Nước Nga - những ký ức không phai

Mấy chục năm trôi qua nhưng những kỷ niệm của năm tháng gắn bó với 'xứ sở bạch dương' vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những lưu học sinh Việt Nam từng học tập, nghiên cứu tại Liên Xô cũ (nay là Liên bang Nga).

Ông Vân (đứng giữa) cùng cô giáo người Nga và các bạn (ảnh tư liệu)

Kỷ niệm với thầy cô, bạn bè trong những năm tháng học tập xa quê luôn để lại trong ông Đoàn Quang Định, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Hải Dương nhiều cảm xúc. Ông Định từng là bộ đội chống Mỹ. Trở về từ chiến trường với vết thương ở chân, ông là một trong số ít người đỗ đại học khi đó. Ông Định hiểu rằng, cơ hội học tập ở nước bạn vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của ông. 6 năm học luật tại Liên Xô (1975-1981), những ký ức về đất nước Nga xinh đẹp, thân thiện ông không bao giờ quên.

Ông Định vẫn nhớ như in một lần ông phải nằm viện điều trị vì vết thương tái phát. “Tôi đã được các y, bác sĩ tận tình giúp đỡ. Ngoài bạn bè Việt Nam bên đó, tôi còn được bạn bè quốc tế quan tâm như những người thân trong gia đình”, ông Định kể.

Biết ông Định là cựu chiến binh đi học, có một trường học ở thành phố ông Định học đã mời ông đến nói chuyện về cuộc chiến tranh mà ông đã đi qua. Ông Định kể: “Khi nghe tôi nói chuyện về cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam, về Chiến dịch Hồ

Chí Minh lịch sử và sự kiện ngày 30.4.1975, nhiều người đã bày tỏ sự cảm phục tinh thần dũng cảm của quân đội và nhân dân Việt Nam”.

Mở cho tôi xem những tấm ảnh đen trắng chụp cùng các bạn học tại Nga, ông Hoàng Văn Bảo, nguyên Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh hào hứng kể cho tôi nghe về những năm tháng ông học tập ở Liên Xô. Tháng 8.1978, khi mới 23tuổi, ông Bảo chân ướt chân ráo tới Moscow. “Hồi ấy, nước mình vừa mới trải qua chiến tranh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Sang nước bạn, nhìn đường sá, phương tiện hiện đại tôi cảm giác mình như lạc vào thế giới hoàn toàn khác, thực sự rất ngỡ ngàng”, ông Bảo nhớ lại.

Ông Bảo (đứng) và các bạn tại Nga (ảnh tư liệu)

6 năm sinh sống và học tập bên nước bạn, ông Bảo có rất nhiều kỷ niệm về tình thầy trò, tình bạn và ấn tượng sâu đậm về mảnh đất và con người Nga hiền hậu, hiếu khách. Ông cũng như những lưu học sinh khác của Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ, quan tâm tới từng bữa ăn, giấc ngủ, từ tấm áo, chiếc chăn của các thầy, cô giáo Nga. Năm1979, xảy ra chiến tranh biên giới Việt - Trung, thầy cô, bạn bè quốc tế sốt sắng hỏi thăm ông về tình hình Việt Nam. “Sự quan tâm, hỏi thăm từ bạn bè quốc tế tại một nơi cách xa Tổ quốc nửa vòng Trái Đất khiến tôi cảm động và thấy ấm áp vô cùng”, ông Bảo kể.

Đại tá Đỗ Long Vân, nguyên Trưởng Phòng Truy nã Công an tỉnh cũng không thể nào quên quãng thời gian 5 năm (từ năm 1981-1985) gắn bó với Học viện Điều tra Volgograd. Đó là những ngày ông và các bạn say sưa trên giảng đường, miệt mài ôn luyện cho những kỳ thi vấn đáp thâu đêm đến sáng. Sau này, khi đã phá rất nhiều vụ án, lập nhiều chiến công, nhưng vụ án đầu tiên khi còn là điều tra viên tập sự khiến ông nhớ nhất. Đó là vụ trộm cắp tại nhà máy sản xuất thiết bị máy kéo lớn nhất Liên bang Xô Viết lúc bấy giờ. Ông Vân đã mất khoảng 1 tháng để tìm ra thủ phạm. Ông Vân kể: “Lần đầu tiên khi đưa ra các đề xuất, quyết định cân não, tôi cảm thấy khá áp lực. Sau khi phá được án, được tuyên dương tôi cảm thấy rất vui”. Tròn 30 năm sau ngày ra trường, năm 2015, ông Vân có dịp quay trở lại ngôi trường cũ, nơi lưu giữ một thời tuổi trẻ của ông. “Các thầy, cô giáo cũ người Nga đón tiếp chúng tôi chu đáo, dành cho chúng tôi tình yêu mến khó tả bằng lời. Tôi thật sự rất xúc động”, ông Vân nhớ lại.

Không chỉ riêng ông Định, ông Bảo, ông Vân, mà với nhiều sinh viên từng có cơ hội học tập tại Nga đều coi nơi đây như là quê hương thứ 2 của mình.

Thời gian trôi qua, những lưu học sinh Việt Nam trẻ tuổi, nhiệt huyết ngày ấy tóc đã điểm bạc, nhưng ký ức về những năm tháng sinh viên tại Nga vẫn rất sâu đậm trong họ. Mỗi lưu học sinh lại có những kỷ niệm riêng, nhưng điểm chung của họ là niềm trân trọng, xúc động với tình cảm đẹp đẽ của người dân Nga, về quê hương của Lênin, của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

HÀ NGA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/nuoc-nga---nhung-ky-uc-khong-phai-134376