Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình
Nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá, có vai trò quan trọng đối với sức khỏe, chất lượng cuộc sống. Ngày nước thế giới năm 2022 với thông điệp: 'Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình' nhằm nâng cao ý thức của mọi người dân trong việc bảo vệ các mạch nước ngầm, cũng như hiểu sâu sắc hơn giá trị của nguồn tài nguyên này đối với đời sống xã hội.
Sơn La có tiềm năng về tài nguyên nước khá dồi dào với 2 sông lớn là sông Đà và sông Mã, cùng 35 suối lớn. Theo kết quả Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, tài nguyên nước mặt toàn tỉnh hằng năm vào khoảng 19 tỷ m³, trữ lượng nước dưới đất khoảng trên 3 triệu m³/ngày đêm. Ngoài ra, tại các địa phương còn có rất nhiều mạch nước ngầm chưa được phát hiện và khai thác, cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trên địa bàn tỉnh đang có gần 1.500 công trình cấp nước nông thôn, cung cấp nước sinh hoạt cho 92% dân số vùng nông thôn.
Ông Nguyễn Tường Thuật, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh, cho biết: Hầu hết các công trình này đều sử dụng nguồn nước ngầm làm đầu vào. Sau khi hoàn thành việc bàn giao công trình, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương và ban quản lý bản phối hợp với nhân viên quản lý công trình kiểm tra khu vực rào chắn, cắm mốc bảo vệ khu vực đầu nguồn nước với bán kính 500 m. Tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ công trình và bảo vệ nguồn nước.
Lấy nguồn nước đầu vào từ mạch nước ngầm chảy từ bản Bó, phường Chiềng An, Thành phố, công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm đã cung cấp nước sạch cho trên 1.000 hộ dân. Chị Lò Thị Nga, bản Panh, xã Chiềng Xôm, Thành phố, chia sẻ: Người dân trong bản thực hiện tốt việc thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Đối với các diện tích đất sản xuất trên nương đồi, nơi có mạch nước chảy qua, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, không chăn thả gia súc ở khu vực đầu nguồn nước.
Tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu sử dụng 17 mó nước tự chảy và mạch nước ngầm tại 12 bản cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho trên 1.600 hộ dân. Chính quyền địa phương đã hướng dẫn người dân làm rào, chắn xung quanh khu vực mó nước được sử dụng làm đầu vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong bán kính từ 500-1.000 m ở khu vực các mó nước. Đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con sử dụng các loại thuốc sinh học chăm sóc cây thay thế thuốc bảo vệ thực vật, từng bước bỏ hẳn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hướng đến việc sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.
Người dân bản Ngà Phát, xã Chiềng Pha còn sáng kiến xây dựng mô hình bể chứa và chia đường ống dẫn nước tới các hộ dân sử dụng tiết kiệm nguồn nước. Bể chứa nước có dung tích khoảng 20-25 m³ và có 27 đường ống dẫn nước đến 250 hộ trong bản. Theo thiết kế, mỗi đường ống sẽ dẫn nước cho 25 hộ dân theo từng khu vực, nước luôn được cấp chảy đều đến các hộ dân trong bản. Anh Lò Văn Kiên, Trưởng bản Ngà Phát, chia sẻ: Bể chứa nước tận dụng nước ngầm trong bản làm đầu nguồn. Khi tôi đề xuất xây bể chứa, 100% các hộ dân trong bản đều ủng hộ. Đến nay, bể và đường ống hoạt động khá ổn định, các hộ đều có thể dùng nước vào mọi thời gian trong ngày.
Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La có sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Việc phát triển kinh tế dẫn đến nhu cầu khai thác, sử dụng nước gia tăng cả về số lượng và chất lượng. Tại một số khu vực đô thị, nguồn nước mặt đang có dấu hiệu suy giảm về trữ lượng và chất lượng tạo áp lực mạnh mẽ lên nguồn nước dưới đất. Nếu không được bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm thì nguồn tài nguyên nước dưới đất sẽ bị suy thoái, cạn kiệt, ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh. Để bảo vệ nguồn nước dưới đất, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ngày 19/9/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2049/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất với 160 vùng hạn chế có tổng diện tích hơn 76.991 ha; Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 2/3/2022 phê duyệt Danh mục giếng không sử dụng phải trám lấp trên địa bàn tỉnh, theo đó có 303 giếng không sử dụng phải trám lấp trên địa bàn 03 huyên, thành phố. Đối với giếng không sử dụng tại Danh mục kèm theo Quyết định số 369/QĐ-UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện giao chủ giếng tổ chức trám lấp giếng đúng kỹ thuật. Qua đó, nhằm bảo vệ nguồn nước, tránh nguy cơ gây ô nhiễm và khai thác cạn kiệt nguồn nước dưới đất.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, cho biết: Ngành đã tham mưu cho UBND triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn nước, như kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước, và hạn chế khai thác nước dưới đất. Nhất là kiểm soát chặt chẽ việc xả nước chưa qua xử lý ra môi trường tại các cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, mía đường, tinh bột sắn,...
Để thông điệp “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình” thực sự hiệu quả, rất cần mọi người dân tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước nói chung và nước ngầm nói riêng, góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống.