Năm 2003, tổng thống George W. Bush lập chương trình giúp cứu hàng nghìn bệnh nhân AIDS châu Phi, nhưng sự hào hiệp đó giờ đây không còn dưới thời Tổng thống Trump.
Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống Bush khi đó cung cấp tới 90 tỷ USD nhằm cứu trợ bệnh nhân AIDS, được coi là nỗ lực lớn nhất của một quốc gia trong việc chống lại dịch bệnh thế kỷ.
Trong khủng hoảng kinh tế năm 2008 và dịch Ebola năm 2014, Mỹ tiếp tục đảm nhiệm vai trò điều phối phản ứng toàn cầu. Những động thái khi đó của Mỹ vẫn được cả đồng minh và đối thủ biết ơn.
Tuy nhiên, với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Donald Trump sau đó rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nghi ngờ vai trò của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời thể hiện sự khó chịu với những tổ chức đa phương mà Mỹ đã xây dựng và lãnh đạo từ sau Thế chiến II.
"Sự hạn chế trợ giúp thế giới của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump là điều chưa từng thấy. Họ thường luôn chú trọng lợi ích cá nhân, nhưng cũng rất hào phóng", Jan Techau, chuyên gia cấp cao tại Quỹ German Marshall ở Berlin, Đức, nhận xét.
Theo ông Techau, việc Tổng thống Trump cố đổ lỗi cho Trung Quốc và châu Âu về Covid-19 "đồng nghĩa nước Mỹ không còn phụng sự hành tinh này, đây là tin xấu cho thế giới'.
Trong giai đoạn đầu của Covid-19, Mỹ cung cấp viện trợ cho Trung Quốc cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng.
Nhưng nhìn chung, Washington đã "quay lưng", thậm chí với cả những đồng minh thân cận nhất để tự bảo vệ mình, theo bình luận viên Steven Erlanger của NY Times.
Hôm 11-3, Tổng thống Trump ban lệnh cấm nhập cảnh từ 26 nước châu Âu đến Mỹ, sau đó mở rộng thêm cả Anh và Ireland, nhưng không trao đổi hay thông báo trước cho họ.
Mỹ là chủ tịch nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) năm nay, nhưng người đề xuất hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 thông qua video là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tổng thống Trump đồng ý, nhưng người chịu trách nhiệm tổ chức vẫn là ông Macron.
Châu Âu nói chung và người Đức nói riêng còn vô cùng tức giận sau khi giới chức Đức cáo buộc Tổng thống Trump đề nghị trả một tỷ USD cho tập đoàn dược phẩm Cure-Vac của nước này, nhằm đảm bảo nghiên cứu vaccine phòng chống Covid-19 của họ "chỉ dành cho Mỹ". "Nước Đức không phải để bán", Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier tuyên bố.
Nhà Trắng đã phủ nhận các cáo buộc và Cure-Vac cũng từ chối bình luận về những đồn đoán liên quan đến họ. Tuy nhiên, bà Claudia Major, nhà phân tích tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế ở Berlin, cho rằng "mọi người đều nghĩ Tổng thống Trump có khả năng làm như vậy" bất kể sự thật ra sao. "Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bây giờ là thế", bà nói thêm.
"Hầu hết chúng ta đều quan tâm cuộc khủng hoảng ảnh hưởng gì đến gia đình, sinh kế và tương lai đất nước mình. Nhưng rõ ràng mọi người cũng đang xem xét cách những nước khác đối phó đại dịch", ông Peter Westmacott, cựu đại sứ Anh tại Mỹ, nhận định.
Ông Westmacott cho rằng màn thể hiện của Tổng thống Trump gần như trùng khớp với những quan điểm vốn có của mọi người về ông. "Đó là cách cư xử chỉ vì bản thân, đồng thời không chịu nhận trách nhiệm cho những sai lầm ban đầu", cựu đại sứ đánh giá, nói thêm rằng tin đồn Tổng thống Trump cố mua độc quyền vaccine từ Đức càng tô đậm khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", thay vì hình ảnh cường quốc hào hiệp như trước đây.
Những điều trên được cho là trái ngược với Trung Quốc, đất nước đang mắc chỉ trích lớn khi cố tình dấu Covid-19 lúc chúng mới bùng phát, nhưng dường như đã kiểm soát đại dịch hiệu quả nhờ loạt biện pháp quyết liệt. Bắc Kinh giờ đây còn gửi viện trợ, bao gồm khẩu trang, máy thở và nhân viên y tế, tới Italy và Serbia.
"Sự đoàn kết của châu Âu không tồn tại. Nó chỉ có trong truyện cổ tích. Tôi tin vào người anh em và bạn bè của mình là ông Tập Cận Bình. Tôi tin vào sự giúp đỡ của Trung Quốc", Tổng thống Serbia Alexanderar Vucic phát biểu khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp ngày 16/3.
Hôm 18-3, Trung Quốc cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) 2 triệu khẩu trang y tế, 200.000 khẩu trang N95 và 50.000 kit xét nghiệm. Họ tiếp tục gửi vài triệu khẩu trang đến Bỉ vào ngày 20-3. Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma thậm chí đề nghị hỗ trợ Mỹ, cam kết chuyển 500.000 kit xét nghiệm và một triệu khẩu trang.
"Đó là màn đối đầu nghiêm túc về xây dựng hình ảnh. Trung Quốc đã sử dụng hiệu quả quyền lực mềm. Họ cố gắng khiến mọi người quên rằng rất nhiều việc chúng ta đang gánh chịu xuất phát từ sai lầm trong nước của họ", nhà phân tích Major nêu ý kiến. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, khi Trung Quốc bị dịch Covid-19, 80 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã trợ giúp nước này, và giờ là lúc Bắc Kinh đáp lễ.
Bà Major nói thêm rằng những hành động của Trung Quốc để lại ấn tượng rằng họ đang dẫn dắt và phối hợp với các nước khác. "Trong khi đó, Mỹ dường như không muốn hoặc không thể lãnh đạo".
Với nhiều người châu Âu, phản ứng trong nước của Mỹ cũng gây cảm giác hụt hẫng. "Mỹ phần nào đó mong manh hơn EU do thiếu các cấu trúc xã hội như ở châu Âu", cựu nghị sĩ Nghị viện châu Âu Marietje Schaake nhận xét, đồng thời bày tỏ lo ngại về nguy cơ sụp đổ những "chất keo" gắn kết xã hội ở Mỹ.
"Tôi ước gì sự phối hợp mang tính xây dựng xuất hiện nhiều hơn, thay vì những phát ngôn công kích và hoa mỹ của Trump. Họ phủ nhận các vấn đề, trong khi một quốc gia như Đức lại tuyên bố cung cấp vaccine cho tất cả nếu thành công", ông Schaake nói.
Theo bình luận viên Erlanger, cuộc khủng hoảng do Covid-19 có thể đánh dấu bước ngoặt cơ bản trên toàn cầu. "10 năm sau, chúng ta có thể sẽ nhìn lại và nói rằng đây là thời khắc Trung Quốc trỗi dậy, Mỹ xuống dốc", ông Schaake cho hay.
Tuy nhiên, cựu đại sứ Westmacott nhận thấy Tổng thống Trump vài ngày qua bắt đầu bộc lộ sự nghiêm túc khác lạ. "Giọng điệu của ông ấy dường như đã thay đổi, bất chấp một số tuyên bố không thực tế về việc xét nghiệm. Ông ấy giờ đây bớt căng thẳng và thể hiện vai trò lãnh đạo nhiều hơn", ông Westmacott đánh giá.
Niềm hy vọng còn đặt vào khả năng nghiên cứu y học phát triển nhất thế giới của Mỹ. Quy mô gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 104 tỷ USD cho Covid-19 mà quốc hội Mỹ nhanh chóng chuẩn bị cũng gây ấn tượng.
"Với một quốc gia từng chật vật vì chính sách Obamacare, số tiền đó rất lớn. Điều này thể hiện một phần sự vĩ đại thực sự của người Mỹ. Đó là khả năng hành động táo bạo trước thử thách", ông Stefano Stefanini, nhà cựu ngoại giao It, cho hay.
Covid-19 xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12-2019, ngay sau đó chúng lan tràn ra khắp thế giới.
Cho tới nay Covid-19 xuất hiện ở 188 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 304.000 người nhiễm, trong đó hơn 13.000 người tử vong và hơn 94.000 người bình phục.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đây là đại dịch toàn cầu và kêu gọi các nước tăng cường biện pháp ứng phó.
Việt Hùng (NY Times)