Nước sạch đã về với sóc Ba Buông
Tết Giáp Thìn 2024 có lẽ là cái Tết vui nhất của đồng bào dân tộc S'tiêng ở sóc Ba Buông (ấp 2, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) khi nước sạch đã được dẫn về làng sau gần 30 năm khao khát đợi chờ.
* Nhiều năm dài “khát” nước sạch
Con đường từ trung tâm xã Xuân Hòa dẫn vào làng dân tộc S’tiêng ở sóc Ba Buông dài hun hút, hai bên là những rẫy khoai mì thấp lè tè, trơ trụi lá, những khóm xương rồng cao lớn, lú nhú những búp hoa đỏ, biểu tượng của vùng đất khô cằn và sức sống mãnh liệt của người dân nơi đây.
Nắng chiều nhưng cơn gió Tây Nam vẫn thổi nóng đến rát da, chốc chốc lại xuất hiện những cơn gió lốc cao ngun ngút làm quần áo chúng tôi lấm lem bụi đất. Trải nghiệm một chút cái nắng, cái gió trên đường đi cũng đủ làm tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt, sự vất vả của người dân nơi đây.
Ngôi nhà rông của đồng bào S’tiêng khang trang cũng hiện ra trước mắt. Già làng Điểu Phê đã đứng đợi từ trước. Dù ngoài tuổi 70 nhưng trông già làng Điểu Phê còn rất rắn rỏi với làn da sạm nắng, ánh mắt sáng, hiền từ. Thấy chúng tôi vất vả đường xa đến đây, già làng vui vẻ hỏi thăm rồi mời chúng tôi sang nhà riêng nằm ngay bên cạnh nhà rông để nghỉ chân, trò chuyện.
Bên bình trà nóng, điếu thuốc rê vấn bằng tay mùi khói khen khét, già làng kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của bà con nơi đây. Năm 1995, gia đình ông cùng hơn 20 hộ dân người đồng bào S’tiêng từ tỉnh Bình Phước về sóc Ba Buông lập nghiệp. Khi ấy, sóc Ba Buông còn là những cánh rừng thưa còn sót lại do bị khai phá. Cuộc sống những ngày tháng đầu trên vùng đất mới vô vàn những khó khăn, vất vả.
Do đất đai khô cằn, cây hoa màu không đủ làm no cái bụng, người dân chỉ biết dựa vào công việc săn bắt, hái lượm. Theo thời gian, cây rừng hết, chim thú cũng chẳng còn. Lúc này, bà con mới chuyên tâm vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, cứ độ tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, khi hết mùa mưa, dòng suối Gia Ui cũng dần hết nước, nước giếng cũng cạn kiệt, trơ đáy.
Cái nóng của sóc Ba Buông được ví như cái “chảo rang bỏng rát”. Do vậy, vào mùa mưa, bà con trồng lúa, trồng ngô khoai rất nhiều, nhà nào cũng cố gắng tích lũy lương thực cho đến giáp hạt năm sau. Là vùng đất cát nên các loại củ như: khoai môn, khoai mỡ, khoai từ ở đây rất thơm và dẻo.
Già làng Điểu Phê cũng cho biết, do khó khăn về nguồn nước nên canh tác nông nghiệp không có hiệu quả kinh tế cao, khoảng chục năm trở lại đây, con em trong làng hầu hết đi làm công nhân tại các công ty trong huyện, nhờ vậy cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của bà con chính là nguồn nước sinh hoạt. Trước kia, khi dân làng mới về vùng đất này, bà con thường lấy nước từ suối Gia Ui về để sử dụng. Thế nhưng, sau này nguồn nước bị ô nhiễm nên bà con không dùng nữa, chính quyền địa phương cũng xây cho một cái bể chứa nước nhưng cũng không đáp ứng đủ.
Hàng năm, khi mùa khô đến, người dân phải chở nước từ nơi xa về sử dụng hoặc phải mua nước của những người dân từ nơi khác chở đến, mỗi tháng phải tiêu tốn từ 500-600 ngàn đồng/hộ. Mấy năm trước, UBND xã Xuân Hòa thấy bà con vất vả quá nên cũng chở nước vào làng tiếp trợ.
Cụ thể, cứ vào sáng thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, các đoàn viên thanh niên của xã lại có một chuyến chở nước sạch vào sóc Ba Buông cho bà con. Trên tuyến xe đi qua, hộ nào có người ở nhà thì mang thùng, mang xô ra hứng nước. Còn những hộ không có người ở nhà thì cán bộ bơm nước vào những cái cống bi xi măng được bố trí dọc bên đường, trưa hoặc chiều tối đi làm về lại ra đó múc về sinh hoạt. Tuy nhiên, lượng nước này cũng có hạn, do vậy người lấy trước cũng phải chia sẻ cho nhau, không dám lấy nhiều.
Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Tạ Tấn Tài cho biết, có lẽ Tết này là cái Tết vui nhất của đồng bào dân tộc S’tiêng ở sóc Ba Buông sau nhiều năm mong chờ nguồn nước.
Nguyên chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Huỳnh Ngọc Tùng cho biết, trước khó khăn về nguồn nước sạch của bà con làng dân tộc S’tiêng, chính quyền địa phương xã Xuân Hòa nhiều lần kiến nghị đầu tư lắp nước sạch. Tuy nhiên, vì ngôi làng này nằm cách xa tuyến ống chính của khu dân cư tập trung, nếu đầu tư riêng một tuyến ống vào làng thì kinh phí quá lớn, trong khi số lượng dân cư ít (khoảng 65 hộ), sinh sống không tập trung nên khó triển khai.
* Vui với dòng nước mát
Năm 2023, Công ty CP Cấp nước Đồng Nai đã quyết định đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Gia Ray từ 7.000m3/ngày/đêm lên 15.000m3/ngày/đêm và công suất Nhà máy nước Tâm Hưng Hòa từ 7.000m3/ngày/đêm lên 10.000m3/ngày/đêm. Đồng thời, đầu tư nhiều tuyến ống dẫn nước về các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt, đầu tư về hướng xã Xuân Hưng, Xuân Hòa, trong đó có gần 3km tuyến ống đưa nước sạch vào sóc Ba Buông phục vụ sinh hoạt cho 65 hộ dân là người đồng bào dân tộc S’tiêng.
Giám đốc Chi nhánh cấp nước Xuân Lộc (thuộc Công ty CP Cấp nước Đồng Nai) Hồ Ngọc Long cho biết, thấu hiểu được tâm tư nguyện vọng được sử dụng nước sạch của người dân, công ty đã nỗ lực rất lớn để đầu tư đường ống đưa nước sạch về cho bà con làng dân tộc S’tiêng xã Xuân Hòa. Cụ thể, đơn vị đầu tư 100% nguồn ống cái, đồng hồ cho bà con theo đúng chủ trương, dưới 4m thì miễn phí cho bà con. Bà con rất phấn khởi, có nguồn nước sạch sinh hoạt thoải mái trong khi chi phí thấp hơn rất nhiều so với trước kia.
Bà Thị Choi, người dân trong làng dân tộc S’tiêng phấn khởi nói: “Vô được nước máy, gia đình tôi mừng lắm! Khi cán bộ xuống lắp đồng hồ, bà con cả làng ra xem, mọi người vỗ tay, gõ cồng chiêng chào đón. Bây giờ bà con trong làng không phải đi mua nước từ bên ngoài chở vô nữa, cứ mở vòi là có nước xài thôi. Cả nhà tôi xài nước tắm giặt, ăn uống chỉ tốn có hơn 200 ngàn đồng/tháng. Lúc trước, một bể nước phải sáu chục ngàn đồng, còn một thùng nước lọc để uống, nấu ăn cũng tốn hai mươi mấy ngàn đồng. Bây giờ có nước máy rồi. Cảm ơn mấy người cung cấp nước máy, cảm ơn Nhà nước thiệt nhiều”.
Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Tạ Tấn Tài cho biết, so với các địa bàn khác trong huyện thì vùng đất Xuân Hòa khô cằn nhất. Mùa khô, các ao, hồ, giếng khoan hầu như cạn kiệt nước, nếu còn thì cũng bị nhiễm phèn, nhiễm vôi cao, người dân sử dụng sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, địa phương cũng có nhiều kiến nghị với UBND huyện, cũng như Chi nhánh cấp nước Xuân Lộc về việc phát triển tuyến ống đưa nước sạch về địa phương. Đến thời điểm này, vấn đề nước sạch sinh hoạt của người dân đã cơ bản được đáp ứng tốt, các tuyến ống đã được đầu tư đến các khu cụm dân cư, tỷ lệ sử dụng nước sạch sinh hoạt của xã đạt trên 92%. Đặc biệt là khu vực làng dân tộc S’tiêng, nước sạch đã về, bà con rất vui, nhà nhà, người người đều phấn khởi.
Tiếng cồng chiêng âm vang, tiếng cười nói rộn ràng như xua tan cái nắng chói chang của những ngày cuối tháng Chạp trên sóc Ba Buông, nơi chỉ có nắng, gió và cát trắng. Thế nhưng, mùa xuân này, nước sạch đã về với sóc Ba Buông, với bà con làng dân tộc S’tiêng. Trong ánh mắt, nụ cười của họ đều thấy sự phấn khởi như thể đón nhận được món quà vô giá nào đó.