Nuôi cá chim vây vàng cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng
Về xứ đạo Vĩnh Phước (xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ai cũng biết ông Nguyễn Văn Hòa nuôi cá chim vây vàng với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Dù có nhiều năm kinh nghiệm trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng cũng như tôm sú, song ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1969, thôn Vĩnh Phúc, xã Nam Phúc Thăng) nhận thấy nghề này thường xuyên gặp rủi ro.
Ông luôn trăn trở chuyển đổi mô hình nuôi phù hợp nhằm mang lại thu nhập ổn định, phát triển sản xuất bền vững.
Đầu năm 2019, ông Hòa bắt đầu đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chim trắng vây vàng tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Ngay sau khi trở về, ông Hòa sử dụng vốn liếng tích góp hơn 150 triệu đồng để thuê máy móc cải tạo ao nuôi và nhập 6.000 con cá chim giống về thả trong ao nuôi gần 4.000 m2 của gia đình.
Ông Hòa kể: “Trước đây, tôi nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên, năm được, năm mất khiến tôi luôn bất an và quyết tâm chuyển đổi. Lần đầu tiên thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm cá chim trắng vây vàng, do chưa có kinh nghiệm nên tôi rất lo lắng, nhưng loài này dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, cho thu nhập khá, vì thế tôi cũng tự tin phần nào".
Trước khi thả nuôi cá chim vây vàng, ông Hòa tiến hành cải tạo ao nuôi, rắc vôi, xử lý mầm bệnh và vi sinh vật có hại. Sau khi thả, ông bám sát từng quy trình kỹ thuật, từ đảm bảo lượng oxy, nhiệt độ phù hợp; lượng thức ăn cho cá; công tác phòng dịch...
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Cá chim trắng vây vàng chỉ sinh trưởng, phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 26 - 32 độ C. Thức ăn chính là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, giai đoạn cá lớn, người nuôi có thể cho thêm cá tươi xắt nhỏ. Nhằm đảm bảo cung cấp lượng thức ăn đầy đủ, mỗi ngày tôi cho cá ăn 2 lần, vào buổi sáng và chiều mát và điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển của cá”.
Qua thời gian nuôi, nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, cá chim trắng vây vàng lớn nhanh. Vụ đầu tiên có những con đạt trọng lượng 700 - 800g, trung bình 600g/con. Sau thu hoạch, gia đình ông thu nhập gần 200 triệu đồng.
Ông Hòa cho biết thêm: “So với một số loại cá nước lợ khác như: hồng mỹ, chẽm, mú… thì cá chim vây vàng có nhiều ưu điểm vượt trội. Trong khi nhiều loại cá khác phải đạt trọng lượng 1 kg mới cho thịt ngon và bán được giá, thì cá chim vây vàng chỉ cần nặng trên 300g là có thể bán tỉa, chất lượng thịt vẫn đảm bảo”.
Tích lũy đủ kinh nghiệm và làm chủ kỹ thuật, từ năm 2020, ông Hòa quyết định chuyển hẳn toàn bộ diện tích ao nuôi tôm của gia đình sang nuôi cá chim vây vàng. Với diện tích gần 1ha, trung bình mỗi năm, ông Hòa nuôi 1 vụ với mật độ thả 12.000 con giống.
Thời gian từ khi thả đến lúc thu hoạch là 6,5 tháng. Tỷ lệ sống của cá đến khi thu hoạch đạt khoảng 90%, năng suất đạt 6 tấn cá/vụ. Hiện nay, với giá bán khoảng 180 - 200 nghìn đồng/kg, doanh thu ước đạt hơn 1,2 tỷ đồng/vụ.
Theo ông Hòa, để nuôi cá chim vây vàng thành công, cần mua cá giống ở các cơ sở đã khẳng định thương hiệu, được kiểm dịch, loại trừ các yếu tố mang mầm bệnh.
Trước khi thả nuôi đại trà cần thuần hóa độ mặn phù hợp với điều kiện ở khu vực thả nuôi. Mật độ cá giống thả ở mức chừng 40 con/m3, các quạt nước hoặc sục khí cần hoạt động liên tục để tăng hàm lượng oxy hòa tan. Ngoài ra, người nuôi phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước, quản lý dịch bệnh; chú ý khâu vệ sinh ao hồ để bảo đảm môi trường sạch sẽ, thông thoáng cho cá phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, đạt năng suất tốt.
Trong quá trình chăm sóc cá cần được được bổ sung một số vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng, tăng khả năng hấp thụ thức ăn...
Ông cho biết: “Ngoài tập trung sản xuất, không ngừng tìm kiếm thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lên 1,5 ha; phát triển thêm đối tượng nuôi mới như cá bè.
Cùng với đó, tiếp tục tìm hiểu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết tìm kiếm đầu ra sản phẩm cho bà con trên địa bàn và các địa phương lân cận."
Hiện nay, mô hình của ông Nguyễn Văn Hòa được xem là một trong những mô hình lớn nhất của địa phương. Việc nuôi thành công cá chim vây vàng thương phẩm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đa dạng, phong phú đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Từ đó, từng bước thay đổi tư duy, tập quán của người sản xuất để tăng cao thu nhập và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững.