Nước Mỹ thời Joe Biden (7): Mạnh tay ngăn tham vọng chủ quyền ở Biển Đông
Một trong những 'điểm đồng thuận' hiếm hoi với chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, người được truyền thông Mỹ 'xướng tên' là Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn về các vấn đề an ninh, Biển Đông nhằm bảo vệ những lợi ích cốt lõi của nước Mỹ về một vùng biển chiến lược ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không.
Kế thừa và tiếp nối chính sách về Biển Đông
Chiến dịch tranh cử chạy đua khốc liệt vào Nhà trắng trong cuộc bầu cử năm 2020 đã cho thấy sự khác biệt lớn, thậm chí đảo ngược quan điểm hay chính sách trong nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, hai ứng cử viên này cũng chia sẻ quan điểm, tầm nhìn trong một số vấn đề liên quan tới an ninh cũng như lợi ích của nước Mỹ trên toàn cầu, trong đó có vấn đề liên quan tới hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.
Tổng thống Donald Trump ngay sau khi nắm quyền gần 4 năm trước đã thực thi ngay chính sách được cho là cứng rắn với Trung Quốc, trước hết là về thương mại để dẫn tới cuộc chiến thương mại gay gắt chưa từng thấy giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, và tiếp đó là các lĩnh vực về an ninh, cạnh tranh lợi ích và ảnh hưởng trên toàn cầu. Thực ra, chính sách cứng rắn với Bắc Kinh đã được các chính quyền tiền nhiệm triển khai trong bối cảnh Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ dần trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu lớn nhất của Mỹ.
Trong quá trình trỗi dậy thành cường quốc hàng đầu thế giới, Trung Quốc xem Biển Đông như là “bàn đạp”, “đột phá khẩu” để vươn mình ra toàn cầu. Chính vì thế, Trung Quốc không tiếc tiền của, bất chấp luật pháp quốc tế để tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông, biến nhiều đảo và thực thể chiếm đóng trái phép thành các căn cứ quân sự quy mô lớn nhằm trước hết khống chế, biến vùng biển chiến lược này thành “ao nhà” để rồi lấy đây là “bàn đạp” vươn ra cạnh tranh lợi ích và ảnh hưởng trên toàn cầu với những cường quốc hàng đầu thế giới, trước hết là Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thực hiện chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc, bảo vệ lợi ích cũng như ảnh hưởng chiến lược tại vùng biển mà Washington đã tuyên bố “Mỹ là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và có lợi ích cốt lõi”. Tổng thống Donald Trump với chủ trương “Nước Mỹ trên hết” ngay khi lên cầm quyền đã không chỉ tiếp nối mà còn đẩy lên cường độ mạnh hơn, gay gắt hơn áp lực nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Trên Biển Đông, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) vốn bắt đầu từ năm 2012 dưới chính quyền Barack Obama được tiếp nối trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump với tần suất và cường độ cao hơn nhiều. Hải quân Mỹ thậm chí có thời điểm triển khai tới 3 biên đội tác chiến tàu sân bay hoạt động ở Biển Đông, một động thái thể hiện thông điệp cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump để vừa đảm bảo tự do hàng hải và hàng không vừa bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại vùng biển này.
Lập trường mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông được thấy rất rõ qua tuyên bố hồi tháng 7-2020 của Ngoại trưởng Mike Pompeo. Trong tuyên bố thể hiện lập trường chính thức đầu tiên của Mỹ trong vấn đề Biển Đông, Washington đã khẳng định, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp.
Cứng rắn để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc
Đã có những câu hỏi cùng băn khoăn về chính sách của ông Joe Biden đối với vấn đề Biển Đông, nhất là khi ông tuyên bố thay đổi nhiều chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng như có ý kiến cho rằng ứng cử viên đảng Dân chủ này sẽ có cách tiếp cận “dân sự hơn” và “hướng tới đồng thuận” đối với các mối quan hệ quốc tế. Thế nhưng, qua những gì mà ông Joe Biden đã tuyên bố và cam kết trong quá trình tranh cử, giới quan sát cùng chung nhận định rằng, lập trường của Mỹ về Biển Đông không thay đổi, tiếp tục cứng răn hơn dưới thời người mà truyền thông Mỹ đã “xướng tên” là Tổng thống đắc cử.
Trong một chuyến thăm Australia vào năm 2016, ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ đã cam kết rằng, Washington sẽ “đảm bảo các tuyến đường biển được an toàn và bầu trời rộng mở” và rằng “Tôi đảm bảo với bạn rằng Mỹ sẽ không đi đâu cả. Mỹ sẽ luôn có mặt ở Thái Bình Dương”. Giới phân tích nhận định, lập trường của ông Joe Biden với Trung Quốc sẽ có nhiều điểm tương đồng với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Joe Biden đã có nhiều chỉ trích đối với Trung Quốc, tuyên bố không công nhận bất kỳ Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nào do Trung Quốc thiết lập trái phép ở Biển Đông. Ông cam kết kết sẽ tiếp tục cho “máy bay ném bom B-1 bay qua đó” và buộc Bắc Kinh phải “tuân thủ luật chơi quốc tế”.
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Joe Biden luôn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường các liên minh với Mỹ nhằm khôi phục vị thế lãnh đạo của quốc gia này. Đối với vấn đề Biển Đông, điều này có nghĩa Mỹ sẽ hợp tác nhiều hơn với các quốc gia Đông Nam Á.
Giới phân tích nhìn nhận, ông Joe Biden sẽ đưa ra một phiên bản cập nhật và cứng rắn hơn chính sách “tái cân bằng” và “xoay trục” về châu Á-Thái Bình Dương dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obamatheo đó là coi trọng các lợi ích khu vực hơn. Chính sách của Mỹ dưới thời ông Joe Biden được đánh giá sẽ được xây dựng chặt chẽ hơn với thông điệp đáng tin cậy hơn đối với Đông Nam Á.
Giới chuyên gia quân sự cũng cho rằng Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục chính sách tiến hành các hoạt động FONOPS ở Biển Đông. Hải quân Mỹ thực hiện các chiến dịch FONOPS ở Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, đồng thời đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển chiến lược này.
Trong bài phân tích mang tựa đề “Biển Đông và Tổng thống sắp tới của nước Mỹ”, đăng ngày 20-10-2020 trên trang mạng Policy Forum “Diễn đàn Chính sách” của Hội Chính Sách châu Á-Thái Bình Dương tại Australia, chuyên gia Aristyo Rizka Darmawan nhìn nhận rằng, bất kể là ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ, chính sách Biển Đông của Washington sẽ không có thay đổi lớn, vẫn tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc. Cứng rắn để ngăn chặn tham vọng chủ quyền ngày càng lớn, cứng rắn để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, là chiến lược xuyên suốt của Washington.