Nước tiểu của cá voi giúp biển 'màu mỡ' hơn

Cá voi là một trong số những loài sinh vật lớn nhất Trái đất. Mặc dù trên khắp các đại dương có đến 90 loài cá voi, giới khoa học và nhà bảo tồn chỉ nghiên cứu được phần nhỏ cuộc sống của chúng.

Vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá về mức độ đóng góp đầy đủ của cá voi đối với hệ sinh thái biển nói riêng lẫn Trái đất nói chung. Tuy nhiên một nghiên cứu gần đây phát hiện ra rằng nước tiểu cá voi rất quan trọng với nhiều sinh vật biển khác.

Mỗi con sinh vật khổng lồ này (cá voi tấm sừng hàm) có thể thải gần 950 lít nước tiểu mỗi ngày. Chất thải này không hề vô dụng, đã khiến cho nhiều vùng nước nghèo dinh dưỡng trở nên “màu mỡ” hơn, đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển dưỡng chất khắp đại dương.

Cá voi góp phần lưu chuyển dưỡng chất trong đại dương lúc di chuyển - Ảnh: kertu_ee/iStock

Cá voi góp phần lưu chuyển dưỡng chất trong đại dương lúc di chuyển - Ảnh: kertu_ee/iStock

Nước tiểu cá voi hỗ trợ sinh vật phù du sinh sôi

Một nghiên cứu trước đây từng chỉ ra phân cá voi rất thiếu yếu với hệ sinh thái biển. Chúng kiếm ăn ở vùng nước sâu và giải phóng chất thải của nó nhưng lại là dưỡng chất cho loài khác ở vùng nước nông hơn. Quá trình lưu chuyển chất dinh dưỡng thúc đẩy hoạt động quang hợp của sinh vật phù du, tạo thành nền tảng cho chuỗi thức ăn đại dương.

Một số loài cá voi bơi qua nhiều vùng biển. Chẳng hạn cá voi lưng gù thực hiện cuộc di cư lên đến gần 10.000km - dài nhất trong thế giới động vật có vú, góp phần đưa chất dinh dưỡng đi khắp nơi.

Nghiên cứu mới do nhóm chuyên gia đến từ nhiều trường: Đại học Vermont, Đại học Aarhus, Đại học Quốc tế Florida, Đại học California, Đại học Bắc Arizona, Đại học Exeter, Viện Baleia Jubarte thực hiện đã đóng góp thêm hiểu biết về nước tiểu thải ra bởi cá voi tấm sừng hàm. Chúng dành cả mùa hè để kiếm ăn tại vùng cực và khu vực lân cận, sau đó bơi qua quãng đường dài đến vùng xích đạo để sinh sản vào mùa đông. Nước tiểu thải ra lúc di cư giúp tái phân bổ dưỡng chất, tăng khả năng kích thích sinh vật phù du sinh sôi ở nơi nghèo dinh dưỡng.

Không chỉ nước tiểu

Lúc di cư, cá voi còn đem theo nhiều vật chất hữu cơ khác như nhau thai, phân, thậm chí là xác nếu chúng chết đi. Cá voi xám là ví dụ tiêu biểu.

Hành vi trên khiến chất dinh dưỡng tập trung ở vài khu vực ven biển. Hằng năm có đến hơn 46.000 tấn sinh khối cùng gần 4.000 tấn ni tơ được chuyển đến vùng biển ít dưỡng chất.

Ni tơ chủ yếu được lưu chuyển bởi nước tiểu, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sinh vật phù du sinh sôi và quang hợp mạnh hơn. Sinh vật phù du phát triển mạnh có thể loại bỏ khoảng 18.180 tấn carbon khỏi khí quyển mỗi năm.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nuoc-tieu-cua-ca-voi-giup-bien-mau-mo-hon-232264.html