Nước Mỹ vượt kỷ lục 3 thập kỷ, Donald Trump buộc đối thủ xuống nước
Phía Dân chủ xuống nước nhanh chóng, hơn cả mong đợi của ông Trump nhưng ở vào thời điểm mà mọi thứ đã dần ngã ngũ. Nhưng động thái này cũng giúp chứng khoán Mỹ lên đỉnh phiên thứ hai sau khi đã lập kỷ lục 3 thập kỷ.
Kết thúc phiên giao dịch 2/12 (rạng sáng 3/12 giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 lập kỷ lục phiên thứ hai liên tiếp, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng tiếp và lên gần ngưỡng 30 nghìn điểm sau khi đã ghi nhận một tháng tăng ở mức cao lịch sử trong hơn 3 thập kỷ qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong bối cảnh giới đầu tư đón nhận những diễn biến mới nhất xoay quanh các cuộc đàm phán kích thích tài khóa mới của Mỹ.
Theo đó, lãnh đạo phe đảng Dân chủ của Mỹ xuống nước, đề xuất gói kích thích kinh tế mới có giá trị thấp bất ngờ: 908 tỷ USD, nhằm phá vỡ những bế tắc kéo dài kể từ khi gói kích thích cũ hết hạn vào cuối tháng 7.
Đây là một con số bất ngờ và thấp hơn nhiều so với 2.200 tỷ USD theo yêu cầu của phía đảng Dân chủ Mỹ hồi tháng 10.
Trước đó, chính quyền ông Donald Trump muốn đưa ra một gói cứu trợ quy mô nhỏ và nhanh nhằm cứu trợ cho người lao động Mỹ, vừa đủ để hỗ trợ nhưng không quá lớn để tạo ra sự thất nghiệp tăng cao và gánh nặng nợ lên ngân sách Mỹ. Tuy nhiên, phía Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát không thông qua.
Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, các cuộc đàm phán đã không như mong đợi. Ông Donald Trump có những bước xuống nước nhất định, giảm gói cứu trợ xuống gần 2.000 tỷ USD. Dù vậy, cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa đã không thể đạt được một thỏa thuận về gói kích thích kinh tế mới trước thời điểm bầu cử 3/11.
Hàng loạt người Mỹ rơi vào tình trạng thất nghiệp và không có trợ cấp vì dịch Covid-19.
Đó một thất bại đáng kể của ông Donald Trump bởi gói cứu trợ người dân có thu nhập trung bình thấp tại Mỹ hết hạn và kéo dài từ tháng 7 mà không thể được thông qua được một gói mới.
Trong ngày 1/12 vừa qua, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell đã từ chối đề xuất mới trị giá 908 tỷ USD.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer cho biết trong một tuyên bố chung rằng dự luật của lưỡng đảng được tiết lộ vào ngày 1/12 nên được sử dụng “làm cơ sở cho các cuộc đàm phán lưỡng viện ngay lập tức”.
Tuyên bố của bà Pelossi đã góp phần nâng đỡ thị trường chứng khoán.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã chứng kiến một tháng (tháng 11) tăng mạnh nhất trong hơn 3 thập kỷ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 11,8%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng 10,8% và 11,8%.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập đỉnh mới trong bối cảnh nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục kéo dài các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng. Hôm đầu tháng, chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng triển vọng nền kinh tế Mỹ hiện rất bấp bênh, khó có thể đoán trước. Các chương trình cho vay giữ vai trò then chốt để nền kinh tế không rơi vào tình trạng tồi tệ hơn cần được duy trì sang năm 2021.
Nước Mỹ thay đổi, Trung Quốc kỳ vọng một trật tự mới
Fed dưới thời ông Powell đã có một thay đổi lớn trong chính sách điều hành tiền tệ, quyết định cách tiếp cận mới, tìm cách đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2% theo thời gian. Điều này có nghĩa, cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ chấp nhận có giai đoạn lạm phát tăng nóng, cao hơn mức này, miễn sao bình quân của một giai đoạn vẫn là 2%.
Fed không ngần ngại cho biết lãi suất 0% sẽ được duy trì “cho đến khi các điều kiện của thị trường lao động chạm tới mức toàn dụng lao động (maximum employment) - trạng thái của nền kinh tế mà tất cả mọi người thuộc lực lượng lao động đều có việc làm và nền kinh tế chỉ tồn tại thất nghiệp tự nhiên.
Các thị trường chứng khoán Mỹ tăng giá còn nhờ thông tin tích cực về vaccine ngừa Covid-19.
Đặc biệt là việc Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine chống dịch Covid-19 của Pfizer/BioNTech và vaccine này sẽ được phân phối từ tuần tới. Dự đoán nhiều quốc gia cũng sẽ phê duyệt loại thuốc này trong thời gian tới.
Tới nay, Mỹ vẫn chưa cấp phép cho thuốc chống Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết một lô thuốc lớn đã được vận chuyển tới Mỹ cuối tuần trước và chỉ chờ cái gật đầu của cơ quan quản lý.
Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), hàng loạt cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi Covid đã tăng mạnh. Cổ phiếu Boeing dẫn đầu đà tăng của Dow Jones với đà leo dốc 5,1%.
Thị trường chứng khoán Mỹ được dự báo sẽ còn nồng ấm. Tuy nhiên, có thể đà tăng sẽ bị hãm lại bởi mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không dễ dàng tốt đẹp hơn do những di sản mà ông Trump để lại và những tuyên bố ban đầu cũng khá cứng rắn của ông Biden đối với Bắc Kinh.
Theo NYT, ông Joe Biden sẽ không hành động ngay lập tức để hủy bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà ông Trump đã ký với Trung Quốc, bao gồm vấn đề thuế quan. Mỹ sẽ duy trì mức thuế 25% hiện đang áp dụng đối với hàng hóa công nghiệp và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD.
Hơn thế, trong vài tuần qua, chính quyền ông Trump dồn dập leo thang căng thẳng với Trung Quốc, cấm cửa nhiều công ty lớn của Trung Quốc ở vào thời điểm ngay trước thềm ông Trump phải chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.
Hàng loạt cuộc chiến từ thương mại, công nghệ, tiền tệ, vốn,... sẽ củng cố di sản lập trường đối với Trung Quốc của tổng thống Donald Trump, buộc lãnh đạo của đảng Dân chủ sắp tới phải tiếp tục cứng rắn với Bắc Kinh.
Các thị trường tài chính thế giới dự báo sẽ không yên ả trong thời gian tới khi mà cuộc chiến Mỹ-Trung còn căng thẳng và Bắc Kinh vẫn đang nổi lên khiến cả Âu-Mỹ đều lo ngại. Trung Quốc gần đây để đồng Nhân dân tệ tăng mạnh so với USD và trở thành nước đầu tiên có ngân hàng trung ương hỗ trợ một đồng tiền kỹ thuật số. Đây là một bước đi có thể nhắm tới việc hạ sức mạnh của đồng USD.
Trung Quốc cũng đặt mục tiêu 5 năm đầy tham vọng, trong đó tập trung vào đổi mới công nghệ, tự chủ kinh tế và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ “mở cửa hơn nữa đối với nước ngoài”.