ông - Huyền thoại tình báo Tư Cang ngồi trên khán đài, trong bộ quân phục sẫm màu, ngực lấp lánh huân chương. Ánh mắt ông bình lặng và sâu hút, như mang theo cả một chặng đường lịch sử.
Và rồi, nước mắt ông rơi - rất nhẹ, run rẩy. Ông nắm tay lại, mắt không rời đoàn diễu binh.
Giọt nước mắt đầy cảm xúc của ông khiến nhiều người không khỏi bồi hồi. Dường như trong khoảnh khắc ấy, ký ức một thời máu lửa cùng đồng đội, với những hy sinh thầm lặng nơi chiến trường hiện về.
Ông, người từng là Cụm trưởng Cụm tình báo H.63 - phụ trách mạng lưới giao liên, tổ chức đưa đón cán bộ nội thành, bảo vệ tuyệt mật cho các sĩ quan đầu não. Ông cũng là người chỉ đạo và bảo vệ vỏ bọc cho một trong những điệp viên vĩ đại nhất lịch sử tình báo Việt Nam - Phạm Xuân Ẩn - với vỏ bọc nhà báo cắm sâu vào nội bộ chính quyền Việt Nam Cộng hòa.


Huyền thoại tình báo Tư Cang rơi nước mắt trên khán đài.
Ông cũng chính là người cứu nhà tình báo huyền thoại Trần Quốc Hương - Bí danh Mười Hương ra khỏi ngục tù của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963.
Ngày đó, lý lịch ông trong hồ sơ mật của địch chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Phó Chính ủy tình báo Miền, người trắng, cao, bắn súng hai tay, thích văn nghệ. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: Chưa xác định”.
Chiến tranh kết thúc, ông trở về, lặng lẽ vui vầy bên mấy chú chó, con chim, cây mai chiếu thủy…
Khóc cho đồng đội đã hy sinh
Gặp ông tại nhà riêng sau buổi lễ, nhắc tới giọt nước mắt trên khán đài, ông nhìn tôi thật lâu rồi nói: “Nhìn cờ bay, nhìn bộ đội đi qua, ông hạnh phúc. Nhưng, ông cũng nhớ mấy thằng lính của ông quá! Chúng chết trong chiến trận hết rồi!”.
Rồi ông kể, giọng chậm rãi, như thể từng lời được đào lên từ ký ức chôn sâu: “Thật tình mà nói, không có những đồng đội trung kiên, ông đã chết không biết bao lần rồi”.

Đại tá Tư Cang - huyền thoại tình báo Việt Nam.
Thời điểm Tết Mậu Thân 1968, Trung đội trưởng Tư Lâm được cử xuống hỗ trợ ông Tư Cang. Trong chuyến đi xuống Hóc Môn, Tư Lâm bị bắt. Cô giao liên thông báo cho ông Tư Cang rồi khuyên lãnh đạo nên di chuyển.
Ông rất buồn, ngồi suy nghĩ, rồi nói với người giao liên: “Thôi em cứ di chuyển đi, để giữ đường dây đã thiết lập rồi, còn anh tin Tư Lâm không bao giờ dẫn giặc về bắt thủ trưởng đâu. Đi hoạt động từ năm 1962 tới giờ, anh biết tính nết. Nó thà chịu chết chứ không khai đâu”.
Và ông đã nói đúng. Nhưng, người đồng đội ấy cũng mãi mãi không trở về. Sa vào tay giặc, Tư Lâm bị đầy ra nhà tù Phú Quốc, rồi tham gia đấu tranh trong tù, bị giặc đánh chết, bỏ xác xuống biển.
Trong chuyến đi khác, đoàn công tác bị lộ, một cán bộ người xã Phú Hòa Đông nhảy lên miệng hầm bắn địch, thu hút chú ý, giúp mọi người mang tài liệu chạy thoát. Anh bị giặc bắt, tống giam vào ngục, tới năm 1973 mới được trao trả cho quân ta.
Hòa bình lập lại, người cựu chiến binh trở về, tham gia công tác địa phương, nhưng cũng sớm qua đời bởi những di chứng từ đòn tra tấn dã man của địch.
Ông day trán, ngồi lặng, rồi kể tiếp:
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tối Mùng 1 Tết, các chiến sĩ biệt động thành tấn công vào Dinh Độc Lập, nhưng bị địch đẩy lui. Anh em phòng ngự trong tòa nhà đang xây dở tại đường Nguyễn Du và đường Thủ Khoa Huân tại khu vực chợ Bến Thành. Lúc đó, ông đang ở trong nhà điệp viên Nguyễn Thị Mỹ Nhung (tức Tám Thảo), thành viên của cụm tình báo H.63, tại trung tâm thành phố.
Thấy đồng đội bị vây hãm, súng gần hết đạn, ông quyết định bắn chi viện đánh lạc hướng kẻ thù, nhằm tạo thời cơ cho đồng đội rút lui.
Hai phát đạn của ông tiêu diệt ngay hai chỉ huy của quân địch, khiến bọn giặc rối loạn. Nhân lúc đó, anh em biệt động tìm cách thoát đi.
Giặc xem hướng đạn, phát hiện vị trí súng nổ nên kéo tới lục soát nhà cô Tám Thảo. Ông Tư Cang đứng núp sau mấy tấm mành vải của gia đình, súng sẵn trong tay. Với sự nhanh trí của đồng đội, ông thoát trong gang tấc…
Tối hôm đó, truyền hình phát lại hình ảnh ông rơi nước mắt trên khán đài. Ai cũng xúc động. Ai cũng thấy trong ông là một phần ký ức thiêng liêng.
Giọt nước mắt trên khán đài, không chỉ là một người đàn ông khóc, mà là một phần linh hồn của lịch sử bật khóc - trong hình hài một ông già bình dị - ông Tư Cang.
Có người nói, cuộc đời ông không thể dựng thành phim, bởi nó vượt xa mọi kịch bản điện ảnh. Quá ngoạn mục, quá phi lý, quá đau thương và quá kiêu hùng.
Ông Tư Cang (tên thật là Nguyễn Văn Tàu) sinh năm 1928 tại Vũng Tàu. Năm 1945, khi mới 17 tuổi, ông gia nhập phong trào Thanh niên Tiền phong, bắt đầu hành trình dấn thân vì độc lập dân tộc.
Từ năm 1947 đến năm 1954, trong vai trò chiến sĩ quân báo của Việt Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ông khai thác nhiều thông tin tình báo, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm trung đội trưởng trinh sát, kiêm chính trị viên đại đội đặc công thuộc Sư đoàn 338.
Năm 1961, ông trở lại chiến trường miền Nam. Tháng 5 năm 1962, ông trở thành chỉ huy cụm tình báo H.63 cho đến khi đất nước thống nhất. Cụm tình báo H.63 hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Năm 2005, ông Tư Cang được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nuoc-mat-huyen-thoai-tinh-bao-tu-cang-ar953915.html