Nước sông Cầu dâng cao, Công an Bắc Giang cùng nhân dân miệt mài đắp đê ngăn lũ
Suốt từ khi bão Yagi ập vào nước ta đến nay, CBCS Công an Bắc Giang hầu như không ai được nghỉ ngơi, nhiều hôm trắng đêm giúp dân chạy lũ, nhiều ngày dầm mưa giải phóng đường, đắp đê ngăn lũ, đưa người dân đến nơi an toàn…
Tối 10/9, do ảnh hưởng của bão số 3 khiến nước lũ tràn qua đê bối ở thôn Đa Hội, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Trước tình hình trên, Công an huyện Hiệp Hòa đã huy động lực lượng, phương tiện gia cố đê, sơ tán gần 500 hộ dân đến nơi an toàn. Mưa lớn kéo dài đã làm mực nước sông Cầu dâng cao, tính đến 16h ngày 10/9, mực nước sông Cầu đã vượt mức báo động 3 khiến các thôn ngoài đê sông Cầu trên địa bàn huyện Hiệp Hòa bị ngập cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của khoảng 5.000 hộ dân. Trong đó, đê bối thôn Đa Hội và đê bối thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa đã bị tràn; nước ngập các hộ dân trong thôn.
Để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản, chiều 10/9, Công an huyện Hiệp Hòa đã huy động 3 tổ công tác gồm 80 CBCS và 180 thành viên từ các Tổ bảo vệ ANTT tại 6 xã, thị trấn (thị trấn Thắng, xã Ngọc Sơn, thị trấn Bắc Lý, xã Hùng Sơn, xã Đoan Bái, xã Lương Phong) để cùng tham gia hỗ trợ đắp đê, ngăn lũ và hỗ trợ nhân dân thôn Đa Hội, thôn Đồng Đạo, xã Hợp Thịnh sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Đến 11/9, Công an huyện Hiệp Hòa đã sơ tán hơn 500 hộ dân đến nơi an toàn; cắm cọc, đặt biển cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn người dân lưu thông qua các vùng bị ngập, lụt; ủng hộ, cấp phát 140 áo phao cứu sinh cho các hộ dân ven sông cùng tham gia thực hiện phòng, chống lũ lụt.
Ở huyện Lục Nam, những ngày qua, mực nước sông Lục Nam lên cao nên ngập nhiều nơi. Đến chiều 10/9, mực nước tại Trạm Đồi Ngô đạt đỉnh lũ 6,72m. Ngày 11/9, nước bắt đầu rút dần (thấp hơn mức báo động 3) nhưng nhiều thôn, xã vẫn bị chia cắt. Trên địa bàn huyện hiện còn 17 thôn bị chia cắt, cô lập do nước ngập tại 8 xã (Vô Tranh, Trường Giang, Đông Hưng, Cương Sơn, Nghĩa Phương, Tiên Nha, Vũ Xá, Huyền Sơn) làm 2 người bị thương; 4 ngôi nhà bị sập, 775 ngôi nhà bị tốc mái, 186 ngôi nhà bị ngập, di dời khẩn cấp 177 nhà; ước tính khoảng trên 6.000 ha diện tích hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị ngập úng, bật gốc, gẫy đổ; trên 30.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi…Công an huyện Lục Nam đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện phối hợp với các lực lượng chức năng hỗ trợ công tác phòng, chống bão, lũ, cứu nạn, cứu hộ, di dời tài sản của người dân và thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Ở các huyện miền núi Sơn Động, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã bị chia cắt, ngập lụt, sạt lở đất, lực lượng Công an đã huy động 100% quân số xuyên đêm hỗ trợ người dân sơ tán, đảm bảo an toàn. Theo đó, ngay từ 6/9, khi bão đổ bộ vào, 100% cán bộ, chiến sĩ tại Công an huyện Lục Ngạn và Công an huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã được huy động trực 24/24h cùng các lực lượng quân đội, dân quân tự vệ và chính quyền địa phương hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực ngập lụt, bảo đảm an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy…Tại địa Lục Ngạn, các ao, hồ, sông, suối, ngầm, kè tràn nước lên nhanh, nhiều khu vực bị chia cắt cục bộ. Trong đó có 6 xã bị chia cắt cục bộ như: Giáp Sơn, Đèo Gia, Phong Minh, Sa Lý, Cấm Sơn, Hộ Đáp. Tuyến QL31 thuộc địa phận thôn Cầu Chét, xã Phì Điền, khu vực thôn Đồng Man, xã Biển Động bị ngập sâu gây chia cắt.
Nhiều tuyến Quốc lộ ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt cục bộ; nhiều cầu và đường bị ngập úng nghiêm trọng gây ách tắc, cản trở giao thông, thông tin liên lạc bị gián đoạn… gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân, lực lượng CSGT bám tuyến, bám địa bàn để cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ người dân đi qua điểm ngập.
Đặc biệt, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến nước tại các sông, suối dâng cao gây ngập lụt tại nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, tổ công tác của Công an xã Đại Sơn gồm 3 đồng chí do Thượng úy Đinh Văn Cường, Phó Trưởng Công an xã thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ sơ tán nhân dân đến nơi an toàn. Khi đang làm nhiệm vụ tại khu vực ngầm tràn thôn Tân Hiệp, xã Đại Sơn, do trời tối, đường trơn trượt, nước lũ chảy xiết khiến Thượng úy Đinh Văn Cường bị ngã gãy xương quai xanh. Ngay sau đó, anh được đồng đội đưa đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. Được biết, tại thời điểm đồng chí Cường bị thương khi làm nhiệm vụ giúp dân phòng, chống lụt bão thì nhà của gia đình đồng chí cũng bị ngập nước, nhiều đồ đạc bị hư hại. Vợ đồng chí Cường phải tự di dời tài sản và đảm bảo an toàn cho gia đình.
Đối với CBCS Công an Bắc Giang những ngày qua, từ lãnh đạo đến CBCS đã dốc toàn lực cho công tác chống bão, chống lũ. Toàn lực lượng đều trực 100% để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, ngoài giúp dân di dời, bảo vệ tài sản, còn nắm tình hình khu công nghiệp, đê điều, hồ đập, giao thông, triển khai nắm ngầm nước, tuyến sạt lở, chuẩn bị phương tiện ứng cứu các khu vực chia cắt để triển khai các phương án đảm bảo ANTT, phối hợp quân đội và các lực lượng chống lũ. Đến thời điểm hiện tại (13h ngày 11/9), nước ở sông Cầu, sông Thương vẫn đang dâng cao, nguy cơ sạt lở, ngập lụt, vỡ đê bối vẫn còn hiện hữu, chính vì vậy, CBCS Công an Bắc Giang vẫn dầm mưa, vượt lũ để giúp dân an toàn.
Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết, ngoài lực lượng Công an huyện, xã thì các phòng nghiệp vụ theo lĩnh vực công tác để hỗ trợ người dân chống lũ. Các đồng chí trong Ban Giám đốc đều trực tiếp ở tại các địa bàn để kiểm tra công tác ứng trực, chỉ đạo, tổ chức lực lượng thực hiện nhiệm vụ, động viên, khen thưởng CBCS có thành tích xuất sắc đột xuất. Điển hình như ngày 8 và 9/9, tại huyện Lục Ngạn, nước lũ dâng cao, Công an tỉnh đã lập Sở Chỉ huy tiền phương tại địa bàn do Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc chỉ đạo để di dời dân, thực hiện các biện pháp cứu hộ, giúp dân an toàn. “Nhiều CBCS nhà ở trong vùng lũ cũng bị ngập lụt, vợ con phải sơ tán nhưng vì nhiệm vụ, anh em đành bỏ lại nhà mình để làm nhiệm vụ, khi nước xuống, người dân an toàn mới quay về nhà để thu dọn đồ đạc, khắc phục hậu quả do lũ gây ra” – Đại tá Nguyễn Quốc Toản chia sẻ.
Được biết, trong lũ dữ ở huyện Sơn Động, giữa đêm mưa gió, mất điện, nước ngập, khi thấy xuồng cứu hộ của lực lượng Công an đến, nhiều người dân xúc động trào nước mắt bởi họ hiểu, nếu lực lượng Công an không đến kịp thời, thì tính mạng, tài sản của họ không biết sẽ ra sao…