Nước Nga trong ta…
Vẫn nhớ hồi học cấp 1, đến nhà một bạn cùng lớp. Nhà bạn cơ man nào là sách và họa báo Liên Xô. Thời đó, với lứa tuổi học trò, với số sách báo đó, đúng là chỉ có trong mơ thôi. Hỏi ra mới biết, vì bố bạn ấy là cán bộ một ngành khá quan trọng nên có nhiều mối quan hệ, nên có thể mượn, xin, được cho nhiều sách báo như vậy.
Cả một thế giới về Liên Xô hiện ra từ hình ảnh, tranh… đẹp mê hồn và cuốn hút. Đất nước Liên Xô trong tâm thức hồi đó sao phát triển, đẹp và huy hoàng đến vậy. Mỗi lần đến chơi, mỗi đứa lại được bố của bạn cho các cuốn họa báo cũ để đọc, rồi khoe khắp trẻ con trong xóm, rồi bọc sách… Và cả nhóm say sưa đọc cuốn truyện tranh "Lê Nin của em”, bìa cứng, in giấy đẹp. Cuộc đời hoạt động của vị lãnh tụ vô sản thế giới hiện lên thật đầy đủ, rõ nét. Sau đó là niềm cảm phục về những con người ở đất nước Liên Xô xa xôi qua các bộ phim truyện chiến đấu: "5 người từ trên trời rơi xuống” (nói về nhóm 5 chiến sĩ hồng quân nhảy dù vào vùng hậu phương của phát xít Đức), "Hãy bằng mọi giá”, "Đỉnh cao thứ tư”… Sân bãi chiếu phim hồi đó (bình quân 1 tháng 1 đêm chiếu), mỗi khi chiếu các bộ phim của Liên Xô luôn tạo được sự hứng thú bất tận cho mọi người… Kỷ niệm ban đầu với Liên Xô (cũ) là vậy…
Với bác H., nay tuổi cũng khá cao nhưng mỗi khi nhắc nhớ về Liên Xô (cũ), về nước Nga hôm nay là cả một quãng ký ức thân thương ấm áp ùa về. Hành trình của thời thanh niên sôi nổi, chính là làm quen với tiếng Nga, với văn học, âm nhạc, điện ảnh, hội họa Nga. Ngoảng đi, ngoảnh lại, thực sự như là điều may mắn của số phận: Dù chưa một lần đến Liên Xô nhưng bác lại có khá nhiều người bạn từng học, công tác ở Nga. Mỗi lần gặp họ, câu chuyện của họ lại đưa bác "gặp” được "Mùa thu vàng” của Lê vin tan, được thăm rừng Nga, cánh đồng Nga; được cảm nhận tinh thần, cốt cách Nga. Chính bác cũng được họ dạy cho bài hát nổi tiếng bằng tiếng Nga như: "Chiều ngoại ô Mát-xcơva”, "Ca-chiu sa”, "Đôi bờ”, "Chiều hải cảng", "Triệu bông hồng”, "Địa chỉ của tôi là Liên bang xô viết”, "Ánh trăng”, "Hỏi cây tần bì”… được họ hát cho nghe những bài hát nổi tiếng gắn với các ngôi sao nhạc nhẹ Nga như Pugatreva, Sôphia Roraru; nghe họ kể về những đêm trắng ở Leeningrat, được cảm nhận làn nước sông Nê-va lãng mạn, sông Đông bi hùng. Có một chút "ghen tỵ” với họ, nhưng bác thấy hạnh phúc lắm vì nhờ có họ, bác được thấm hơn, được hiểu hơn về đất nước, con người nơi đây. Chính tinh thần của dân tộc anh hùng đó, đã cứu cả châu Âu và thế giới thoát khỏi thảm họa của phát xít…
Người bạn ấy có may mắn sinh ra và lớn lên ở thành phố bên "Dòng sông ánh sáng” này. Con sông huyền thoại, con sông danh tiếng và càng được biết đến hơn khi là điểm xây dựng công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ XX. Ngày đó, biết bao chuyên gia, kỹ sư Liên Xô và hàng chục ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam miệt mài trên công trình thế kỷ này, công trình mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Hồi đó, mỗi lần có dịp đến làng chuyên gia Liên Xô, bạn như được thấm thêm tình bạn ấm áp Việt - Xô. Đâu chỉ là câu hát, hay món ăn đậm chất Nga, mà bạn cảm nhận được tình thân ái, chia sẻ ấm nồng của những người bạn từ nước Nga xa xôi. Sau này, khi các bạn đó rời Việt Nam, bạn vẫn có nhiều dịp để "gặp" lại họ mỗi khi nhìn dòng sông trong lúc hoàng hôn, hay nhìn về phía Nhà máy Thủy điện. Dịp lễ Tết, bạn vẫn cùng gia đình mang hương hoa, thắp lên ở Đài tưởng niệm những người đã ngã xuống trên công trình thế kỷ. Ở đó, có cả các bạn đến từ nhiều nước cộng hòa thuộc Liên bang xô viết (cũ). Tình cảm đó thật tha thiết, ấm áp và bền vững… Chiều nay, trong ngôi nhà của bạn, đang vang lên câu hát của bài Chiều ngoại ô Mát-xcơ-va: "Chiều thanh vắng là đây, âm thầm gió rì rào/Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu/Hỡi em! thấu chăng tình anh lòng bao trìu mến/Mãi bên em, trong chiều vắng êm đềm”… Bạn vẫn đang xây nên một giấc mơ, biết đâu sẽ có dịp nghe bài hát này giữa Mát-xcơ-va.
Tản văn của Bùi Huy
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/159478/nuoc-nga-tr111ng-ta.htm