Nuôi cá bè vẫu bằng thức ăn công nghiệp

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bè vẫu tại Khánh Hòa” do Tiến sĩ Phạm Đức Hùng - giảng viên Viện Nuôi trồng Thủy sản, Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm. Đề tài được ứng dụng góp phần nâng cao năng suất nuôi cá bè vẫu tại Khánh Hòa và các tỉnh ven biển.

Ương nuôi cá con trong bể xi măng.

Theo Tiến sĩ Phạm Đức Hùng, cá bè vẫu là đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế nhờ tăng trưởng nhanh, giá bán cao và thích nghi tốt với điều kiện nuôi; được nuôi nhiều trong lồng bè tại Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. Tuy nhiên, việc mở rộng nuôi đối tượng này gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là vấn đề con giống và khả năng thích nghi kém của cá bè vẫu với thức ăn công nghiệp. Một số nghiên cứu về kích thích sinh sản và ương nuôi cá bè vẫu đã được tiến hành với những kết quả hạn chế... Cá bè vẫu phân bố nhiều ở vùng biển Khánh Hòa, đây là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu và sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá bè vẫu tại Khánh Hòa. Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề tài: “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá bè vẫu tại Khánh Hòa”, giao Trường Đại học Nha Trang chủ trì với mục tiêu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bè vẫu phù hợp với điều kiện sản xuất tại Khánh Hòa.

Cân theo dõi cá bè vẫu bố mẹ.

Sau 35 tháng, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn và nuôi vỗ thành thục (đảm bảo sinh sản) được 70 con cá bố mẹ. Qua thời gian nuôi, nhóm nghiên cứu đã xác định được một số đặc điểm quan trọng của cá bè vẫu từ giai đoạn sinh sản của cá bố mẹ, tỷ lệ nở trứng, sự phát triển của cá hương lên cá giống, mật độ ương cá hương lên cá giống, khẩu phần và tần suất cho cá giống ăn, tỷ lệ sống trung bình của ấu trùng lên cá hương, từ cá hương lên cá giống, các chỉ số quan trọng khi nuôi thương phẩm… Sau 15 tháng nuôi, cá bè vẫu đạt khối lượng trung bình 1,19kg/con khi sử dụng thức ăn công nghiệp. Tỷ lệ sống đạt hơn 80%, năng suất hơn 9kg/m3 lồng nuôi. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã đào tạo 3 kỹ thuật viên; 3 cơ sở thực nghiệm nuôi thương phẩm với tổng sản lượng đạt gần 2 tấn cá, khối lượng trung bình 0,86kg/con sau 13 - 14 tháng nuôi. Đồng thời, tổ chức hội thảo góp ý quy trình và tổ chức tập huấn cho hơn 20 ngư dân về kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bè vẫu bằng thức ăn công nghiệp…

Nuôi thương phẩm cá bè vẫu tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thái Thanh Bình - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá, thành công của đề tài đã góp phần mở rộng quy mô hoạt động sản xuất giống cá bè vẫu trên địa bàn tỉnh. Số lượng đàn cá bố mẹ đã tăng từ 4 đàn (năm 2020) lên 10 đàn (năm 2023); kỹ thuật sản xuất giống được áp dụng và giúp hạ giá cá giống, tăng số lượng người nuôi thương phẩm. Kỹ thuật nuôi thương phẩm cá bè vẫu bằng thức ăn công nghiệp giúp người nuôi đa dạng nguồn thức ăn, giảm sự phụ thuộc vào thức ăn tươi, qua đó giảm lượng chất thải cũng như áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên...

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202309/nuoi-ca-be-vau-bang-thuc-an-cong-nghiep-69e5d05/