Nước xa không cứu được lửa gần
Những ngôi nhà không lối thoát, những 'chuồng cọp' chặn đứng đường thoát hiểm, những đường điện, thiết bị điện quá công suất, sẵn sàng chập cháy bất kể ngày hay đêm... Đầy rẫy nguy cơ liên quan đến cháy nổ đe dọa cuộc sống của con người, nhất là cư dân ở các đô thị lớn. Trong khi đó, mùa hanh khô đang là điều kiện thuận lợi cho cháy nổ.
Mới đây, vụ cháy khiến 3 bà cháu tử vong thương tâm ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, thêm một lần khiến dư luận bàng hoàng. Nhưng, vì sao tuyên truyền mãi mà số vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng vẫn không dừng lại?
Lại vẫn là những ngôi nhà không lối thoát
Tiếng khóc xé lòng của người thân 3 bà cháu tử vong trong ngôi nhà nhỏ ở phố Nguyễn Chính, TP Hà Nội khiến những người chứng kiến không khỏi xót xa. Chỉ trong một khoảnh khắc, họ đã cùng lúc mất đi 3 người thân yêu. Tất cả đều bất lực trước sự hung dữ của ngọn lửa. Và khi đó, nhiều người mới bàng hoàng nhận ra rằng, có lẽ 3 bà cháu sẽ tai qua nạn khỏi nếu như ngôi nhà có lối thoát nạn.
Khoảng 6h sáng 1-12, Công an quận Hoàng Mai nhận tin báo của Trung tâm 114 về vụ cháy xảy ra tại số nhà 22, hẻm 143/202/2 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với các đơn vị chức năng và người dân có mặt tại hiện trường khống chế đám cháy nhưng vào thời điểm đó, bà Phùng Thị Kim Tân (SN 1959) cùng 2 người cháu đã tử vong.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, ngôi nhà xảy ra hỏa hoạn nằm trong ngõ hẹp, lại được quây kín bằng tôn, khung sắt, cửa ra vào rất chắc chắn nên công tác chữa cháy gặp khó khăn, người ở bên trong cũng không có đường thoát ra ngoài. Vụ cháy để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Ngày 2-12, Công an quận Hoàng Mai thông tin bước đầu, có thể nguyên nhân vụ cháy là do chập điện.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Bộ Công an, phần nhiều các vụ cháy có nguyên nhân do điện. Trong khi đó, những vụ chập điện lại hay xảy ra vào ban đêm nên hậu quả càng trở nên nghiêm trọng. Những vụ cháy lớn gần đây có thể cho thấy rõ điều đó. Cụ thể như vụ cháy tại Nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông vào ngày 28-8-2019.
Cơ quan chức năng công bố nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do sự cố bảng mạch điện tử của bóng đèn LED chiếu sáng ở tầng 2 kho bán thành phẩm, làm cháy các chi tiết bên trong bóng đèn LED, sau đó cháy lan ra xung quanh. Có lẽ cũng phải nhắc lại một vụ việc nghiêm trọng xảy ra đã lâu do chập điện như vụ cháy trung tâm thương mại ở Hải Dương năm 2013 gây thiệt hại nhiều trăm tỷ đồng của bà con tiểu thương, 3 người bị khởi tố, truy tố.
Vụ việc mới nhất, tối 2-12, một khu nhà xưởng của công ty sản xuất bánh kẹo rộng 3.000m2 nằm trong khu công nghiệp Sóng Thần ở tỉnh Bình Dương đã bùng cháy dữ dội. Cả khu nhà xưởng 4 tầng chìm trong biển lửa. Thông tin ban đầu cho rằng nguyên nhân vụ cháy bắt nguồn từ tia lửa của công nhân hàn xì. Công an tỉnh Bình Dương đã huy động hơn 100 cán bộ chiến sĩ cùng hàng chục xe chữa cháy, sau gần 2 giờ đám cháy mới được khống chế. Vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản nhưng rất may không có thiệt hại về người.
Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội băn khoăn một điều rằng mặc dù các cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền sâu, rộng, bằng nhiều hình thức, từ các phương tiện thông tin đại chúng cho đến tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn tại địa bàn khu dân cư, tuy nhiên, người dân chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Số người dự tập huấn, tuyên truyền rất thấp, trong khi đó với đặc trưng của đô thị Hà Nội, người dân vẫn lo chống trộm hơn chống cháy nên còn tồn tại nhiều “chuồng cọp” không tính đến lối thoát hiểm.
Khi xảy ra cháy, không biết chạy đi đâu, hậu quả vô cùng nặng nề. Thượng tá Dũng cũng cho biết, đây cũng là thời điểm trời hanh khô. Hơn nữa, thời gian này bước vào những tháng cận tết, nhu cầu sản xuất, tiêu dùng tăng cao, công suất sử dụng điện lớn nên thường sẽ dễ xảy ra cháy hơn nếu người dân không làm tốt công tác phòng ngừa.
Phòng cháy còn mang tính hình thức
Theo thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, từ ngày 15-12-2018 đến 14-11-2019 cả nước xảy ra 3.354 vụ cháy (trong đó, 3051 vụ cháy cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông và 303 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 71 người, bị thương 113 người, về tài sản ước tính 1.125,357 tỷ đồng và 3.172 ha rừng. Xảy ra 21 vụ nổ, làm chết 13 người, bị thương 33 người, thiệt hại về tài sản 924 triệu đồng.
Cơ quan công an đã điều tra làm rõ nguyên nhân 2.821 vụ cháy, chiếm 84,1%. Trong đó, do sự cố hệ thống và thiết bị điện 1.566 vụ (chiếm 46,7%); sơ suất trong sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí đốt, hóa chất 973 vụ... Còn lại 533 vụ chưa rõ nguyên nhân (chiếm 15,9%).
Từ năm 2014 đến năm 2018, trong bối cảnh tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đơn vị, cơ sở và toàn dân, trong đó lực lượng CAND đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương lớn về công tác PCCC&CNCH.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc về hệ thống văn bản pháp luật dẫn đến công tác xử lý khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ như: Chưa có quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình nhà ở mà người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng để kết hợp vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh và thiếu các quy định về bảo đảm an toàn PCCC đối với các làng nghề truyền thống. Một số loại hình cơ sở mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn PCCC như: Chung cư mini, công trình nhiều tầng hầm, siêu cao tầng, nhà máy lọc dầu...
Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tại một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, triệt để, còn mang tính hình thức. Tình trạng vi phạm quy định về điều kiện an toàn PCCC diễn ra khá phổ biến nhưng việc phát hiện, xử lý còn hạn chế, thiếu kiên quyết. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trong việc bảo đảm điều kiện an toàn PCCC chưa cao...
Hơn nữa, thiết bị, phương tiện phục vụ PCCC chưa được đầu tư đúng mức, ảnh hưởng đến hiệu quả chữa cháy. Các phương tiện chữa cháy đặc chủng như chữa cháy xăng dầu, hóa chất, chữa cháy khu công nghiệp quy mô lớn, xe CNCH công trình ngầm... còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu trong xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố tại các cơ sở đặc thù này.
Thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”
Khoảng 11 tiếng trước khi xảy ra vụ cháy tại quận Hoàng Mai, tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội cũng xảy ra một vụ cháy nhà dân, rất may không gây thiệt hại về người, nguyên nhân ban đầu cũng được xác định có liên quan đến điện. Trong khi cả gia đình đang ăn cơm ở bên trong thì cửa hàng nhà bà Nguyễn Thị L. ở bên ngoài bị cháy.
Gian nhà có nhiều đồ dễ cháy nên chỉ sau vài phút, ngọn lửa đã bốc cao, trùm qua mái nhà cấp 4. Phía trên mái nhà là đường dây điện. Ngọn lửa cũng khiến đường dây điện biến dạng. Người dân ở quanh khu vực này đã tích cực cùng nhau chữa cháy. Người gọi cơ quan điện lực ngắt điện, người gọi 113, 114...
Trong lúc chờ cảnh sát PCCC, bà con hàng xóm đã cùng nỗ lực chữa cháy. Nguồn nước xung quan được huy động tối đa. Cả đoàn người đứng thành hàng dùng thùng, xô, chậu hứng nước và chuyền nước đổ vào đám cháy. Không chỉ công an địa phương mà lãnh đạo UBND xã, trưởng thôn cũng có mặt kịp thời để cùng người dân xử lý đám cháy.
Chỉ khoảng hơn chục phút sau, ngọn lửa đã được khống chế, không bị cháy lan rộng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người tham gia chữa cháy. Khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường thì đám cháy cơ bản đã được dập tắt, các chiến sĩ chữa cháy làm nốt những công việc ngăn đám cháy bùng phát trở lại.
Một ngày sau khi xảy ra cháy, gia đình bà Nguyễn Thị L. vẫn còn hoảng sợ nhưng bà đã đến gặp bà con trong xóm để cảm ơn mọi người đã chung tay giúp chữa cháy. Bà L. chia sẻ: “Nếu không có bà con tích cực chữa cháy giúp thì không biết tình hình sẽ thế nào, chắc chắn thiệt hại còn lớn hơn nhiều”.
Rõ ràng, trong điều kiện thời tiết hanh khô như hiện nay, ngọn lửa chẳng mấy chốc sẽ lan rộng rất nhanh. Thế nên, việc huy động lực lượng chữa cháy tại chỗ là vô cùng quan trọng trong khi chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, bởi nước xa không thể cứu được lửa gần.
Đại tá Đỗ Thanh Hải, Trưởng Phòng Tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC&CNCH, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an khẳng định, trong công tác chữa cháy, việc thực hiện và phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ là đặc biệt quan trọng. Phương châm 4 tại chỗ bao gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ. Việc huy động người dân sinh sống trên địa bàn khu dân cư mà nòng cốt là lực lượng dân phòng, cùng phương tiện phục vụ công tác cứu người, cứu tài sản tại chỗ sẽ giảm tối đa hậu quả khi xảy ra cháy. Mùa hanh khô và dịp tết Nguyên đán nguy cơ cháy cao, mọi vậy liệu dễ bắt cháy, khi cháy sẽ cháy với tốc độ cháy lan lớn. Khuyến cáo mọi người đặc biệt quan tâm phòng cháy nơi ở, làm việc, loại bỏ nguồn lửa, nguồn nhiệt phát sinh cháy.
Các sự cố cháy nổ luôn gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản. Trong khi chúng ta chưa kịp khắc phục những khó khăn trong công tác chữa cháy thì việc phòng ngừa cần được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt là ý thức của người dân trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng, phòng và chữa cháy tại gia đình, nơi làm việc là vô cùng quan trọng. Trong đó, phải đề cao thực hiện phương châm 4 tại chỗ thì mới mong hạn chế được hậu quả nặng nề. Xin một lần nữa nhấn mạnh - nước xa không cứu được lửa gần.
Lấy phòng ngừa là chính
Kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về PCCC giai đoạn 2014-2018. Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp tiếp theo.
Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ; có giải pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC.
Trong công tác PCCC, lấy phòng ngừa là chính; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC sâu rộng, với phương châm “4 tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng PCCC chuyên ngành. Nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý về bảo đảm an toàn điện, nhất là trong lắp đặt, sử dụng các thiết bị điện tại cơ sở, hộ gia đình theo quy định của Luật Điện lực, đáp ứng yêu cầu PCCC...
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/nuoc-xa-khong-cuu-duoc-lua-gan-572785/