Nước sông tràn đê Hữu Thao ở Phú Thọ, gần 2.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hoàn lưu bão, mực nước sông Hồng chảy qua đoạn huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) đã lên mức báo động 3 đạt 28,18 m khiến nhiều khu vực trên địa bàn huyện ngập sâu dẫn đến cô lập. Gần 2.000 hộ dân các xã ven sông phải di dời khẩn cấp.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy và Phòng chống thiên tai huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), tính đến 9h30 ngày 10/9, bão số 3 đã gây mưa lũ và thiệt hại tại nhiều khu vực trên địa bàn.
Cụ thể, vào khoảng 4h15 sáng 10/9, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tại khu 1, xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa, xảy ra sạt lở đất khiến 1 người tử vong là bà Vũ Thị Khánh, 78 tuổi; 1 nhà bị tốc mái, hư hỏng là nhà bà Nguyễn Thị Kiệm, khu 14, xã Hiền Lương.
Cũng theo lãnh đạo huyện Hạ Hòa, do lũ sông Cầu dâng cao, có 1.980 hộ đã được di dời đến vùng an toàn và 3.309 hộ có nguy cơ phải di dời. Mưa bão khiến Trường Tiểu học Văn Lang (Khu lẻ) bị tốc mái, hư hỏng 100 tấm Fibro xi măng;Trường Tiểu học Chuế Lưu (xã Xuân Áng) bị đổ 23 m tường rào.
Về nông nghiệp, có 328,6 ha bị thiệt hại, thiệt hại 159,9 ha diện tích rau màu; 55,5 ha chuối, 70,3 ha rừng, 7,02 ha thủy sản.
Đến sáng 10/9, tại huyện Hạ Hòa, mực nước lũ đã dâng nhanh khiến các phương án chống tràn toàn tuyến không còn khả thi. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an ưu tiên lực lượng cho Hạ Hòa triển khai phương án sơ tán dân ở khu vực ven sông, vùng thấp trũng, nhà cấp 4... tại thị trấn Hạ Hòa.
Hiện nay, tại khu vực đê Hữu Thao đoạn qua xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, nước lũ tiếp tục dâng cao và tràn qua đê. Từ đêm 9/9 và rạng sáng 10/9, lực lượng chức năng và người dân đã đắp con trạch dài hơn 300m nhằm ngăn nước tràn. Tại các xã Hậu Bổng, Ấm Hạ, Đan Thượng, công tác phòng chống lũ cũng được triển khai gấp rút. Tuy nhiên, đến sáng 10/9, mực nước đã dâng cao hơn và bắt đầu tràn vào thị trấn Hạ Hòa qua Quốc lộ 2b, gây ngập một số khu dân cư.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu chỉ đạo Sở NNPTNT, Sở GTVT và các địa phương phối hợp rà soát, giải pháp lâu dài là cải tạo, làm tường chắn các đoạn đê thấp cục bộ. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc di dời tài sản và sơ tán dân là yêu cầu bắt buộc, cùng với vận động, tuyên truyền, nếu ai không tự nguyện di dời phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho Nhân dân.
Các địa phương phải thường xuyên cập nhật tình hình dự báo, cảnh báo thiên tai để thông tin, tuyên truyền người dân chủ động ứng phó, di dời. Đối với các trường hợp người dân cố tình gây khó khăn cho công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai cần kiên quyết có biện pháp xử lý.