Nước Mỹ và kế hoạch đảm bảo an ninh chưa từng có tiền lệ
Xung quanh Nhà Trắng và tòa nhà Quốc hội như vùng chiến sự khi các lực lượng an ninh triển khai các kế hoạch đảm bảo an ninh chưa từng có tiền lệ trước lễ nhậm chức của ông Biden.
Hôm 18-1, tờ The Hill đưa tin hơn 20.000 vệ binh quốc gia từ nhiều bang khác nhau đã được triển khai đến chi viện cho thủ đô Washington, D.C. nhằm đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Joe Biden sẽ diễn ra ngày 20-1. Khoảng 4.000 sĩ quan thuộc cảnh sát tư pháp cũng đang trên đường đến hỗ trợ cảnh sát thủ đô. Trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô và yêu cầu mọi cơ quan liên bang hỗ trợ để buổi lễ diễn ra tốt đẹp nhất.
Vệ binh quốc gia di chuyển trên đường phố thủ đô Washington, D.C.
ngày 17-1. Ảnh: REUTERS
“Vùng xanh” trong lòng nước Mỹ
Nhiều báo, đài Mỹ đã mô tả việc tập trung quân đội và triển khai các kế hoạch an ninh ở Washington, D.C. là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước này, đồng thời chứng tỏ nhà chức trách Mỹ rất lo ngại nguy cơ nổ ra bạo lực trong thời gian tới. Số Vệ binh quốc gia có mặt tại Washington, D.C. hiện tại còn nhiều hơn tổng số quân chính quy Mỹ thường trú ở ba nước Afghanistan, Iraq và Syria cộng lại. Thậm chí, trong các tài liệu của Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS) thì cơ quan này gọi khu vực bao quanh Nhà Trắng là “Vùng xanh” - tương tự như khu vực đặt các cơ sở ngoại giao Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq.
Theo quan sát của phóng viên The Hill, nhiều binh sĩ đã bắt đầu dựng và gia cố các hàng rào cao hơn 2 m xung quanh tòa nhà Quốc hội, Nhà Trắng cùng nhiều trụ sở cơ quan công quyền khác. Nhiều binh sĩ cũng được trông thấy mang theo súng trường tự động tuần tra ở sân và bên trong tòa nhà Quốc hội.
Thông thường, hầu hết các bang đều có quy định hạn chế quân đội mang theo vũ khí khi làm nhiệm vụ trên đất Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy ngày 10-1 cho biết đã làm việc với chính quyền thủ đô về việc cho phép binh sĩ mang súng để dễ dàng thực thi nhiệm vụ bảo đảm an ninh hơn. Ông cũng cho biết vệ binh quốc gia đang đặc biệt lo ngại các nhóm cực đoan sử dụng súng, các thiết bị nổ tự chế, máy bay không người lái gắn thiết bị nổ để tấn công những quan chức dự lễ ngày 20-1.
Trên các tuyến đại lộ chính, vệ binh quốc gia cũng cho đắp các lô cốt bằng xi măng, dựng hàng rào kẽm gai và thiết lập các chốt chặn quân sự như thời chiến. Bất kỳ ai muốn đi qua phải xuất trình giấy tờ tùy thân phù hợp. Các xe tải quân sự chở theo binh sĩ cũng liên tục di chuyển tuần tra ngày đêm. Anh Jack Ryan, 32 tuổi, cư dân thủ đô, chia sẻ chỉ trong ngày 17-1 (giờ địa phương) thôi, anh đã phải đi qua tới năm chốt kiểm tra trên đường tới chỗ làm và từ chỗ làm về nhà.
Tờ The New York Times dẫn lời tướng Daniel Hokanson, người đứng đầu lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ, cho biết tất cả binh sĩ tham gia đảm bảo an ninh ở Washington, D.C. đều đã được Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phối hợp với Cơ quan Mật vụ Mỹ sàng lọc, kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng để đảm bảo kỷ luật cao nhất.
Bên cạnh đó, hầu như tất cả địa điểm công cộng như công viên đều bị đóng cửa từ đây đến ít nhất là ngày 20-1, trong đó có cả công viên National Mall - nơi đây mọi năm là chỗ mà người dân Mỹ tập trung để theo dõi trực tiếp lễ nhậm chức của tân tổng thống. 13 trạm tàu điện ngầm xung quanh National Mall cũng bị cho ngừng hoạt động. Người dân từ các bang khác được khuyến cáo không nên đến thủ đô trong những ngày tới, trong khi cư dân thủ đô thì được khuyến cáo hạn chế ra ngoài. Các hãng hàng không nội địa cũng tạm ngừng khai thác các chuyến bay đến thủ đô.
Tự tin 110% giữ được an ninh
Trả lời phỏng vấn của báo giới trong cuộc họp báo ngày 17-1, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller khẳng định Lầu Năm Góc tự tin rằng sẽ không để xảy ra bạo loạn như vụ việc ngày 6-1. “Tôi đánh giá rất cao các binh sĩ của tôi, họ sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ trong những ngày tới. Chúng tôi đã chuẩn bị cho mọi kịch bản và không hề xem nhẹ bất kỳ mối nguy nào. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra, 110% luôn!” - ông Miller nhấn mạnh.
Chính quyền các bang cũng siết chặt an ninh
Bên cạnh việc điều động Vệ binh quốc gia đến thủ đô Washington, D.C. hỗ trợ, chính quyền các bang còn lại cũng kêu gọi lực lượng này bảo vệ các tòa nhà nghị viện bang và hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật địa phương.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho tình huống tồi tệ nhất nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng người biểu tình sẽ lựa chọn phương pháp hòa bình, không bạo lực hoặc phá hủy tài sản” - ông Joe Gasper, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát bang Michigan, cho biết.
Các thống đốc cũng khuyến khích người dân tránh xa các tòa nhà nghị viện bang trong những ngày tới. Thống đốc bang Ohio - ông Mike DeWine, một thành viên đảng Cộng hòa, đã đóng cửa trụ sở nghị viện bang cho đến sau lễ nhậm chức của ông Biden. Thống đốc bang Indiana - ông Eric Holcomb, một thành viên khác của đảng Cộng hòa, cũng cho biết sẽ đóng cửa trụ sở nghị viện bang từ ngày 18 đến 20-1. Thống đốc bang Kansas - bà Laura Kelly mới đây cho biết đã tạm thời ra lệnh cấm người dân tiếp cận trụ sở nghị viện bang, trừ những trường hợp cấp thiết.
Trong khi đó, Thống đốc bang California - ông Gavin Newsom đã huy động tới 1.000 vệ binh quốc gia bảo vệ các trụ sở các cơ quan công quyền. Lực lượng an ninh cũng cho dựng một hàng rào lớn bao quanh trụ sở nghị viện bang, củng cố các hàng rào sẵn có.
Trong khi đó, TS Suzanne Spaulding thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) hoan nghênh việc Lầu Năm Góc tăng cường quân số ở thủ đô. Bà nhận định động thái này có tác dụng như một đòn biểu dương lực lượng, làm chùn bước bất kỳ đối tượng nào có ý định bạo loạn vào lễ nhậm chức. Dù vậy, chuyên gia này cũng cảnh báo việc quân đội phải trực tiếp tham gia hỗ trợ cảnh sát cho thấy các mối nguy từ chủ nghĩa thượng đẳng da trắng và cực hữu đã tăng lên rất nhiều lần so với những năm bầu cử trước.
“Tôi nghĩ là chúng ta sau khi chuẩn bị xong lễ nhậm chức của ông Biden thì phải nghĩ tới tương lai sắp tới của nước Mỹ, khi những nhóm cực đoan ngày càng manh động hơn. Hệ thống tình báo, an ninh của Mỹ cần phải được cải thiện hơn nữa nhằm ngăn chặn các vụ việc như ngày 6-1 từ trong trứng nước. Tuy nhiên, cũng cần phải đảm bảo rằng bất kỳ biện pháp nào cho vấn đề này không xâm phạm tới quyền tự do của đa số người dân” - TS Suzanne Spaulding nói.•