Nuôi cá trên non

Ở cái nơi mà bao đời người Raglai, người T'rin chỉ biết bắt con cá suối, săn con nhím, con cheo nay bỗng xuất hiện những trang trại nuôi cá có 'quốc tịch' tận châu Âu, châu Úc. Sự khác lạ đang mở ra một triển vọng mới cho người dân miền sơn cước Khánh Vĩnh.

Ở cái nơi mà bao đời người Raglai, người T’rin chỉ biết bắt con cá suối, săn con nhím, con cheo nay bỗng xuất hiện những trang trại nuôi cá có “quốc tịch” tận châu Âu, châu Úc. Sự khác lạ đang mở ra một triển vọng mới cho người dân miền sơn cước Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).

“Cá ngoại” về bản

Qua một người bạn, lần đầu tiên tôi nghe chuyện đưa cá tầm, cá mú tuyết - những loài cá chỉ ưa sống ở xứ lạnh, tận trời Âu, trời Úc về nuôi trong hồ ở các xã Sơn Thái, Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh). Để thỏa sự tò mò, ngày cuối tuần, chúng tôi ngược lên khu vực núi Đá Tây, bên dòng suối Sê Oóc (xã Sơn Thái), thăm trang trại nuôi cá nước lạnh Khánh Vĩnh của hộ ông Nguyễn Xuân Điệp. Giữa bốn bề núi rừng, mấy chục hồ cá lớn, nhỏ với 6.000m2 mặt nước để nuôi cá tầm, cá mú tuyết nhìn rất bề thế. Hòa trong thanh âm rào rào của suối chảy, vài chú cá mú tuyết lâu lâu lại quẫy đuôi tạo nên sự phá cách giữa cỏ cây, chim muông. Mấy thanh niên người đồng bào Raglai, T’rin làm công cho trại cá cười chào khi thấy khách tới.

 Trại cá tầm tại xã Sơn Thái nhìn từ trên cao.

Trại cá tầm tại xã Sơn Thái nhìn từ trên cao.

Tiếp chúng tôi, ông Phạm Văn Út - phụ trách kỹ thuật của trang trại khoe: “Cá mú tuyết là loại cá hạng sang, chuyên sống nước lạnh bên Úc, vậy mà đưa sang đây vẫn sống ngon lành. Ở khu vực miền Trung, trang trại chúng tôi có lẽ là một trong những nơi đầu tiên thử nghiệm nuôi cá mú tuyết. Loại này dinh dưỡng rất cao, được mệnh danh là vua của các loài cá nước ngọt. Trang trại cũng nuôi xen cả cá tầm, giống lấy trực tiếp từ Đức về ương. Cá ở đây tăng trưởng nhanh hơn cá nuôi trên Đà Lạt. Cá tầm ở Đà Lạt nuôi từ 15 đến 18 tháng mới xuất bán được, nhưng ở đây chỉ nuôi 12 tháng là cá đã đủ trọng lượng đưa ra thị trường”. Theo ông Út, Trại cá nước lạnh Khánh Vĩnh bắt đầu nuôi từ cuối năm 2016. Đến nay, qua một thời gian dài làm việc ở trang trại, nhìn đàn cá lớn lên từng ngày mà nhiều lúc ông vẫn tưởng như mình đang mơ. Chúng tôi hiểu tâm trạng đó, bởi đâu chỉ riêng ông Út, rất nhiều người khi nhắc đến loài cá đặc sản nước lạnh này đều hình dung đó là thứ cá nhập khẩu, có chăng chỉ nuôi được ở Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng) - những nơi có khí hậu mát mẻ và nhiệt độ nguồn nước từ 250C trở xuống, chứ không thể nuôi ở xứ biển Khánh Hòa. Để cá tầm, cá mú tuyết bén duyên với vùng đất Sơn Thái không phải là chuyện dễ.

“Đường thành công đâu chỉ có hoa hồng”

Rời Trại cá nước lạnh Khánh Vĩnh, chúng tôi ngược sang xã Khánh Phú, tìm đến trại cá tầm do ông Kim Việt Hiệu làm chủ. Bên dòng Yang Gang uốn lượn, trại cá hơn 1ha nằm tựa mình vào đồi Treo (xóm Mới, xã Khánh Phú) với hàng trăm ngàn con cá tầm đang độ xuất bán. Vốn là người con của đất Tuyên Quang, vào Khánh Phú lập nghiệp từ thập niên 90, ông Hiệu hiểu rõ từng nhánh sông con suối, từng con đường mòn của đại ngàn Yang Bay. Trong ông luôn đau đáu khát vọng làm giàu trên quê hương Khánh Vĩnh. Năm 2007, trong lần đi chơi Đà Lạt, ông thấy mô hình nuôi cá tầm mang lại giá trị kinh tế cao. Sau nhiều năm nghiên cứu về nhiệt độ nước, thổ nhưỡng, các điều kiện tự nhiên, đến năm 2016, ông Hiệu quyết định triển khai mô hình này như một canh bạc cuộc đời. “Ngày mới đầu tư, bao nhiêu vốn liếng vợ chồng tích cóp tôi dồn hết vào trại cá. Tôi chọn một điểm gần như thung lũng, xa khu dân cư, gần suối, với diện tích 10.000m2 mặt nước để nuôi. Bắt đầu từ năm 2018 cá được mùa, sinh trưởng tốt và cho thu nhập cao. Hiện nay, mỗi kg cá bán tại nguồn là hơn 200.000 đồng, mỗi tháng xuất bán khoảng 10 tấn, chủ yếu là thị trường TP. Hồ Chí Minh”, ông Hiệu chia sẻ.

 Cá tầm thích ứng rất tốt với nhiệt độ nước lạnh nên tăng trưởng nhanh khi nuôi tại khu vực Khánh Vĩnh.

Cá tầm thích ứng rất tốt với nhiệt độ nước lạnh nên tăng trưởng nhanh khi nuôi tại khu vực Khánh Vĩnh.

Dẫn chúng tôi thăm hồ cá thương phẩm, chỉ tay về phía đàn cá đang lặng lẽ kiếm mối, ông Hiệu kể: “Để có được thành quả ngày hôm nay, gia đình tôi đã trải qua muôn vàn gian khó. Lúc mới thả giống, mọi thứ hết sức thuận lợi, cá lớn nhanh, khi đến độ chuẩn bị xuất bán (mỗi con từ 1,6kg - 1,7kg) thì tự nhiên lăn ra chết hàng loạt. 47 hồ, mỗi hồ 5.000 con chết không còn một con. Đây có lẽ là cú sốc lớn với gia đình. Nhưng nếu dừng lại thì mọi tâm huyết coi như tan thành mây khói. Cuối cùng lại gom góp làm lại và thành quả là những đàn cá thương phẩm này”.

Nghe ông Hiệu kể về những khó khăn ban đầu, chúng tôi nhớ tới câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Điệp, chủ Trang trại nuôi cá nước lạnh Khánh Vĩnh. Cuối năm 2017, khi lứa cá tầm đầu tiên ông Điệp nuôi ở Sơn Thái đạt gần 2kg/con, chuẩn bị xuất bán thì trận lũ lịch sử đổ về trang trại, cuốn theo toàn bộ trại cá ra sông, suối. “Tôi như không tin vào mắt mình. Gần 3 tỷ đồng sau một đêm chỉ còn đất cát. Thành quả sau nhiều tháng lăn lộn trên miền rừng thiêng nước độc giờ thành công cốc”, ông Điệp nhớ lại.

Nghe kể về những gian khó của các chủ trại cá nước lạnh, tôi chợt nhớ đến câu nói của một triết gia phương Tây: “Đường thành công đâu chỉ có hoa hồng”. Câu nói đó thật đúng với con đường của ông Điệp, ông Hiệu.

Ước vọng cho người miền cao

Được gặp gỡ và trò chuyện với những người tiên phong đem cá nước lạnh về nuôi tại Khánh Vĩnh, chúng tôi nhận ra, bên cạnh việc làm giàu, họ luôn đau đáu việc giúp đồng bào bản địa thoát nghèo bền vững. Đứng trong trại cá tầm, phóng mắt về phía rừng già, ông Hiệu tâm sự: “Bố tôi là cán bộ từ Tuyên Quang vào trước năm 1975, tham gia cách mạng trên quê hương Khánh Vĩnh. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông ở lại xây dựng kinh tế gia đình. Đến năm 1994, gia đình tôi chuyển hẳn vào đây, lập nghiệp tại Khánh Phú. Ngày mới vào, đường chưa có đi, gia đình chủ yếu phát rẫy làm nương. Bao nhiêu năm từng cành cây, ngọn cỏ đã ngấm vào máu thịt. Bao nhiêu năm, người Raglai, T’rin ở đây vẫn thiếu cái ăn, cái mặc; nhiều người èo uột vì sốt rét rừng. Tôi chỉ mong mô hình nuôi cá nước lạnh có thể phát triển mạnh ở đây để sau này mỗi hộ đồng bào có một ao nuôi. Chỉ cần vậy, chắc chắn người miền cao không còn phải lo cái ăn để vươn lên làm giàu”.

Ông Điệp cũng nhận định, huyện Khánh Vĩnh có nguồn nước lạnh dồi dào, tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi cá xuất xứ từ châu Âu. Đây là ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất tiềm năng để các hộ gia đình thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại. Đưa cá tầm, cá mú tuyết lên Khánh Vĩnh sẽ góp phần thúc đẩy nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung phát triển. “Mong muốn lớn nhất của tôi là vài năm nữa có thể phát triển nghề nuôi này rộng rãi ra cộng đồng, giúp người dân nghèo ở huyện miền núi này có của ăn của để. Không những thế, tiềm năng nuôi này ở huyện Khánh Sơn cũng còn rất lớn. Khi nghề nuôi được cộng đồng nhân rộng, những người đi tiên phong như chúng tôi sẽ lo sản xuất con giống cung cấp cho các gia đình một cách chủ động. Hiện nay, toàn bộ người lao động tôi thuê đều là người địa phương. Hy vọng, vài năm nữa họ sẽ nắm bắt được kỹ thuật để tự làm hồ nuôi riêng, tìm con đường thoát nghèo cho gia đình”, ông Điệp bày tỏ.

Đình Lâm - Mạnh Hùng

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh: Khánh Vĩnh có mật độ sông, suối cao hơn so với các huyện khác trong tỉnh. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, nhiệt độ nước từ những con sông, suối này thấp, tương tự như các con sông, suối ở Lâm Đồng. Đây là một điều kiện cực kỳ thuận lợi để phát triển nuôi cá nước lạnh. Chính vì vậy, chúng tôi đã đề xuất quy hoạch một số vùng nuôi có tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thuận lợi để nuôi một số giống cá nước lạnh như: cá mú tuyết của Úc, cá tầm, cá chép giòn… Những vùng nuôi ở các xã: Sơn Thái, Khánh Hiệp, Khánh Phú, Giang Ly… đã được UBND tỉnh đồng ý, đưa vào quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202003/nuoi-ca-tren-non-8156579/