Nước sạch nông thôn: Thách thức và giải pháp

Nước sạch và vệ sinh nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển bền vững của nông dân, nông thôn.

Hiện nay, người dân xã Gia Minh, huyện Gia Viễn có điều kiện sinh hoạt tốt hơn nhờ có nước sạch đưa về tận hộ gia đình.

Hiện nay, người dân xã Gia Minh, huyện Gia Viễn có điều kiện sinh hoạt tốt hơn nhờ có nước sạch đưa về tận hộ gia đình.

Kỳ I: Những chuyển biến tích cực

Những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp cụ thể cải thiện điều kiện cấp nước và vệ sinh cho khu vực này. Không ít bức xúc về nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường được giải quyết, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch tăng dần qua các năm.

Tuy vậy, tính bền vững của các thành quả đạt được chưa cao, chất lượng nước, chất lượng xây dựng các công trình... còn nhiều bất cập. Giải quyết những vấn đề này như thế nào để đảm bảo cho người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi với chi phí hợp lý nhất; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị… là bài toán đặt ra cho giai đoạn tới đây.

Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn ở Ninh Bình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96% (tăng 14% so với năm 2010), trong đó, tỷ lệ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là 63% (tăng 18% so với năm 2010).

Kết quả trên bước đầu đã cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân nông thôn và đóng góp đáng kể vào thành tựu xây dựng nông thôn mới (NTM) toàn tỉnh.

Nhiều năm trước đây, nước sạch sinh hoạt là mối trăn trở của người dân vùng phân lũ, chậm lũ xã Gia Minh, huyện Gia Viễn. Mùa khô thì bà con chia nhau từng gáo nước mưa, mùa lũ nước tràn đồng, ngập nhà, kèm theo đó là các loại rác thải, chất thải gia súc, thuốc BVTV... Không có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng nên bà con thường xuyên bị các bệnh ngoài ra, đau mắt, tiêu chảy...

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, kể từ khi Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình đầu tư đấu nối, dẫn nước sạch về xã, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi hoàn toàn.

Bà Nguyễn Thị Hường (xóm Trần Phú, xã Gia Minh) phấn khởi chia sẻ: "Nước sạch đến như một món quà tặng vô giá. Cảnh những chiếc xô, thùng, chậu bị váng sắt bám làm cho vàng ố, hay cảnh pha chè nước chuyển màu thâm đen rót ra mời mà khách ái ngại đã rời xa ký ức của chúng tôi. Giờ bà con không còn phải lo tích trữ nước mỗi khi mùa khô đến và cũng không còn phải nơm nớp lo sợ cho sức khỏe bản thân và gia đình bởi nguồn nước nữa".

Ông Đinh Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Minh thông tin: Từ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nghi ngờ chất lượng nước, sợ tốn kém..., chỉ sau một thời gian ngắn đưa hệ thống cấp nước vào hoạt động, đến nay, phần lớn bà con trong xã đã thấy được lợi ích của nước sạch. Chất lượng nước được người dân đánh giá cao, công suất sử dụng ngày càng tăng.

Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đã đạt trên 90%. Đây là một trong những yếu tố giúp xã hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, Chương trình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Nhiều công trình cấp nước sạch tập trung được xây dựng, nâng cấp, mở rộng và khai thác, vận hành theo hướng xã hội hóa; các công trình cấp nước nhỏ lẻ được cải tạo. Các công trình nhà tiêu hộ gia đình, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng theo quy chuẩn. Đặc biệt, tỉnh cũng đã kêu gọi, khuyến khích 8 công ty, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hoạt động cung cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn.

Hiện, trên địa bàn các xã nông thôn của Ninh Bình có 72 công trình cấp nước đang hoạt động. Cùng với các nhà máy sản xuất nước sạch đô thị, các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn đã cấp nước cho khoảng 153 nghìn hộ dân nông thôn sử dụng. Mỗi hộ dân sử dụng bình quân từ 6-8 m3/tháng.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Tính đến hết năm 2021, có 96% hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh (tăng 14% so với năm 2010). Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là 63% (tăng 18% so với năm 2010); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh là gần 48,5%.

Kết quả này đạt được mục tiêu của Chính phủ và Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao sức khỏe, giảm thiểu bệnh tật, cải thiện rõ rệt chất lượng sống của người dân. Đặc biệt, đóng góp không nhỏ vào kết quả xây dựng NTM của tỉnh.

Bên cạnh những thành tựu về cấp nước sạch, vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn thời gian qua cũng được cải thiện đáng kể.

Đến nay, có 100% số trường học và trạm y tế xã nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 55%. Các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như sử dụng chế phẩm vi sinh, hầm biogas, đệm lót sinh học hoặc ủ phân bằng compost... ngày càng được người dân áp dụng một cách rộng rãi.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

(Còn nữa)

Kỳ II: Bất cập trong quản lý, khai thác công trình cấp nước

Kỳ III: "Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong mục tiêu về nước sạch

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nuoc-sach-nong-thon-thach-thuc-va-giai-phap/d2022051708153946.htm